Tại Nghị quyết 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, Chính phủ yêu cầu triển khai thực hiện hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch; tổ chức nghiên cứu và xây dựng Đề án thành lập Văn phòng Xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, trước mắt là một số thị trường du lịch trọng điểm.
Học ở đối thủ để làm tốt hơn
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), cho rằng cần thay đổi trong cách quảng bá, xúc tiến du lịch để tránh tình trạng "có tiền nhưng không chi tiêu được hoặc chưa hiệu quả". Muốn làm quảng bá, xúc tiến du lịch hiệu quả cần phải khảo sát, nghiên cứu, đánh giá từng thị trường trọng điểm. Phải hiểu du khách cần gì, mong muốn gì và ngành du lịch sẽ tiếp cận như thế nào?... Muốn vậy, cần lập những văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài, nhất là những thị trường trọng điểm.
"Hồi cuối năm 2021, Singapore đã làm cuộc khảo sát về nhu cầu của khách Việt rằng nếu dịch COVID-19 kết thúc họ sẽ muốn chơi ở đâu, mua sắm gì...? Khi du lịch vừa mở cửa trở lại, họ đã chào ngay những sản phẩm du lịch mới đáp ứng nhu cầu, thị hiếu sau dịch. Kết quả là khách Việt đua nhau sang Singapore" - ông Hoàng Nhân Chính dẫn chứng.
Theo các doanh nghiệp (DN), có thể học theo các thị trường là những đối thủ cạnh tranh chính của ngành du lịch như Thái Lan, Singapore và Malaysia. Nếu vượt 3 điểm đến này, du lịch Việt Nam có thể đứng đầu ASEAN. Thái Lan, Singapore đều có văn phòng xúc tiến du lịch tại TP HCM, Hà Nội để thu hút khách Việt tới những điểm đến của họ.
Nhiều ý kiến cho rằng cách thức quảng bá, xúc tiến du lịch hiện nay không còn phù hợp, cần thay đổi để thu hút du khách hiệu quả hơn
Rõ ràng, rất cần văn phòng xúc tiến du lịch để xúc tiến thị trường, nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của du khách. Nhưng đến thời điểm này, Tổng cục Du lịch Việt Nam chưa có văn phòng chính thức nào ở nước ngoài. Các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại du lịch tại thị trường nước ngoài còn thiếu và yếu.
Đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết Tổng cục Du lịch Thái Lan có tới 19 văn phòng ở nước ngoài và riêng khu vực Đông Nam Á họ mở tới 7 văn phòng. Tổng cục Du lịch Singapore cũng có 19 văn phòng nước ngoài ở 7 khu vực, trong đó châu Á chiếm phần lớn (bao gồm văn phòng tại TP HCM).
"Riêng thị trường Trung Quốc, Tổng cục Du lịch Thái Lan đặt tới 5 văn phòng đại diện đi kèm là những chiến dịch quảng bá, xúc tiến nhắm vào thu hút khách Trung Quốc đã được triển khai. Điều này giúp Thái Lan tự tin đón 7 - 10 triệu khách Trung Quốc trong năm nay" - đại diện Vietnam Airlines nói.
Đối với thị trường xa như châu Âu, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ, ngành du lịch Thái Lan cũng giúp các hãng hàng không tăng các chuyến bay thuê bao, đặc biệt là từ những thành phố thứ cấp hoặc khu vực không có đường bay thẳng để thu hút nhu cầu bị dồn nén sau đại dịch. Do đó, Việt Nam cần sớm thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch tại các địa bàn trọng điểm Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ.
Thiếu sản phẩm phù hợp cho từng thị trường
Theo các DN, một trong những điểm yếu cần cải thiện của ngành du lịch hiện nay là thiếu và yếu sản phẩm độc đáo, đáp ứng nhu cầu khách thay đổi sau đại dịch như du lịch mua sắm, tâm linh, chăm sóc sức khỏe, thể thao mạo hiểm...
Hiện tại, khách quốc tế có xu hướng đi du lịch theo từng nhóm nhỏ, chú trọng môi trường sinh thái, bảo đảm sức khỏe. Các đoàn khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị) đòi hỏi điểm đến có hạ tầng tốt và dịch vụ chuyên nghiệp.
Ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ty Oxalis, cho hay các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc… luôn có chiến lược phát triển sản phẩm phù hợp theo thị trường mục tiêu rồi mới đưa ra chiến lược quảng bá tập trung vào từng thị trường. Với cách làm này, họ đã chi ngân sách quảng bá một cách hiệu quả.
"Du lịch Việt Nam trong những năm qua đã làm rất tốt khâu phát triển sản phẩm cho khách thị trường châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc nhưng lại chưa có nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách thị trường Mỹ và châu Âu. Do đó, cần định hình rõ chiến lược xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với những thị trường trọng điểm đang nhắm tới, đồng thời xây dựng chiến lược marketing bài bản và hệ thống bán hàng phù hợp" - ông Nguyễn Châu Á nói.
Với tình hình ngân sách còn hạn chế, ngành du lịch có thể huy động nguồn lực quảng bá trong cộng đồng DN, khuyến khích chuyển đổi mô hình quảng bá từ DN tới DN đối tác ở nước ngoài, sang cả mô hình từ DN tới khách hàng để tiếp cận trực tiếp tới khách du lịch ở thị trường mục tiêu, từ đó nâng cao hiệu quả quảng bá.
Kể câu chuyện về chuyến khảo sát ở Chiang Mai, Thái Lan mới đây, ông Nguyễn Châu Á nhận thấy rất nhiều mô hình du lịch mới, hiện đại đang được xây dựng và đang dần thay thế sản phẩm truyền thống, các mô hình resort trên núi và ven suối được làm mới theo lối kiến trúc hiện đại song vẫn hòa mình với thiên nhiên.
Sản phẩm du lịch mạo hiểm cũng được tái cấu trúc theo hướng giảm số lượng và tăng giá trị trải nghiệm. Do đó, muốn kéo khách quốc tế tới, các điểm đến của Việt Nam cũng cần có sự thay đổi về sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh.
Một trong những điểm nghẽn của Việt Nam khi đưa hình ảnh du lịch ra thế giới thời gian qua nằm ở khâu marketing. Ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group, cho rằng muốn truyền thông hiệu quả phải định vị được thương hiệu du lịch quốc gia của Việt Nam là gì, ẩm thực, thiên nhiên, văn hóa hay con người? Cần định vị rõ cho du khách về sản phẩm du lịch của Việt Nam để họ dễ dàng tìm đến và trải nghiệm.
Đổi slogan và định vị lại du lịch
Nhiều chuyên gia góp ý thương hiệu quảng bá (slogan) của du lịch từ nhiều năm nay là "Việt Nam - vẻ đẹp bất tận" cũng cần được làm mới sau COVID-19. Thực tế, tất cả các nước đã làm mới slogan du lịch của họ. Cần định vị lại ngành du lịch Việt Nam qua logo, slogan và đánh giá lại xem thương hiệu này còn phù hợp không để bắt tay vào nghiên cứu, thay đổi trong bối cảnh mới.
Đại diện Vietnam Airlines đề xuất trong thời đại công nghệ số, Chính phủ cần xây dựng một hệ thống giúp chia sẻ dữ liệu hành khách giữa cơ quan quản lý nhà nước, các hãng hàng không, khách sạn và đại lý du lịch để tăng cường trải nghiệm khách hàng, phục vụ việc nâng cấp, đổi mới sản phẩm dịch vụ phù hợp nhu cầu thị trường.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-5