Những người đeo mặt nạ khoe dương vật dùng để xua đuổi ma quỷ tại lễ hội ở đền Chezhi Goenpa. Ảnh: Humphrey Hawksley. |
Con đường mòn tới Bhutan cheo leo, nhiều chỗ thẳng đứng như vút lên bầu trời, với những khúc cua quanh co, có thể nhìn bao quát ra thung lũng, đồng ruộng và sông ngòi.
“Chúng tôi đi lên cao đến nỗi dường như không còn gì khác ngoài núi non hoang dã”, nhà báo Humphrey Hawksley kể lại chuyến đi với Nikkei Asia.
Bất ngờ, tiếng nhạc cụ mộc mạc vang lên, và khi xe Hawksley đi qua khúc cua lên cao nguyên, cảnh tượng hàng loạt xe địa hình đỗ bên ngoài ngôi đền Phật giáo mái vàng hiện ra trước mắt.
Khi mở cửa xe bước xuống, Hawksley bắt gặp vũ công đeo mặt nạ gỗ màu hạt dẻ sẫm với đôi tai to và hàm răng nanh nhọn được khắc thành nụ cười rộng.
Người này nắm chặt một vật có vẻ là bằng gỗ trong tay, vẫy qua vẫy lại trước mặt Hawksley. “Lúc đầu tôi nghĩ là một loại đũa phép nhưng hóa ra nó lại là biểu tượng của sự thờ phượng - một dương vật khổng lồ”, ông cho hay.
Hawksley sau đó tham gia lễ hội của đền Chezhi Goenpa ở làng Genekha - nơi hàng thế kỷ qua, những nghi lễ múa mặt nạ đã gắn kết cộng đồng lại với nhau để tái hiện câu chuyện về các vị thần và quỷ dữ.
Nhạc trống, dây thô và những bộ trang phục rực rỡ hòa quyện tạo nên bầu không khí mang cả màu sắc tôn giáo và huyền thoại trong lễ hội cộng đồng, tựa như lễ hội làng quê châu Âu.
Một bức tượng tại địa điểm tượng Phật Dordenma ở Thimphu (trái) và cảnh trong lễ hội đền Chezhi Goenpa (phải). Ảnh: Humphrey Hawksley. |
"Lũ quỷ dữ"
Bhutan là xứ sở của những huyền thoại - chất keo gắn kết đất nước với dân số chưa đầy 1 triệu người.
Người anh hùng trong truyền thuyết về dương vật là Lama Drukpa Kunley, có biệt danh "Người điên thần thánh". Tương truyền rằng ông thường đánh đuổi yêu ma bằng chính "của quý" của mình.
Kunley cố gắng tạo ra sức nóng kinh khủng trong chính cơ thể để biến bộ phận nhạy cảm thành thanh sắt nóng dùng đốt cháy lũ yêu ma. Đó là lý do ngày nay, người dân thường vẽ hình ảnh dương vật lên trước cửa nhà với niềm tin lá bùa này sẽ bảo vệ họ khỏi sự xâm hại của ma quỷ.
Chủ đề quỷ dữ thấm sâu trong lối suy nghĩ của người Bhutan và nước này giải quyết “lũ quỷ” bằng quyết tâm.
Chẳng hạn, “quỷ dữ” của sự phát triển được kiểm soát bằng việc giới hạn chiều cao của các tòa nhà. Sự can thiệp từ nước ngoài bị ngăn chặn bằng cách chỉ cho phép mở 3 đại sứ quán.
“Quỷ dữ” du lịch cũng bị kiểm soát quyết liệt. Không phải du khách ba lô (du lịch bụi) hay nhóm khách du lịch đại chúng nào cũng được phép tới đây.
Thay vào đó, trọng tâm là nhóm du khách chi tiêu lớn. Có thể thấy điều đó qua chuỗi nhà nghỉ xa hoa ở Aman và khu nghỉ dưỡng Pemako Punakha mới khai trương.
Biệt thự xa hoa tại khu nghỉ dưỡng Pemako Punakha. Ảnh: Humphrey Hawksley. |
Thuộc sở hữu của người Bhutan, Pemako nằm trên khu đất rộng lớn với các biệt thự, hồ bơi riêng và nơi thiền định, có lối vào bằng cầu treo bắc qua dòng sông chảy xiết.
Trong khi đó, “quỷ dữ” tăng trưởng kinh tế được kiềm chế bởi công thức Tổng Hạnh phúc Quốc gia. Công thức này được đưa ra từ những năm 1970, cho rằng mức sống không phải là thước đo duy nhất thể hiện mức độ hài lòng với cuộc sống của người dân.
Nghệ thuật phallus
Cảnh quan tại Bhutan được tô điểm bởi những ngôi đền, pháo đài và tu viện, phần lớn được xây dựng cách đây nhiều thế kỷ, bên vách núi cheo leo.
Tiger's Nest - Tu viện được cho là linh thiêng nhất Bhutan - gắn liền với truyền thuyết về nhà sư cưỡi hổ từ phía đông tới để xua đuổi ma quỷ. Một tác phẩm điêu khắc thể hiện con hổ với móng vuốt đè xuống người đàn ông mặc quần áo địa phương và người phụ nữ khỏa thân - theo nghĩa thế tục, tượng trưng cho sự chinh phục của một bộ lạc hay khu vực này đối với khu vực khác.
Tu viện Tiger's Nest là một trong nhiều công trình kiến trúc cổ xưa. Ảnh: Humphrey Hawksley. |
Bhutan đã phải đối mặt với chủ nghĩa bè phái nội bộ như vậy cho đến đầu những năm 1900, khi các nhà lãnh đạo đối lập dần nhận ra sự dễ bị tổn thương của đất nước họ.
Vì vậy, vào năm 1907, những người cai trị Bhutan đã thiết lập chế độ quân chủ cha truyền con nối non trẻ nhất trên thế giới. Sau đó, nhà vua thành lập quốc hội đại diện đầu tiên của đất nước để giải quyết một con “quỷ dữ” khác.
Bức tượng Phật Dordenma mạ vàng - một trong những bức tượng Phật lớn nhất thế giới - nằm tại thủ đô Thimphu, củng cố niềm tin tôn giáo mà xung quanh đó những truyền thuyết Bhutan xoay vần.
Các cửa hàng quà lưu niệm bán những chiếc mặt nạ gỗ đầy màu sắc và hình ảnh Phật giáo được vẽ tay, như một con đường quanh co trên hành trình hướng tới sự giác ngộ.
Tuy nhiên, thu hút sự chú ý nhất, với nhiều kích thước, sắc thái và kiểu dáng khác nhau, là những đồ tạo tác được lấy cảm hứng từ Lama Drukpa Kunley. Ngài thậm chí còn có một ngôi đền dành riêng cho mình, Chimi Lhakhang, nổi tiếng thế giới với nghệ thuật phallus (dương vật).
Mặc dù có chút bối rối nhưng vì cần vật kỷ niệm về truyền thuyết của người Bhutan, Hawksley đã mua một chiếc màu xanh đậm được trang trí với con rồng vàng.
“Bây giờ, khi trở về nhà, câu hỏi được đặt ra: Tôi nên đặt nó ở đâu cho hợp lý?”, ông nói.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch