Khán giả nhạc Việt từng chào đón 2
Ca sĩ ảo khó làm nên chuyện!
Ra mắt ca sĩ ảo Ann với MV “Làm sao nói thương anh” Ảnh: MINH HẠNH
Trên thế giới, đã có nhiều ca sĩ ảo trở thành thần tượng, thu hút lượng người hâm mộ đông đảo như Hatsune Miku (Nhật Bản), Lạc Thiên Y (Trung Quốc), Apoki (Nhật Bản)… Trong số này, Apoki (Nhật Bản) ra mắt năm 2019, là thần tượng ảo đầu tiên của công ty đồ họa Afun Interactive. Apoki được giới thiệu là ca sĩ, vũ công, YouTuber, Influencer (người có sức ảnh hưởng) và đã phát hành các MV "Get it out", "Coming back", "Shut up kiss me"... Apoki hiện có 290.000 người đăng ký, 3,8 triệu người theo dõi trên TikTok. Tại Trung Quốc hồi tháng 6-2022 một ca sĩ ảo Luo Tianyi cũng tạo nên xu hướng thần tượng mới của giới trẻ. Tianyi được tạo hình là cô gái 15 tuổi với bím tóc xám, đôi mắt xanh lá cây và hiện có tới hơn 5 triệu người theo dõi trên Weibo.
Số liệu của Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Emergen Research cho thấy thị trường con người kỹ thuật số toàn cầu đạt mức 10 tỉ USD vào năm 2020 và dự kiến đạt 528 tỉ USD vào năm 2030. Nằm trong xu thế phát triển chung của thế giới, đại diện nhà phát hành ca sĩ ảo tiết lộ đơn vị này kỳ vọng sắp tới Ann có thể được hoàn thiện hơn nữa và lấn sân sang nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác như đóng phim, trình diễn thời trang, tham gia show giải trí...
Không thể thay thế ca sĩ thật
Ưu điểm lớn nhất của ca sĩ ảo chính là việc người ta có thể lập trình cho giọng hát hay ngoại hình của ca sĩ. Giới đầu tư cho rằng một ca sĩ ảo sẽ là bài toán an toàn cho đơn vị quản lý khi vấn đề "scandal" cùng khái niệm "phong sát" đang là từ khóa hot của ngành giải trí hiện nay. Với một ca sĩ ảo, đơn vị quản lý không cần đau đầu lo lắng việc "gà nhà" dính vào những tai tiếng về đời tư. Mặt khác, ca sĩ ảo có thể trình diễn liên tục mà không bị ảnh hưởng về sức khỏe, tuổi tác, kỹ năng.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, ca sĩ ảo là một hướng phát triển tất yếu của làng giải trí hiện đại. Nhưng suy cho cùng đó cũng là một phương thức giải trí mới làm phong phú hơn sự lựa chọn của khán giả mà thôi. Bởi ca sĩ ảo là sản phẩm của công nghệ nên chúng ta chỉ có thể nghe cho vui chứ không thể có được những xúc cảm mà ca sĩ thật thả vào ca khúc. "Tôi cho rằng ca sĩ ảo hay nghệ sĩ ảo là một hướng phát triển độc đáo cho nền giải trí nhưng không thể thay thế nghệ sĩ, ca sĩ thật" - nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng anh phấn khích bởi những giọng ca ảo và ca sĩ ảo sẽ tránh được những ồn ào, bê bối cá nhân. Nhưng ca sĩ ảo sẽ không thể cạnh tranh được với ca sĩ thật vì có nhiều hạn chế. Ví dụ như ca sĩ ảo không thể đi diễn, không thể giao lưu với khán giả. Ca sĩ - nhạc sĩ Anh Tuấn (thành viên nhóm MTV) bổ sung: "Ca sĩ ảo sẽ không thể đem lại cảm xúc, cảm giác thật cho khán giả nên không thể thay thế ca sĩ thật".