Đang mưa đang gió, người bình thường chạy ra có khi còn bệnh, huống chi mấy người đặc biệt. Không thể chạy cái ào ra chỗ
Bờ giậu lại trổ xanh
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
- Rồi rồi, Miên ăn ngoan nhe, anh Thi đây nè! - Thi xắn tay áo, quẹt vội mồ hôi còn đọng trên trán, hớn hở cười - Cơm bữa nay có cá thu kho cà ngon quá nè Miên ơi!
- Cây cây… mưa cây cây gãy... Con nhỏ tên Miên không thèm để ý món ngon, hớt hải báo cáo tình hình.
- Miên ăn ngoan lát hết mưa anh Thi dẫn ra coi cây nhe! - Thi xén cá, múc kèm cơm, đưa sát miệng Miên - Hôm qua anh Thi che kỹ lắm, không gãy được đâu!
Phải dỗ vậy nhỏ Miên mới chịu ăn cơm. Mấy cái giàn mồng tơi đó, là Thi đề xuất với bệnh viện cho bệnh nhân trồng. Anh nghĩ màu xanh cây lá và sức sống đâm chồi từ chúng sẽ khiến mọi người có thêm sức mạnh để sớm hồi phục. Xanh là hy vọng. Chồi là khát khao.
Vậy mà cây mồng tơi lại phụ lòng Thi. Gió mạnh hung hãn cuốn tấm bạt anh đã cẩn thận chằng dây che cho đám cây, kéo sập luôn giàn. Mưa rát rạt quất không thương tiếc những dây leo non chưa bám chắc giàn. Những thân cây dập nát, những đoạn gãy lìa, những lá rơi rụng, có cây còn trốc gốc lộ rễ trắng... nhìn mà xót. Miên rứt vòng tay của Thi, nhào tới, quỳ xuống ôm mớ mồng tơi non nớt bầm tấy, khóc như đứa con nít bị giật quà.
***
- Cực cho anh rồi! - bác sĩ Thảo đưa cho Thi ly cà phê nóng mới pha, khói bốc làm kính ông nhòe đi, nhìn như khung cửa kính đọng mưa.
Anh nóng bừng bừng, một tay không ngừng giáng những cú tát xuống người đàn bà rũ rượi trên sàn nhà, vợ anh. Một tay anh nắm lấy tóc chị, hung hăng giật.
Tiếng trẻ con kêu ré lên. Tiếng anh xô đứa bé té nhào.
Hình như có máu.
Anh lớn giọng mắng nhiếc. Vợ anh vùng dậy, mặc kệ mớ tóc dài nằm lại trong tay anh tả tơi. Chị chắn cho đứa con, mạnh mẽ phản kháng.
Cơn giận trong anh càng bốc lên ngùn ngụt. Nó như lửa gặp than mồi, thêm một chút xăng mất tự chủ rưới lên, tàn nhẫn phừng phừng muốn thiêu đốt tất cả.
Anh thấy cái kéo may đồ gần đó, anh đã quơ lấy nó. Ôi, tại sao anh đã không bình tĩnh hơn, tại sao anh để những suy nghĩ bạo lực chiếm lấy mình.
Trước khi chuyện tệ hại xảy ra, vợ anh đã chụp lấy cái ghế gỗ phang vào chân anh. Anh đau đớn sụp xuống, chị bồng con bỏ chạy khỏi nhà.
Cái chân thành tật cho đến giờ. Nhưng anh cảm ơn nó, cảm ơn cơn đau lúc đó đã ngăn cơn cuồng loạn trong anh. Nếu không, có lẽ anh hối hận cả đời.
***
Vừa bước vô bệnh viện, Thi đã nghe tiếng ồn ào. Nhóm người tụ tập ngoài giàn mồng tơi, có Miên và ai nữa. Sao anh nhớ điều dưỡng nói hôm nay có người thân vào thăm Miên. Vậy cô nhỏ ra đó làm gì, hình như còn đang la khóc.
Thi chạm mắt người đàn ông đang cố giằng Miên ra khỏi giàn mồng tơi. Dù ông có lay cỡ nào cô vẫn ngồi im cứng ngắc, dang vòng tay cố che chắn cho những mầm cây.
Thi kịp hỏi tình hình, hóa ra đây là người cha từng bạo hành khiến Miên phát bệnh. Giờ ông ta vào đây đòi cho cô xuất viện, vì nghe đâu bên họ hàng nhà vợ hứa sẽ cho một khoản tiền lớn khi cô khỏi bệnh. Cô mới thuyên giảm chứ chưa thể gọi là ổn định chứ đừng nói là khỏi. Nhưng ông ta cần tiền để trả nợ cá độ.
Bàn tay ông ta cầm cọc gỗ nhổ từ giàn mồng tơi vung lên. Bảo vệ chưa đến kịp. Thi thấy mình ngày nào trong ông ta. Không kịp nghĩ gì, chỉ trong tích tắc, anh lao đến chắn cho Miên.
Bảo vệ ập tới kéo ông ta đi. Thi xước trán, chảy máu nhưng anh chỉ quan tâm coi Miên ra sao. Anh khóc. Miên hớt hải dỗ dành anh như bình thường anh dỗ con nhỏ ăn cơm.
Bác sĩ Thảo đứng từ xa, cạnh một người đàn bà gầy gò, mỉm cười nhẹ tênh nhìn về phía xôn xao:
- Chị thấy chưa, ảnh thay đổi thiệt mà!
Người đàn bà ấy là vợ của Thi. Để cảm ơn bệnh viện đã chữa khỏi bệnh cho con gái, chị hay đến phụ nấu ăn ở bếp. Chị nhận ra chồng, âm thầm quan sát.
Chị cũng âm thầm nhìn ngắm những chồi xanh như chờ đợi một tín hiệu. Có lẽ đã đến lúc rồi.