Chen chúc 'săn mây' trên đỉnh Tà Chì Nhù

Bước vào mùa leo núi, đỉnh Tà Chì Nhù (Yên Bái) hết chỗ khiến porter phải xếp lớp ngủ ngoài trời.

"Biển người" trên đỉnh Tà Chì Nhù hôm 13/10. Ảnh: Cu porter.

Dựng lán trên đỉnh Tà Chì Nhù (Yên Bái) được 4 năm, A Chin, chủ lán, chứng kiến lượng khách leo núi ngày một tăng mạn. Anh, sở hữu 4 căn lán trên núi với sức chứa khoảng 200 khách, nhưng vẫn không đủ phục vụ khi du khách từ các nơi đổ về dịp cuối tuần.

"Sau mưa bão, lượng khách không giảm, thậm chí tăng so với cùng kỳ năm trước. Hiện những ngày cuối tuần của tháng 10 chúng tôi gần như kín khách bởi hoa chi pâu đang nở rộ tuyệt đẹp", A Chin nói với Tri Thức - Znews.

Tà Chì Nhù chiếm sóng

Đỉnh Tà Chì Nhù cao 2.979 m, được xem là nóc nhà Yên Bái với cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng với sắc tím đặc trưng của hoa chi pâu. Cung trekking được đánh giá khá dễ tại khu vực phía Bắc, phù hợp cho các chuyến trekking 2 ngày 1 đêm.

A Chin hiện sở hữu 4 căn lán ở Tà Chì Nhù, một căn được dựng gần đỉnh nằm ở độ cao 2.900 m với sức chứa 70 khách, du khách thường chọn qua đêm tại đây để ngắm hoàng hôn, săn mây, sáng chỉ cần di chuyển 20 phút là lên đến đỉnh.

Sau khi lán gần đỉnh kín chỗ, khách đặt sau sẽ được phân vào 3 căn lán còn lại ở độ cao 2.600 m. Từ đây, khách phải thức dậy từ 4h sáng để leo lên đỉnh đón bình mình. Vì vậy khách thường đặt sớm từ vài tuần đến hơn một tháng để có chỗ ở gần đỉnh.

Ta Chi Nhu anh 1

Khung cảnh hùng vĩ trên những đỉnh núi khiến du khách mê mẩn, đội nắng gió chinh phục. Ảnh: Đức Hoàng.

A Chin cho biết tháng 9, 10, và 11 là thời gian leo núi cao điểm của đỉnh Tà Chì Nhù nhờ sắc hoa chi pâu tím biếc đầy thơ mộng. Tuy nhiên tình hình mưa bão hồi đầu tháng 9 đã khiến lượng lớn khách bị dồn lại, xuất hiện cảnh đông đúc trên đỉnh núi.

Vào tháng 2, 3 là mùa hoa sơn tra và đỗ quyên đầy ấn tượng, khách đông không kém, nhiều người chọn trekking từ phía Nậm Nghiệp (Sơn La) để ngắm hoa, tận hưởng vẻ đẹp của đất trời đầu năm mới.

Bên cạnh dịch vụ lán ngủ, A Chin còn tổ chức tour, cho thuê trang phục truyền thống của dân tộc Mông, cưỡi ngựa trên đỉnh hiện được nhiều người yêu thích, giá 50.000 đồng/lượt.

Thấy cung trekking Tà Chì Nhù đẹp và được nhiều người khen, Nguyễn Ngọc Yến đã tìm porter dẫn đường, cùng gia đình nhỏ chinh phục đỉnh núi vào cuối tuần trước.

Ban đầu, nữ du khách khá lo lắng, sợ thể lực không tốt, không thể chinh phục đỉnh núi cao gần 3.000 m. Trên đường đi trời đổ mưa, sương mịt mù, cơ thể đói lả, Yến nhận được sự hỗ trợ, động viên từ nữ porter bản địa với "núi đồ" trên lưng khiến cô ngưỡng mộ và không thêm cố gắng.

"Đã có vô vàn khó khăn, địa hình hiểm trở và thời tiết khắt nghiệt như muốn thử thách ý chí của tôi và các thành viên trong gia đình, tuy nhiên mọi nỗ lực đều rất xứng đáng. Vợ chồng tôi cùng 2 bạn nhỏ đã lên đỉnh thành công", Yến chia sẻ.

Từ trên đỉnh núi cao được bao quanh bởi biển mây trắng thơ mộng, hùng vĩ mang đến cho nữ du khách nhưng giây phút bình yên, tuyệt vời vào đúng ngày sinh nhật. Yến cho biết đỉnh núi khá đông vì ai cũng muốn tận hưởng thiên nhiên và gia đình cô cũng không ngoại lệ.

Đỉnh Tà Chì Nhù sở hữu view 360 độ, vì vậy du khách vẫn tìm được những góc vắng người để chụp ảnh, tận hưởng nét đẹp yên bình của tự nhiên. Để chinh phục đỉnh núi này, du khách chỉ cần có sức bền tốt, không bị bệnh tim mạch, khớp,...

Mùa leo núi bắt đầu sôi động

Là porter bản địa ở Yên Bái, Đức Hoàng chuyên dẫn khách trekking các đỉnh Lùng Cúng, Tà Xùa, Tà Chì Nhù và Sa Mu. Hiện đã vào mùa săn mây nên các cung trên có lượng khách ổn định bởi địa hình khá tương đồng.

"Trong đó, tháng 10 khách đổ về ngắm hoa chi pâu đông nhất, rừng rêu ma mị của Tà Xùa sau mùa mưa cũng khá hút khách tìm đến ngắm cảnh, săn mây. Tháng 11 khách lại ưu tiên khám phá Lùng Cúng, ngắm lá phong đỏ tuyệt đẹp", Hoàng chia sẻ.

Đức Hoàng thường phối hợp cùng các porter khác sinh sống dưới chân núi nên mỗi khi khách nhiều anh thường chia thành 2-3 đoàn để có thể hỗ trợ khách tốt nhất chứ không giới hạn số lượng.

"Những năm gần đây, lượng khách đổ về trekking những đỉnh núi phía Bắc ghi nhận xu hướng tăng dần qua các năm", Hoàng chia sẻ. Anh cho biết năm nay các tour leo núi có giá tăng nhẹ, đặc biệt ở những cung đường hot, mức tăng vào khoảng vài chục nghìn đồng/khách.

Trong khi đó, anh Cu porter thường tổ chức nhiều tour khám phá Yên Bái như Lùng Cúng, Sa Mu; phía Lào Cai - Lai Châu có Pu Ta Leng, Bạch Mộc Lương Tử, Tả Liên Sơn, Nhìu Cồ San, Lảo Thẩn,...

Hiện các đỉnh núi hot như Tà Chì Nhù, những đơn vị khác thường dẫn từ 40-50 khách/đoàn vào cuối tuần nhưng bên Cu porter chỉ nhận khoảng 3-4 khách. "Lượng khách đổ về nhiều nhưng người làm tour leo núi cũng nhiều nên tỷ lệ cạnh tranh cao", anh chia sẻ.

Từ tháng 10 đến tháng 3-4 năm sau là mùa leo núi ở phía bắc. Các khu vực ở đây đã qua mùa mưa, cảnh quan nhiên nhiên được phục hồi sau những tháng mưa bão khoác lên mình vẻ tương mát, tuyệt đẹp. Mỗi thời điểm mỗi ngọn núi đều có nét đẹp riêng, thu hút khách.

Cu porter cho biết khách đến từ các tinh, thành phố xa như TP.HCM thường đặt tour trước ngày khởi hành từ vài tuần đến vài tháng trong khi khách ở Hà Nội thường đặt trước vài ngày, khá linh động.

Để chinh phục những ngọn núi hùng vĩ, du khách nên có kế hoạch rèn luyện sức khỏe, sức bền, theo dõi tình hình thời tiết, chuẩn bị đầy đủ trang phục và đồ dùng để giữ ấm.

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch