Cá sấu nhiều vô kể, chúng săn mồi quẫy đục cả khúc sông. Những chàng trai Châu Mạ da đồng hun, ngực vồng như gõ mật ngồi bên sông thổi bló gọi bạn tình. Trong rừng, lũ khỉ bạc má cũng động tình, nhảy cỡn dưới bóng trăng. K’mun thổi bló hay nhất bản Bù Cháp, tiếng bló của chàng vừa dìu dặt, réo rắt vừa hùng tráng, hoang dại như tiếng gió thổi qua rừng già đại ngàn.
Tiếng bló đã khiến cho Ruối muốn bơi qua sông để ngả đầu vào bộ ngực rắn chắc của chàng. Ruối sẽ sải cánh tay tròn lẳn, mềm mại vượt qua những cái miệng lởm chởm răng của bọn cá sấu, mà không cần chiếc xuồng độc mộc chậm chạp neo dưới bến sông. Ruối sẽ làm điều ấy, nếu không gặp phải ánh mắt K’líu - cha của nàng, ánh mắt của ông lóe lên dưới ánh lửa cà boong bập bùng. Đôi mắt ấy, đến thú dữ còn khuất phục huống chi nàng…".
Ông già ngưng kể, đưa tay kéo cần rượu tu hết một vòng cò rồi ngửa cổ lên trời rú một hồi dài, tiếng rú của ông rền vang núi rừng. Eden khẽ rùng mình, dù cô đã được người bảo vệ kiêm hướng dẫn viên du lịch rừng cảnh báo trước về thói quen kỳ dị của ông già. Khi đặt chân đến đây, cô gặp ông bên bờ sông, ngay từ đầu ông đã cuốn hút cô bởi vẻ độc đáo hoang dã.
Hôm ấy, đến văn phòng lâm trường, anh chàng bảo vệ mở lời chúc mừng bằng tiếng Anh với giọng nói ngượng nghịu của người bản xứ, cô phì cười và bảo : "Anh hãy nói tiếng Việt đi!" Anh ta trố mắt nhìn Eden. Hẳn anh ta không biết rằng mẹ cô là người Việt và biết ăn cơm bằng đũa cũng như nói tiếng Việt sành sỏi từ nhỏ. Cô hỏi về ông già người thượng bên bờ sông, anh ta lắc đầu bảo : "Đó là lão già quái đản, người duy nhất không chịu rời cánh rừng".
Eden chìa tay về phía anh chàng bảo vệ :
- "Trước khi tiến hành nghiên cứu rừng, tôi muốn gặp ông ta, anh giúp nhé!". Anh chàng rụt tay, lè lưỡi:
- Không nên dính vào lão ấy.
Eden nhún vai nheo mắt nói :
- Tôi sẽ tự tìm ông ta vậy!.
"…Họ gặp nhau trong ngày lễ cúng Yang Kôi, ngày lễ lớn nhất của dân Châu Mạ, lễ hội tổ chức ở bản Bù Cháp. Lần ấy là lần duy nhất Ruối được qua sông để dự lễ hội. Nàng mặc chiếc váy thêu xinh đẹp mà nàng bỏ ra ba mùa trăng để hoàn thành. Chỉ lần ấy, Ruối đã chết lặng trong tiếng bló của K’mun.
Từ đó, mỗi đêm trăng, Ruối nằm trên thảm cỏ để thấy mình trôi bềnh bồng dưới ánh sáng bàng bạc và bên kia sông tiếng bló của bạn tình nâng nàng lên tận bầu trời. Trong niềm phấn khích, ngây ngất, nàng hát:
Chim ơi ! Sao bay cao thế?
Ta mơ mà không được
Ta muốn như chim
Bay đến bên chàng chim ơi !
Khi Ruối hát, tiếng bló im bặt, không gian tĩnh lặng đón tiếng hát của nàng. Gió từ rừng ngưng ở ngọn cây, gió từ sông lặng ở đầu nguồn. Cả hai người nằm nghiêng tai trên đất để lắng nghe lời yêu thương của nhau, những lời ấy được Yang Bri chuyển giúp. Có những lúc không nghe tiếng bló của K’mun, Ruối ra sông soi mặt xuống dòng nước và hát :
Hỡi! Yang Dak người đến từ đâu?
Người chảy về đâu Yang Dak?
Hãy đưa lời ta đến với chàng
Yang Dak! Yang Dak!
Không có tiếng chàng ta chết mất Yang Dak ơi!
Thế là tiếng bló lại vang lên, Ruối quỳ xuống để tạ ơn vị thần sông linh thiêng…".
Eden ngừng thở để nghe câu chuyện, dù tình tiết của nó cô thấy mang máng như chuyện tình Romeo - Juliet ở xứ sở sương mù mà cô đã nghe hàng trăm lần. Nhưng giọng kể đầy kịch tính của ông già giữa khung cảnh hoang tịch này khiến cô cảm động muốn khóc. Eden không ngờ những người dân thiểu số hiền hành ở đây lại yêu mãnh liệt đến vậy, hiện đại đến vậy.
Càng lúc cô càng thấy ông gần gũi như đã quen từ lâu. Những người trên trạm bảo ông là "lão già điên" còn ông gọi họ là "bọn ăn cắp"! Ông nói cho cô biết trước khi khu rừng này bị cấm, chính mấy người đó ủng hộ cho bọn phá rừng; những cây lim, cây sến, cây chò bị bọn chúng đưa về xuôi để biến thành vàng, thành bạc. Cô không hiểu và cũng không muốn tìm hiểu điều này. Ông già vẫn im lặng nhìn phía dòng sông. Eden muốn hỏi ông về "đoạn kết của chuyện tình" nhưng cô sợ nó sẽ là đoạn kết buồn... Cô ngước nhìn ông và cô sửng sốt nhận ra hai giọt nước mắt lấp lánh trên gò má nhăn nheo của ông già.
Sáng hôm sau, trong chuyến đi rừng, Eden đem chuyện này kể lại với người hướng dẫn, anh ta cười và bảo :
- Cô tin vào chuyện ấy sao? Tôi nghĩ đó chỉ là chuyện bịa đặt. Nghe đâu ông già còn bảo chính ông ta là chàng K’mun và nơi ông sống là chỗ ở của cô gái ngày xưa trước khi cô ấy lao xuống sông và bị cá sấu bắt mất!
- Nhưng ông ta bịa thế để làm gì? - Eden hỏi.
- Có thể câu chuyện ấy là lý do để ông ta ở lại khu rừng này, vì ông ta đã quen với cuộc sống hái lượm nên không thích qua bên kia sông để làm rẫy như mọi người. Vì từ khi Cát Tiên được quyết định thành rừng cấm, tất cả cư dân sẽ phải rời khu rừng về sống trong làng bên kia sông nhưng ông già này không muốn đi, dù chúng tôi vận động nhiều lần.
Im lặng một lát, anh ta nói tiếp :
- Kể ra ông già ấy có năng khiếu tưởng tượng nhất trong số người mà tôi từng gặp.
Nói xong anh ta cười lớn, ra vẻ hài lòng với nhận xét của mình. Eden không tranh cãi, cô cảm thấy những lời giải thích của anh bảo vệ rừng kiêm hướng dẫn du lịch này có cái gì đó khiên cưỡng và không thuyết phục lắm. Cô khẽ lắc đầu và săm soi nhìn đám lá mục dưới đất mong bắt gặp dấu chân của những con thú hiếm đang được bảo vệ chu đáo trong khu rừng cấm.
Nhà văn Nguyễn Một
- Sinh năm 1964 tại Quảng Nam.
- Hiện sinh sống tại Đồng Nai, là ủy viên Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam.
- Ông là tác giả của gần 20 đầu sách đa dạng thể tài: truyện ngắn, truyện vừa, bút ký, tản văn, tiểu thuyết đạt nhiều giải thưởng văn học địa phương và trung ương.
- Truyện ngắn "Trước mặt là dòng sông" của ông từng được đạo diễn Khải Hưng dựng thành phim truyền hình.
- Hai tiểu thuyết "Ngược mặt trời" và "Đất trời vần vũ" được dịch và phát hành tại Mỹ, trong đó "Đất trời vần vũ" đã được giải C cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn 2010.