Amsterdam, Hà Lan: Ngoài kiến trúc tuyệt đẹp và lịch sử thú vị, thủ đô của Hà Lan còn thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới vì tiếng tăm là nơi tự do, phóng túng. Tuy nhiên, chiến dịch quảng cáo năm nay của thành phố đã nói rõ kiểu khách nơi này muốn, và gần như nói thẳng rằng những du khách gây rối nên tránh xa. “Thành phố Tội lỗi” cũng đã đề xuất nhiều quy định để chỉnh đốn lại, như giới hạn các tour quán bar, cấm sử dụng cần sa ở phố đèn đỏ… Ảnh: Lonelyplanet. |
Lanzarote, Tây Ban Nha: Từ lâu, đây là điểm đến tận hưởng ánh nắng mặt trời của nhiều du khách quốc tế. Tuy nhiên, những ngày du khách say xỉn tới tận sáng ở đây có thể sắp kết thúc, khi chính quyền muốn thu hút du khách “chất lượng cao hơn”, những người chi tiêu nhiều hơn và uống rượu ít hơn. Hòn đảo này tuyên bố mình là khu vực bão hòa du lịch - nghĩa là có quá nhiều du khách, gây áp lực cho người dân địa phương và nguồn lực ít ỏi của đảo - vào đầu năm nay. Ảnh: Lanzarote Guide. |
Bali, Indonesia: Điểm đến nổi tiếng thế giới này đang áp dụng nhiều biện pháp để giảm bớt hành vi gây rối của du khách, nhằm xóa bỏ hình ảnh là nơi du khách quốc tế có thể chơi bời trụy lạc. Chính quyền địa phương cũng đang cân nhắc việc áp thuế du lịch (khoảng 150 USD) để tăng chất lượng và giảm số lượng du khách. Tuy nhiên, điều này có thể gây ra nhiều hệ quả, khi du lịch chiếm đến 60% nền kinh tế Bali trước đại dịch. Ảnh: Traveling Lifestyle. |
Venice, Italy: Đây là một trong những điểm đến tuyệt đẹp bị quá tải ở châu Âu. Những con phố hẹp và các con kênh không được xây dựng để đáp ứng lượng khách khổng lồ đến đây, cuộc sống của người dân địa phương cũng trở nên khó chịu. Thành phố này dự định áp thuế du lịch từ đầu năm, nhưng sau đó đã lùi sang năm 2024. Ảnh: Globetrender. |
Barcelona, Tây Ban Nha: Thành phố này dường như có tất cả trong một địa điểm, từ những kiệt tác kiến trúc, bãi biển lớn, cuộc sống về đêm sôi động đến ẩm thực, văn hóa… Tuy nhiên, nơi này cũng rất đông khách. Năm 2022, Barcelona đã có các bước để giảm lượng du khách như giới hạn số lượng người trong các tour khách đoàn, quy định về tiếng ồn… Thị trưởng thành phố tuyên bố du lịch là một thử thách lớn ở Barcelona, và sẽ tìm kiếm thêm các biện pháp giới hạn để đảm bảo chất lượng sống cho người dân địa phương. Ảnh: Telegraph. |
Bhutan: Một trong những biện pháp để giữ lượng du khách thấp là áp dụng “phí phát triển bền vững” 200 USD/ngày đối với du khách, cách mà Bhutan đã làm sau khi mở cửa hậu đại dịch. Vương quốc nằm ở dãy Himalaya này không phải điểm đến phổ thông, đồng nghĩa du khách sẽ phải chi một số tiền lớn để khám phá nơi này. Điều này giúp giữ số lượng khách ở mức có thể quản lý được. Ảnh: Norbu Bhutan. |
Santorini, Hy Lạp: Những tòa nhà màu trắng nổi bật trên nền nước biển xanh biếc ở hòn đảo này là một trong những khung cảnh biểu tượng của Hy Lạp. Santorini thu hút khoảng 2 triệu du khách mỗi năm, trong khi số dân cư ở đây chỉ khoảng 10.000 người. Hòn đảo bắt đầu áp dụng các biện pháp giới hạn từ năm 2019, như ấn định số lượng khách tối đa từ tàu du lịch là 8.000 người/ngày, hay cấm du khách nặng quá 100 kg cưỡi lừa. Ảnh: Travellemming. |
Châu Âu có diện tích nhỏ thứ hai thế giới nhưng sở hữu nền văn hóa đa dạng, có lịch sử phát triển lâu đời. Tri thức Trực tuyến giới thiệu tới bạn đọc những trang sách về lục địa già.
> Xem thêm: Tủ sách du lịch châu Âu