Sinh sống tại các làng tự trị trong rừng Amazon, nằm dọc biên giới giữa Đông Nam Venezuela và Bắc Brazil, người Yanomami là bộ tộc bí ẩn bí ẩn nhất thế giới với dân số ước tính khoảng 35.000 người. Họ không có một "người đứng đầu" nào quản lý toàn bộ tộc, thay vào đó mỗi làng tự trị đều có một Tuxawa (trưởng làng). Đây là người có kỹ năng tốt trong chiến tranh, giải quyết được xung đột cả trong và ngoài làng của mình. Tuy nhiên, các quyết định đều được đưa ra một cách nhất trí thông qua sự thảo luận, bao gồm cả nam và nữ. |
Người Yanomami là thợ săn, đánh bắt cá và làm nông nghiệp. Họ áp dụng phương pháp canh tác luân phiên để tận dụng môi trường rừng mưa nhiệt đới. Đàn ông thu thập trái cây và trồng chuối, mía, xoài, đu đủ. Phụ nữ trồng chuối plantain, sắn, khoai lang, ngô và thu hoạch côn trùng từ cây cọ trong vườn gia đình. Họ sống trong những ngôi nhà tròn lớn gọi là Shabono làm từ lá, dây leo và thân cây. Những ngôi nhà này thường được tái dựng sau mỗi 4-6 năm vì dễ bị hư hại bởi mưa, gió và côn trùng. |
Mỗi Shabono có thể chứa tới 400 người, mỗi gia đình sẽ có một bếp riêng để chuẩn bị đồ ăn. Về tôn giáo, người Yanomami theo đạo Shaman giáo. Họ tin rằng mọi vật trong tự nhiên, bao gồm cả sinh vật sống (như con người, cây cối và động vật) và vật vô tri (như đá, núi, sông) đều có linh hồn. Linh hồn có thể là thiện lành (hekura) mang lại điều tốt đẹp, hoặc ác độc (shawara) mang đến tai họa. |
Người Yanomami cũng có một phong tục đặc biệt đó là ăn thịt người trong nội bộ, một nghi thức liên quan đến việc tiêu thụ xương của người thân đã khuất. Thay vì chôn cất người đã mất, họ bọc xác bằng lá và để xác phân hủy gần Shabono. Sau khi cơ thể phân hủy, xương được hỏa táng và trộn với súp chuối để cả cộng đồng cùng tiêu thụ. Phần tro còn lại sẽ được lưu trữ trong một quả bầu. Nghi thức này sẽ được lặp lại hàng năm cho đến khi toàn bộ tro được tiêu thụ hết. |
Không ai nhắc đến người đã mất cho đến ngày tưởng niệm hàng năm. Khi đó, họ ca ngợi và tưởng nhớ người đã khuất. Người Yanomami tin rằng phong tục này giúp củng cố sức mạnh cộng đồng và giữ cho linh hồn người thân luôn hiện diện. |
Các bé gái Yanomami thường được đính hôn từ khi còn rất nhỏ, nhưng hôn nhân của họ chỉ thực sự được hoàn tất khi các cô gái bắt đầu có kinh nguyệt. Theo truyền thống, đám cưới không được tổ chức linh đình. Cha mẹ chỉ đơn giản là giao con gái của mình cho một người đàn ông khác, thường là họ hàng trong gia đình, bởi họ ưa chuộng hôn nhân giữa anh em họ để đảm bảo con gái mình được an toàn. Ngoài ra, người Yanomami có truyền thống đa thê. |
Theo truyền thống của người Yanomami, khi một cô gái bắt đầu có kinh nguyệt, cô sẽ bị cách ly trong một căn lều nhỏ phủ đầy lá cây. Trong ngôn ngữ Yanomaman, kinh nguyệt được gọi là “roo”, có nghĩa là "ngồi xổm". Một hố sâu được đào để cô gái ngồi xổm và để máu chảy xuống vì họ tin rằng tiếp xúc với kinh nguyệt là độc hại, nguy hiểm và là điều cấm kỵ. Vì vậy, các cô gái không được phép sử dụng băng vệ sinh hay vải để kiểm soát dòng chảy. Họ cũng chỉ được cho ăn bằng que gỗ vì không được phép chạm vào bất kỳ ai hoặc vật gì. |
Trong thời gian này, cô gái chỉ được phép nói chuyện bằng những lời thì thầm. Họ sẽ thường nói với các thành viên trong gia đình và tuyệt đối không được giao tiếp với nam giới. Mẹ của cô gái và những người phụ nữ lớn tuổi trong gia đình sẽ bỏ hết quần áo cũ và cung cấp quần áo mới. Tất cả để đánh dấu cho sự chuyển tiếp quan trọng của cô gái từ trẻ em sang người trưởng thành. |
Cô gái phải ngừng đi lại trần truồng và dùng khố che kín vùng kín. Trước khi có kinh nguyệt, cô được coi là trẻ con, nhưng khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt, cô được xem là phụ nữ và đủ điều kiện kết hôn. Kỳ kinh nguyệt đầu tiên rất quan trọng trong bộ tộc Yanomami vì phụ nữ ở đây hiếm khi có kinh nguyệt do thường xuyên mang thai hoặc cho con bú. Bộ tộc Yanomami không có biện pháp kế hoạch hóa gia đình. |
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch