Chuỗi lễ hội, sự kiện văn hóa trên đỉnh Bà Đen trong tháng 4

Tây NinhDu khách đến Bà Đen vào tháng 4 có dịp hòa mình vào không gian lễ hội Chôl Chnăm Thmây, xem múa trống hay nghe đờn ca tài tử...

Tết Chôl Chnăm Thmây là lễ hội lớn nhất trong năm của người Campuchia và hơn 1,3 triệu đồng bào dân tộc Khmer tại Việt Nam, diễn ra từ ngày 14-16/4. Theo thống kê năm 2019, Tây Ninh có 7.565 người Khmer sinh sống trên địa bàn. Với mong muốn quảng bá nét đặc sắc văn hóa bản địa với du khách, vào các ngày cuối tuần từ 15/4 và dịp 30/4, khu du lịch Bà Đen là nơi tái hiện không gian lễ hội sôi động, đầy sắc màu của Chôl Chnăm Thmây.

Đến Bà Đen, du khách có cơ hội trải nghiệm các chương trình nghệ thuật đặc sắc của người Khmer thường được trình diễn trong ngày tết Chôl Chnăm Thmây. Tại đây, các màn trình diễn vũ điệu Khmer rộn ràng, thực hiện bởi thiếu nữ mặc váy sampot nhiều màu sắc hay các chàng trai trong chiếc áo xà rông truyền thống được kỳ vọng thêm trải nghiệm mới lạ cho khách du lịch.

Một loại hình nghệ thuật đặc trưng của người Khmer cũng sẽ được trình diễn tại núi Bà Đen dịp này là múa trống Chhay dăm. Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đòi hỏi sự đồng điệu giữa động tác và âm thanh cũng như thao tác mạnh mẽ, uyển chuyển của vũ công.

Người nghệ sĩ múa trống Chhay dăm không chỉ như một vũ công mà còn là võ sư, với các màn xuống tấn, nhào lộn, khi dùng tay, lúc dùng cùi chỏ, gót chân để đánh trống.

Các điệu múa uyển chuyển và duyên dáng sẽ là màn trình diễn không thể thiếu tại núi Bà Đen. Với người Khmer, những điệu múa dân gian như Rămvông (múa vòng tròn), Lămleo, Saravan... có động tác đơn giản, yêu đời và hóm hỉnh, được xem là nếp sinh hoạt quen thuộc trong đời sống tinh thần của người dân. Những điệu múa trong tiếng nhạc réo rắt hòa cùng không gian đầy hoa cỏ trên núi Bà Đen hứa hẹn mang đến cho du khách trải nghiệm văn hóa Khmer đặc sắc dịp này.

Trình diễn nhạc ngũ âm cũng là một loại hình nghệ thuật được nhiều du khách háo hức chờ đón. Nhạc ngũ âm truyền thống (Pinn Peat) được hợp thành bởi 5 bộ nhạc cụ làm từ 5 chất liệu khác nhau là đồng, sắt, gỗ, hơi và da, tạo ra các âm sắc riêng biệt. Loại hình âm nhạc cổ truyền này khi hòa tấu sẽ tạo ra âm thanh độc đáo, từ trầm đến cao vút, từ ngọt ngào, du dương đến hào hùng hay sâu lắng.

Trong hai ngày 29-30/4, du khách đến Bà Đen sẽ có dịp xem những màn trình diễn đờn ca tài tử Nam Bộ, thực hiện bởi các nghệ nhân ưu tú. Xuất hiện từ hơn 100 năm trước, đờn ca tài tử là loại hình diễn tấu dân gian đặc trưng, bắt nguồn từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian.

Dịp này, núi Bà Đen sẽ là nơi để du khách tận hưởng loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, trở thành món ăn tinh thần của người dân Nam Bộ và Tây Ninh. Sự kết hợp âm thanh của đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (tứ tuyệt) cùng tiếng hát lãng tử, ngẫu hứng trên đỉnh núi hứa hẹn mang đến nhiều cảm xúc cho người xem.

Bên cạnh trải nghiệm không gian lễ hội, hoạt động nghệ thuật, khách du lịch đến Bà Đen có thể tham quan hệ thống đền chùa như chùa Bà hay cụm công trình trên đỉnh núi. Tọa lạc tại vị trí cao nhất trên núi Bà Đen, tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn nằm trong quần thể tâm linh đỉnh núi Bà cao 72 m. Cụm công trình này còn thu hút du khách bởi vẻ đẹp lung linh của hệ thống chiếu sáng khi về đêm.

Hoàng Khải
(Ảnh: Sun World Baden Mountain)

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net