Chàng trai đi khắp Việt Nam chụp ảnh bò sát

Nguyễn Minh Phú dành nhiều thời gian đi khắp ba miền chụp ảnh rắn và bò sát để thỏa đam mê và hy vọng nhiều người biết đến vẻ đẹp của chúng.

Nguyễn Minh Phú, 20 tuổi, sống tại TP HCM, đồng sáng lập nhóm cứu hộ rắn Viet Snake Rescuer, đam mê đi rừng và khám phá, chụp ảnh các loài bò sát lưỡng cư. Năm lớp 9, Phú tập nuôi rắn nước và nhận ra con rắn của mình không đẹp như trong những bức hình chụp ngoài tự nhiên. Do đó, anh muốn đi nhiều hơn để khám phá vẻ đẹp của các loài động vật.

Tính tới nay, Phú đã khám phá nhiều khu rừng tại Việt Nam như Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, Fansipan, Vườn quốc gia Tam Đảo, đảo Hòn Sơn, các khu rừng hoang Lâm Đồng để chụp ảnh bò sát và tham gia cứu hộ rắn, tái thả dưới sự cho phép của cán bộ kiểm lâm.

Trong hình là Phú đang cầm một con rắn rào ngọc bích, được mệnh danh "nữ hoàng rắn".

Rắn hoa cỏ cổ đỏ được Phú chụp ở khu rừng hoang ở Lâm Đồng. Phú nói những cánh rừng ở Lâm Đồng là điểm khởi đầu cho hành trình theo đuổi đam mê chụp ảnh bò sát của mình. Anh đi rừng lần đầu năm 15 tuổi cùng hai người địa phương và nhớ "tim đập liên tục vì phấn khích khi thấy một con rắn trong tự nhiên". Kết thúc buổi đi rừng đầu tiên, nhóm Phú tìm thấy 30 con rắn và mỗi con đều mang vẻ đẹp riêng biệt.

"Từng bước chân vào rừng đã khơi dậy hứng thú tuổi trẻ, khiến tôi thêm yêu công việc liên quan đến bò sát", anh nói.

Phú cũng thường tổ chức các chương trình chụp ảnh bò sát trong rừng với khách nước ngoài là chủ yếu. Các buổi chụp hầu hết diễn ra trong đêm vì đây là thời điểm bò sát, lưỡng cư hoạt động mạnh.

Buổi chụp ảnh ở đảo Hòn Sơn, Kiên Giang vào tháng 10 (ảnh) mang đến ấn tượng đặc biệt nhờ sự giao hòa của biển cả và núi rừng. Với những người đam mê bò sát, Hòn Sơn là điểm khó bỏ qua với loài đặc hữu rắn lục Hòn Sơn quý hiếm.

Một thành viên trong đoàn đang sử dụng móc giữ con rắn lục để chụp hình an toàn.

Phú ấn tượng với rắn lục Hòn Sơn nhưng cũng quan ngại khi loài rắn này trở thành món hàng buôn lậu cho các nhà sưu tầm, nguy cơ giảm trầm trọng số lượng ngoài tự nhiên.

Rắn lục mắt hồng ngọc, do một thành viên trong đoàn của Phú chụp trong hành trình tìm rắn ở Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai hồi tháng 7. Phú thường tới đây chụp ảnh và tham gia các buổi tái thả động vật hoang dã. Đây cũng là nơi Phú học về cách đi rừng và kỹ thuật chụp ảnh trong những ngày đầu theo đuổi đam mê.

"Từng phút lặn lội trong rừng khiến mỗi bức hình đều trở nên quý giá", anh nói. Ảnh: Phúc Nguyên

"Điều quan trọng trong một buổi chụp rắn là khả năng định hướng và giữ bình tĩnh", Phú nói. Ngoài ra, tính kiên trì, khả năng tập trung và trang bị đầy đủ thiết bị như đèn pin chất lượng cao, máy ảnh ống kính macro hay đồ bảo hộ cũng giúp buổi chụp suôn sẻ hơn.

Trong hình là rừng trên núi Ngọc Linh ở Kon Tum, nơi Phú từng tới để tìm loài đặc hữu ếch cây sần sương mù. Anh vẫn nhớ tiếng mưa rả rích, không khí ẩm, lạnh buốt xuyên qua từng lớp áo trong buổi chụp ở đây.

Nỗ lực được đền đáp khi cả nhóm tìm thấy loài ếch đặc biệt của khu rừng. Trong bóng đêm, chú ếch với lớp da sần xuất hiện khiến mọi mệt mỏi đều như tiêu tan.

Một trong những kỷ niệm không thể quên của Phú là hành trình đi tìm tổ rắn hổ mang chúa ở một cánh rừng gần khu dân cư bỏ hoang tại Đắk Lắk sau khi nghe tin từ một người quen. Trong khi các loài rắn chỉ đẻ trứng rồi bỏ đi, rắn hổ mang chúa lại xây tổ bằng cách gom lá, cỏ và các vật liệu tự nhiên khác.

Phú nói đây là chuyến đi gian nan vì đường mòn trơn trượt, hiểm trở, xe máy ì ạch leo dốc không có lan can rất nguy hiểm. Một số đoạn đường còn phải xuống dốc thẳng đứng, trơn nên Phú phải căng cả người để ghì chiếc xe, giảm đà trượt. Sau khi lội qua những bụi tre dày, cả nhóm tìm thấy tổ rắn và coi đó là phần thưởng quý báu cho hành trình đầy thử thách.

"May mắn có người tìm thấy và chỉ chỗ, nếu không tôi chẳng bao giờ tìm được tổ rắn đặc biệt này", anh nói.

Hình ảnh tổ rắn nhóm của Phú tìm được.

Phú cũng bỏ công đi đến các vùng núi, rừng phía bắc để tìm kiếm những loài bò sát lưỡng cư "độc lạ" hơn. Trong hình là con cá cóc Ziegle, được tìm thấy ở các vùng núi phía bắc như Hà Giang, Lào Cai. Loài này được phát hiện năm 2013 và tên đặt theo Phó giáo sư Thomas Ziegle từ vườn thú Cologne, Đức - người có nhiều đóng góp trong nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam.

Phú nhớ quá trình tìm kiếm không khó khăn nhưng "đau lòng" khi thấy cảnh tượng những con cá cóc bị săn và bày bán.

"Tôi muốn bảo vệ chúng thông qua từng câu chuyện, bức ảnh của mình sau chuyến đi", anh nói. Ảnh: Scott Nishiki

Tam Đảo là nơi đầu tiên Phú đặt chân đến trong hành trình đi sâu vào những cánh rừng phía bắc hồi tháng 4. Mục tiêu chính của chuyến đi làm tìm cá cóc Tam Đảo nhưng anh cũng chụp được nhiều bức ảnh về rắn trong rừng. Trong hình là một con rắn roi ở Vườn quốc gia Tam Đảo.

Cá cóc Tam Đảo được nhóm của Phú tìm thấy ở một con suối. Anh nói loài này trông có vẻ nguy hiểm nhưng hiền và chậm chạp. Ngoài ra, việc chúng thường bị bắt ngâm rượu khiến Phú lo ngại số lượng cá thể sẽ sớm giảm sút mạnh.

Phú muốn truyền niềm đam mê bò sát và mô hình du lịch ngắm động vật tới nhiều người hơn, qua đó nâng cao ý thức bảo vệ động vật hoang dã. Tuy nhiên, anh thừa nhận chặng đường còn khá "chông gai" vì người Việt có tâm lý sợ rắn, bò sát. Ảnh: Vũ Đặng Anh Quân

Tú Nguyễn

Ảnh: Viet Herping

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net