Đền thờ linga hơn 1.000 năm ở Lào

Wat Phou là ngôi đền thiêng hơn 1.000 năm tuổi, thờ phụng nhiều sinh thực khí - biểu tượng của thần Shiva trong Ấn Độ giáo, thu hút khách ghé thăm ở Lào.

Nằm ở bờ tây sông Mekong, cách trung tâm thành phố Pakse khoảng 45 km, là tàn tích của ngôi đền cổ Wat Phou. Đền được xây dựng vào cuối thế kỷ X đến đầu thế kỷ XI, sớm hơn Angkor Wat - di tích được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ XII.

Wat Phou thờ thần Shiva, một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo và là vị thần của chiến tranh, tái sinh. Trong thế kỷ XIII, ngôi đền được chuyển thành tu viện Phật giáo và trở thành nơi thờ cúng của những người theo đạo Phật ngày nay.

Wat Phou hay Vat Phu trong tiếng Lào nghĩa là "ngôi đền trên núi".

Đền nằm dưới chân núi thiêng Phou Kao (Núi Voi), nhìn ra đồng bằng hướng về phía sông Mekong. Vào thời Khmer cổ đại, ngọn núi được đặt tên là Lingaparvata, nghĩa là "núi Linga" do có một trụ đá hình thành trên đỉnh núi trông giống linga và một dòng suối uốn quanh. Người Khmer xem nguồn nước chảy từ ngọn núi là nước thiêng.

Đền có nhiều tượng đá có hình dáng linga (sinh thực khí hay bộ phận sinh sản). Trong ảnh là lối chính vào đến với hai hàng cột đá tạc theo hình dáng linga.

Một lối đi khác vào đền cũng được tạc nhiều cột đá linga. Phía sau là một mặt của cung điện còn tương đối nguyên vẹn, được người dân địa phương trông coi.

Quần thể đền được bảo tồn này có hướng chính ở phía Đông, hướng của các vị thần. Phía nam khu bảo tồn là con đường cổ đến Angkor, thủ đô của đế chế Khmer.

Bao bọc xung quanh di tích này là khoảng 4.000 hòn đảo lớn nhỏ trên sông Mekong mang tên Siphandone (siphan là bốn nghìn, done là đảo). Nhiều dấu tích văn minh cổ với các lâu đài bằng đá sa thạch, chùa chiền Phật giáo Nam tông vần còn tồn tại ở đây.

Ngoài Wat Phou, quần thể di sản UNESCO này còn có núi Phu Kao và tàn tích của hai thành phố cổ Lingapura, Shrestrapura. Thành phố cổ nhất là Shrestrapura, có từ thế kỷ thứ V, cách đền khoảng 6 km. Còn Lingapura, nghĩa là "Thành phố của các linga", ở phía nam của đền, được người Khmer xây dựng từ thế kỷ XII.

Khi đến đây vào tháng 6, Thu Trang (ảnh), 39 tuổi, nữ du khách đến từ TP HCM ấn tượng với các chi tiết hoa văn còn rõ nét trên nền gạch đá cũ.

Giữa các cung điện và khu bảo tồn chính là tàn tích của sáu tòa tháp gạch chứa linga trên tầng thứ 4.

Giống như các ngôi đền Angkor cùng thời, đền được trang trí bằng các tác phẩm điêu khắc của Deva (nữ thần), Apsara (vũ nữ), người bảo vệ và Kala (một con quái vật thường được mô tả không có hàm dưới).

Các dầm ngang và đầu hồi của đền được khắc nhiều biểu tượng, bao gồm thần bảo hộ Vishnu cưỡi trên chim thần Garuda, Krishna giết rắn Kansa, Indra cưỡi voi ba đầu Airavata, Krishna đánh bại Naga Kaliya và những câu chuyện từ sử thi Ramayana.

Đền thờ chính trên sân thượng tầng 4 - tầng cao nhất, có kích thước 60 x 60 m, là nơi thờ linga, biểu tượng của thần Shiva.

Nước từ suối trên núi được dẫn về phía linga trong đền thờ chính. Người dân coi đây là nguồn nước thánh, liên tục tắm cho linga. Ngày nay, đền thờ có một bức tượng Phật lớn được đặt ngồi cùng ba bức tượng Phật nhỏ hơn ở phía trước, tất cả đều mặc áo choàng màu nghệ tây.

Trên bệ thờ còn có tượng rắn Naga, vị thần bảo hộ sông suối, ruộng vườn.

Gần đền thờ chính là một thư viện nhỏ với hai tảng đá lớn được chạm khắc hình con voi (ảnh) và cá sấu; một tảng khắc hình ba vị thần Ấn Độ giáo Brahma, Vishnu và Shiva.

Khuôn viên có nhiều quầy bán đồ ăn, uống, có các buổi biểu diễn múa và âm nhạc truyền thống của Lào cùng các trò chơi và các hoạt động giải trí.

Hằng năm, ngôi đền là nơi diễn ra lễ hội Boun Wat Phou Champasak. Lễ hội được tổ chức vào ngày Makha Bucha, ngày trăng tròn của tháng ba âm lịch. Trong suốt ba ngày, dân trong vùng và ở vùng Đông Bắc Thái Lan về đây để dự hội đua thuyền, đua voi, chọi trâu, biểu diễn múa nhạc hay các nghi lễ của Ấn Độ giáo và Phật giáo

Đường lên đền thượng là những bậc cấp lát đá, hai bên có những cột đá tròn dựng đứng. Ngôi đền là một khối kiến trúc được xếp từ những tảng đá lớn, chạm trổ hoa văn cầu kỳ, tinh xảo. Phía sau ngôi đền là vách núi, trên đó những người thợ xưa đã tạc những bức tượng lớn nhỏ.

"Bạn có thể tìm thấy các đồ tạo tác như voi, trâu nước tại đền", Trang nói.

Cách dễ nhất để đến đền là đi du thuyền Vat Phou Mekong, hành trình ba ngày và dừng ở một số điểm đến khác. Các công ty lữ hành ở Pakse cung cấp các chuyến đi trong ngày đến đền bằng ôtô nhỏ.

Ngoài ra, du khách có thể đến đây bằng phương tiện công cộng: đi xe songthaew (một kiểu gần giống xe lam ở Việt Nam) khởi hành từ chợ Daoruang ở thành phố Pakse, theo tuyến quốc lộ 12 hướng về nhà ga Đông Champasak. Giá vé 60.000 kip (78.000 đồng). Tại đây, khách bắt tiếp xe đến tỉnh Champasak với giá 20.000 kip (26.000 đồng) rồi đi tuktuk khoảng 8 km để đến đền.

Du khách có thể thuê xe máy ở Pakse với giá khoảng 80.000 kip (104.000 đồng) một ngày, lái xe đến Wat Phou mất khoảng một giờ.

Khu phức hợp đền mở cửa hàng ngày từ 8h đến 16:30. Giá vé vào cửa 30.000 kip (39.000 đồng). Vé 45.000 kip (59.000 đồng) bao gồm cả đi xe go-kart đến cổng vào của ngôi đền, cách đó chưa đầy một km.

Thanh Thu
Ảnh: Thu Trang, JP Klovstad

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net