Bốn lần lạc đồ mà không mất ở Thụy Sĩ

Trong chuyến đi Thụy Sĩ, gia đình chị Anh Tú đã để quên, làm rơi đồ bốn lần nhưng vẫn tìm lại được.

Chị Lê Anh Tú, hiện sống tại Pháp, và gia đình có chuyến đi lần thứ sáu đến Thụy Sĩ từ 14 đến 25/2 để ngắm cảnh và trượt tuyết ở Interlaken và Grindelwald, hai đô thị thuộc Bern, thành phố du lịch nổi tiếng của nước này. Mọi người trong gia đình để quên điện thoại và balo bốn lần ở những địa điểm công cộng nhưng không mất.

Gia đình chị Tú dành phần lớn thời gian chuyến đi để trượt tuyết ở Grindelwald, Thụy Sĩ.

Gia đình chị Tú dành phần lớn thời gian để trượt tuyết ở Grindelwald, Thụy Sĩ.

  

Lần đầu tiên, chồng chị, anh Lê Anh Tuấn, để quên điện thoại trong xe đẩy hàng ở một siêu thị tại thị trấn Interlaken. Sau khi về ăn tối, anh mới nhớ ra chiếc điện thoại nhưng siêu thị đã đóng cửa. Sáng hôm sau anh Tuấn lái xe trở lại siêu thị và chỉ mất 30 phút để tìm thấy đồ bị thất lạc. Một người dân khi thấy điện thoại của anh đã đưa cho nhân viên siêu thị, hy vọng người để quên quay lại.

Chiều cùng ngày, anh Tuấn lại làm rơi điện thoại. Đoán điện thoại có thể bị rơi trên xe buýt từ chân núi lên khu trượt tuyết trên đỉnh nên họ viết giấy trình báo gửi cho lái xe tuyến 112. Hôm sau, chị Tú được thông báo lái xe đã nhặt được, yêu cầu vợ chồng chị đến kiểm tra và nhận lại nếu đúng.

Lần thứ ba, đến lượt cậu con trai lớn để quên balo tại quảng trường trung tâm thị trấn Grindelwald sau khi trở về từ khu trượt tuyết. Chiếc balo vẫn nằm ở quảng trường trong khoảng 20 phút trước khi con chị nhớ ra và đi tìm. "Mọi người qua lại liên tục nhưng dường như chẳng ai để ý đến đồ đạc của người khác", chị Tú nói.

Vào tháng 2, tuyết vẫn phủ trắng ngôi làng Zermatt (Thụy Sĩ).

Tuyết vẫn phủ trắng ngôi làng Zermatt (Thụy Sĩ), hồi tháng 2.

Khi chuyện xảy ra lần thứ tư, chị Tú "không nghĩ rằng may mắn lại mỉm cười lần nữa". Khi đó, cả gia đình ghé siêu thị mua đồ ăn. Người để quên điện thoại trong giỏ hàng là chị. Sự việc nghiêm trọng hơn vì chỉ điện thoại của chị có sóng Thụy Sĩ và mạng 5G, cũng đắt tiền hơn, chứa nhiều thông tin quan trọng liên quan đến công việc. Chị hỏi nhưng nhân viên nói không thấy, siêu thị không lắp camera an ninh.

Chị đi qua các gian hàng với chút ít hy vọng còn sót lại. Đến quầy bánh, chị ngạc nhiên thấy chiếc điện thoại vẫn nằm trong giỏ hàng ngay cạnh lối đi. "Mọi người qua lại liên tục nhưng chẳng ai động tới", chị cho hay.

Chị Tú cho hay gia đình từng mất đồ ở nhiều nơi khác tại châu Âu và việc lần này ở Thụy Sĩ đối với chị có thể gọi là phép màu. "Đây là một phép màu có thực được những người dân Thụy Sĩ tạo nên", chị nói.

Vẻ đẹp của khung cảnh hồ Hongrin ở bang Vaud, Thụy Sĩ.

Vẻ đẹp của hồ Hongrin ở bang Vaud, Thụy Sĩ.

Thụy Sĩ là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm 2015 theo công bố của Liên hợp quốc. Nước này xếp thứ 6 trong danh sách các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của Tạp chí US News (Mỹ) và đứng đầu trong danh sách những quốc gia có tỉ lệ tội phạm thấp nhất thế giới.

Phong cảnh và con người là hai thứ tạo nên giá trị du lịch, theo quan điểm của chị Tú. Sự tốt bụng, ý thức cao của người dân Thụy Sĩ đã chinh phục gia đình chị. Sau chuyến đi này, chị lại có thêm lý do để trở lại lần nữa. Tuy nhiên, "không phải lúc nào phép màu cũng xuất hiện", chị Tú nói và khuyên du khách nên giữ gìn đồ đạc cẩn thận ở bất cứ đâu.

Quỳnh Mai
Ảnh NVCC