![]() |
Một điểm nhấn không thể bỏ qua trong khuôn viên bảo tàng đó chính là tháp Chiến thắng với chiều cao 45 m. Đây là con số đại diện cho dấu mốc dân tộc Việt Nam giành độc lập vào năm 1945. Ảnh: Việt Hà. |
Ngày 10/4, theo thông tin từ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam), sau thời gian mở cửa miễn phí cho người dân và du khách, Bảo tàng sẽ bắt đầu áp dụng thu vé vào cửa.
Bắt đầu từ thứ Bảy ngày 12/4, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt. Giờ mở cửa: sáng từ 8h đến 11h30, chiều từ 13h đến 16h30.
Tuy nhiên, nhiều người sẽ được miễn phí vé tham quan, gồm các đối tượng: người dưới 16 tuổi, người từ 80 tuổi trở lên, thương binh, người có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động.
Những trường hợp được giảm 50% giá vé gồm: Người khuyết tật nặng theo khoản 2 điều 11 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật; người cao tuổi là công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên, có thẻ người cao tuổi hoặc giấy tờ hợp lệ; học sinh, học viên, sinh viên từ 16 tuổi trở lên có thẻ do các cơ sở giáo dục quốc dân cấp.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam bắt đầu mở cửa đón, phục vụ khách tham quan miễn phí từ ngày 1/11/2024 cho đến nay.
Với quy mô 4 tầng nổi và 1 tầng hầm, Bảo tàng có diện tích xây dựng 23.198 m2, tổng diện tích sàn tòa nhà chính 64.640 m2.
Phía trước tòa nhà là Tháp Chiến thắng cao 45 m với hình ngôi sao năm cánh được xếp chồng nhiều lớp, tượng trưng cho năm 1945 dân tộc Việt Nam giành được độc lập.
Là một trong 6 bảo tàng quốc gia và là bảo tàng đứng đầu hệ thống các bảo tàng trong Quân đội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam không chỉ đơn thuần là công trình trưng bày lịch sử chiến tranh, mà còn tạo không gian chung để khách tham quan tương tác và trải nghiệm về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Hiện tại, Bảo tàng đang lưu giữ và trưng bày hơn 150.000 hiện vật, trong đó có bốn bảo vật quốc gia: hai máy bay MIG-21 (số hiệu 4324, 5121), xe tăng T54B (số hiệu 843) và bản đồ Quyết tâm chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Du lịch là để tận hưởng hay sống ảo?
Theo TS Đặng Hoàng Giang - tác giả cuốn sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường - việc chạy theo những gì được cho là đẹp theo tiêu chuẩn số đông đang phá vỡ sự nguyên sơ, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên.
Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu nội dung buổi chia sẻ của tác giả Đặng Hoàng Giang về quan điểm du lịch đang khiến con người quên đi việc tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên.
> Đọc tiếp: Hệ luỵ của du lịch 'sống ảo'