Chuyện gì đã xảy ra ở núi Cô Tiên?

Sau vụ hai du khách mắc kẹt tại núi Cô Tiên (TP Nha Trang) do kiệt sức hôm 20/1, vấn đề nổi cộm của loại hình du lịch bụi được bàn tới một lần nữa.

Nhiều du khách đến TP Nha Trang thường chọn leo núi Hòn Khô (dân bản địa thường gọi là núi Cô Tiên) như một hoạt động dã ngoại, hóng gió.

Một số người lầm tưởng số lượng người dân đến đây đông nên mức độ khó không cao dẫn đến tai nạn không may.

Đêm 20/1, hai du khách từ TP.HCM đến núi Cô Tiên (TP Nha Trang, Khánh Hòa) dã ngoại thì bị kiệt sức và kẹt lại.

du lich bui anh 1

Một trong hai du khách phải nằm trên cáng do kiệt sức. Ảnh: CACC.

Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết vào lúc 22h50, đơn vị tiếp nhận thông tin và điều động đội cứu nạn tiếp cận nạn nhân.

2h sáng 21/1, 6 cán bộ, chiến sĩ giải cứu thành công hai du khách không may. Tổ công tác cõng một du khách, người còn lại nằm trên cáng và được khiêng xuống núi an toàn.

Đây không phải lần đầu tiên ngọn núi này "gặp nạn".

Hôm 11/1, tiểu khu 246 trên núi Cô Tiên xảy ra vụ cháy, gió thổi mạnh khiến kéo đám cháy thành vệt dài, thiêu đốt khoảng 11 ha rừng. Lực lượng chức năng hỗ trợ đưa 25 người cắm trại đêm xuống núi an toàn.

du lich bui anh 2

Đám chạy tại núi Cô Tiên (TP Nha Trang) ngày 11/1. Ảnh: Quốc Bảo.

Trước đó, tháng 7/2019, một em nhỏ (14 tuổi) trong nhóm 30 người cắm trại qua đêm đã đốt lửa gây cháy trên núi. Sau vụ việc, UBND phường Vĩnh Hòa đã cắm bảng cấm leo núi tạm thời tại khu vực này trong mùa khô (núi có nhiều cỏ tranh, dễ bốc cháy).

Chinh phục núi Cô Tiên - Tưởng dễ mà không dễ

Ông Bùi Danh Hải - phó chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa - thông tin ngọn núi thuộc địa phận phường Vĩnh Hòa là địa điểm ưa thích của người dân địa phương dịp cuối tuần. Do đó, địa phương không hạn chế hoạt động này.

Núi Cô Tiên cũng là nơi thích hợp cho du khách chuộng loại hình du lịch bụi, hạ trại ngắm toàn cảnh TP Nha Trang ngày và đêm, săn mây.

Tuy nhiên, nhiều du khách vịn vào điểm núi không quá cao và nghĩ dễ chinh phục. Trên thực tế, núi cô Tiên là một thách thức đối với người mới bắt đầu hay người có thể lực yếu, thậm chí người đã có kinh nghiệm leo núi vẫn e dè.

Với kinh nghiệm 3 lần leo núi Cô Tiên, Tiến Đạt, 24 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ tại xã Diên Phú, Diên Khánh (cách phường Vĩnh Hòa khoảng 17 km), cho biết núi Cô Tiên không quá khó để chinh phục đối với những người dày dạn kinh nghiệm, nhưng lại là chướng ngại khó nhằn với người có thể lực chưa tốt. Đường lên núi khá khó đi, dốc cao, mặt đường nhiều đá, hai bên ít vật có thể bám vào, càng lên cao càng trống trãi.

"Thử thách nằm ở giai đoạn xuất phát, vì khu vực chân núi bị xói mòn do nước chảy, đường đi khá nhỏ và không rõ ràng, thêm nữa là độ dốc khá cao nên rất mất sức trong giai đoạn này. Đoạn dốc chiếm 2/3 tổng quãng đường từ chân đến đinh núi", Đạt cho hay.

Đồng quan điểm, Nhật Tân (28 tuổi, ngụ TP Nha Trang) cũng cho rằng đoạn đường ít cây cối là một điểm hạn chế tại đây. Ngoài ra, độ khó của núi còn phụ thuộc vào thời điểm trong ngày.

"Du khách không nên leo vào buổi trưa vì núi không có nhiều bóng mát, trời nắng cộng thêm đường dốc dễ gây mất sức", bạn trẻ này cho biết.

Tiến Đạt cho biết thêm trên đỉnh núi có nhiều vị trí hạ trại, có chỗ nhiều đá. Du khách có thể chọn dựng lều ở vị trí gần hòn đá chữ thập. Tại chỗ này có một khu đất sát ngoài sườn đồi, phẳng, rộng và có view vừa tầm, thuận tiện ngắm nhìn phố biển.

Thuật ngữ du lịch bụi ý chỉ một loại hình du lịch với chi phí phải chăng. Du khách tự chủ động trong suốt chuyến đi, từ việc lên kế hoạch, ăn uống, ngủ nghỉ.

Loại hình du lịch này gắn liền với tính giáo dục. Cá thể, nhóm khách chuộng du lịch bụi thích dấn thân vào đời sống sinh hoạt của người dân bản địa, tìm hiểu những ngóc ngách mới lạ của từng nơi đặt chân đến. Ngoài ra, việc khám phá vùng đất mới, phong cảnh mới cũng là một đặc điểm nổi trội của du lịch bụi.

Tuy nhiên, những điểm đến mới thông thường chưa được đưa vào khai thác du lịch, hoạt động trải nghiệm đa phần là tự phát, chứa yếu tố rủi ro cao.

Cảnh tỉnh du khách du lịch tự phát

Hiện tại, các công ty lữ hành chưa triển khai tour đến núi Cô Tiên. Hoạt động trải nghiệm đa phần là tự phát. Do đó, mỗi du khách, người dân phải tự chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn. Ngoài yếu tố chủ quan, người leo núi cần thận trọng xem xét các yếu tố môi trường.

du lich bui anh 7

Đường leo núi Cô Tiên khá dốc, nhiều sỏi, đá. Ảnh: Terence Yap.

Vụ cháy hôm 11/1 là một ví dụ. Thời điểm xảy ra vụ cháy, có 25 người đang cắm trại, rất may lực lượng chức năng đã tiếp cận kịp thời.

Mặc dù núi Cô Tiên không quá cao, tương đối dễ so với những ngọn núi dành cho dân trekking (chỉ việc đi bộ đường dài ở những khu vực hoang dã) thực thụ như Chứa Chan (Đồng Nai), núi Dinh (Bà Rịa - Vũng Tàu), Tà Năng - Phan Dũng (đi qua ba tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận), du khách vẫn không nên lơ là cảnh giác ở bất kỳ thời điểm nào, đặc biệt là ở mức độ hardcore (leo vào thời điểm khắc nghiệt như ban đêm, tuyết,...).

Phạm Ngọc Đức (35 tuổi) - dân leo núi từ năm 2007 - cũng đồng ý quan điểm này. Chân chạy trail gốc Lâm Đồng cho biết leo núi không chỉ là vấn đề khoảng cách, mà còn khó về về địa hình, thời tiết, thổ nhưỡng và văn hóa. Dẫu vậy, du khách nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đón nhận mọi thứ để bình tĩnh vượt qua thử thách.

Ngoài ra, khách đến TP Nha Trang hay bất kỳ địa điểm nào du lịch nên tìm và lưu lại số điện thoại đường dây nóng để phản ánh hoặc liên hệ trong trường hợp khẩn.

Lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa từng cho biết du khách nếu có bất cứ bức xúc gì về chất lượng du lịch có thể phản ánh qua đường dây nóng. Lực lượng chức năng sẽ có mặt sau 15 phút để xử lý.

Ở TP Nha Trang, Trung tâm hỗ trợ khách du lịch và thông tin đường dây nóng đặt trên đường Trần Phú.

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch