Không chỉ chịu chi hơn cho trải nghiệm xê dịch, Gen Z còn là nhóm khách hàng sẵn sàng mua sắm trong chuyến du lịch. Ảnh: Phạm Thế Hiển. |
Ngày 23/4, mạng quảng cáo trực tuyến Cốc Cốc phát hành báo cáo "Cất cánh cùng ngành du lịch năm 2024" nhằm đưa ra số liệu tổng quan về nhu cầu du lịch hiện tại, cũng như phân tích hành vi tiêu dùng du lịch của người Việt.
Nghiên cứu được khảo sát trên 30 triệu người dùng của nền tảng Cốc Cốc, đồng thời thực hiện thêm các cuộc khảo sát trực tuyến trên toàn quốc.
Theo đó, 70% người trẻ ở độ tuổi 25-34 chi tiêu mạnh cho du lịch với chi phí từ 5 triệu đồng trở lên cho một chuyến đi.
Trong khi đó, lứa tuổi trung niên 35-44 tuổi hạn chế chi tiêu cho du lịch hơn. Đáng chú ý, độ tuổi từ 45 tuổi trở lên lại chi tiêu khá khiêm tốn cho du lịch với 27,8% người được hỏi tiêu từ 2 đến dưới 5 triệu đồng cho mỗi chuyến đi.
Biển tiếp tục là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn cho chuyến đi của mình. Ảnh: Thùy Dương. |
Báo cáo cũng chỉ ra người Việt đang có xu hướng đi du lịch thường xuyên hơn với tỷ lệ du lịch từ 3 lần/năm trở lên đạt 22,4% - con số cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Về điểm đến, những điểm du lịch nổi tiếng, có dịch vụ đầy đủ; và điểm khám phá cảnh quan thiên nhiên là hai xu hướng xê dịch chính được quan tâm nhất. Trong đó, du lịch biển đứng vị trí đầu bảng trong 3 năm liên tiếp với gần 40% đáp viên yêu thích.
Khi nền kinh tế phục hồi, sự quan tâm đến các điểm đến quốc tế gia tăng đáng kể từ 14,1% lên 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù phần lớn người dân vẫn chọn du lịch trong nước.
Theo kết quả khảo sát, Đà Nẵng, Đà Lạt, Hà Nội là 3 điểm đến được ưa chuộng nhất trong nước. Trong khi đó, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ là những điểm đến quốc tế hấp dẫn nhất cho người dùng.
Loại hình du lịch khám phá thiên nhiên ngày càng được du khách quan tâm. Ảnh: Lê Huỳnh. |
Xét về loại hình du lịch, du lịch tham quan, khám phá và du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái đang là 2 loại hình được ưa chuộng nhất bởi người Việt với tỷ lệ tương ứng là 50,1% và 41,9%.
Hoạt động mua sắm khi đi du lịch gắn liền với thế hệ Gen Z và Gen Y nhiều hơn (khoảng 33,3%), trong khi tỉ lệ này chưa đến 20% ở thế hệ trước đó.
Báo cáo tiết lộ sự an toàn, thân thiện với du khách là tiêu chí hàng đầu để khách Việt chọn điểm đến du lịch, sau đó là yếu tố thời tiết, khí hậu. Hơn 40% nữ giới cân nhắc review, đánh giá từ người trải nghiệm trước, trong khi chỉ 23% nam giới coi trọng yếu tố này.
Khảo sát cũng cho thấy người Việt ngày càng lên kế hoạch cụ thể cho chuyến đi. Năm 2024, hơn 60% người được hỏi cho biết họ đã có kế hoạch du lịch so với chỉ 44% vào năm 2022.
Những nguồn tin truyền miệng từ người thân, bạn bè cho đến đánh giá từ cộng đồng là nguồn cảm hứng cho kế hoạch du lịch của người Việt.
Khi công nghệ trở nên tiến tiến hơn, thật thú vị khi biết rằng 17,8% người được hỏi năm nay cho biết họ sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ khi lên lịch trình.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch