Bali ban hành bộ quy tắc ứng xử mới để hạn chế những hành vi gây rối. Ảnh: Washington Post. |
Bali, điểm đến du lịch nổi tiếng của Indonesia, đưa ra hướng dẫn về cách ứng xử "duyên dáng" khi đi du lịch trong khi những hành vi gây rối của du khách ngày càng phổ biến, theo SCMP.
Với nhiều bãi biển đẹp và những cánh đồng xanh mướt, Bali thu hút hàng triệu lượt khách quốc tế mỗi năm. Tuy nhiên, năm 2023, chính quyền địa phương ở đây cũng trục xuất hàng chục du khách vì những hành động xúc phạm văn hóa, phong tục địa phương.
Để hạn chế ồn ào và biến những chuyến du lịch trở thành "trải nghiệm khó quên", cơ quan quản lý du lịch địa phương đã kêu gọi du khách "ăn mặc phù hợp" với văn hóa bản địa và thể hiện sự tôn trọng cộng đồng. Cụ thể, khách du lịch được yêu cầu mặc áo phủ vai và quần dài hơn đầu gối ở những nơi linh thiêng.
Du khách mang trang phục không phù hợp sẽ bị từ chối tham gia các nghi thức, lễ hội địa phương. Ảnh: Mauro Fabio Cilurzo/Unsplash. |
Quy tắc ứng xử mới nhất dành cho du khách cũng nhắc nhở họ không được làm phiền các nghi thức tôn giáo địa phương, ví dụ như trèo lên cây thánh, xả rác ở đền thờ hoặc gây rối ở các lễ hội.
Theo Cơ quan quản lý du lịch Bali, việc tuân theo bộ quy tắc ứng xử mới nhất sẽ đảm bảo Bali "đẹp mãi về sau" và du khách cũng sẽ có "những kiến thức phù hợp để khám phá nền văn hóa độc đáo của Bali một cách tự tin và duyên dáng".
Năm 2023, tại một đền thờ ở thị trấn Ubud (Bali), một du khách người Đức còn gây náo động khi không mặc quần áo và bước lên sân khấu của lễ hội. Tương tự, một người nữ du khách Đan Mạch cũng bị bắt vì để lộ bộ phận sinh dục nơi công cộng.
Một người đàn ông Nga cũng bị trục xuất vào năm 2023 vì chụp ảnh bán khỏa thân trên đỉnh một ngọn núi thiêng của Bali. Năm 2022, một du khách Canada cũng làm hành động tương tự.
Người theo đạo Hindu ở Bali chiếm gần 90% dân số trên đảo. Do đó, những ngọn núi thiêng, quy tắc tôn giáo và các hoạt động tâm linh luôn được cộng đồng địa phương xem trọng và thực hiện nghiêm ngặt.
Để hạn chế các hành vi xúc phạm đến tín ngưỡng địa phương, chính quyền phải ban hành bộ quy tắc ứng xử cho du khách vào năm ngoái. Nhiều hoạt động thực thi pháp luật cũng được thực hiện nhằm giảm bớt hành vi sai trái của du khách quốc tế tại Bali.
Bãi biển Bali ngập rác khiến nhiều du khách ngán ngẩm. Ảnh: Plastic Bank Indonesia. |
Tuy nhiên, những nỗ lực này dường như không mang lại hiệu quả đáng kể. Cuối tuần trước, một du khách đã bị chỉ trích trên mạng xã hội vì chửi mắng và đánh nhau với hướng dẫn viên sau khi bị nhắc nhở về hành vi chen hàng.
Ngược lại, nhiều du khách quốc tế lại chia sẻ những trải nghiệm du lịch "gây thất vọng" tại Bali. Đặc biệt là những bãi biển đầy rác, du khách nữ bị quấy rối và thiếu vỉa hè dành cho người đi bộ. "Tôi biết nơi nào cũng có vấn đề riêng và Bali cũng không phải thiên đường nhưng hy vọng chính quyền địa phương sẽ sớm khắc phục những vấn đề nổi cộm này", một người dùng Instagram chia sẻ.
"Thùng rác ở Bali luôn đầy ắp và dường như chúng không bao giờ được dọn sạch. Bãi biển và sông suối cùng ngập ngụa rác thải. Tôi rất buồn khi hòn đảo tuyệt đẹp này bị rác xâm chiếm", một người khác bình luận.
Theo văn phòng nhập cư Bali, 3 tháng đầu năm nay, Bali đã đón 1,3 triệu lượt khách quốc tế. Để giải quyết các vấn đề nảy sinh từ du lịch, chính quyền địa phương đã ban hành một khoản "thuế du lịch" trị giá 10 USD để có thêm ngân sách bảo vệ môi trường và phát triển văn hóa.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch