Mùa phim hè lâu nay luôn là thời điểm để các tác phẩm "bom tấn"
Điện ảnh Hollywood ngày càng ảm đạm
Cuộc đình công từ giới biên kịch khiến kinh đô điện ảnh thế giới tê liệt. (Ảnh: REUTERS)
Phim "Nàng tiên cá" gây bất ngờ khi chỉ thu được hơn 13 tỉ đồng tại thị trường Việt Nam và hơn 507 triệu USD toàn cầu. Tác phẩm của đạo diễn Rob Marshall, được đầu tư 250 triệu USD này đã không tạo được cơn sốt doanh thu.
"Nàng tiên cá" là dự án được Walt Disney xem trọng. Những phim lấy cảm hứng từ truyện cổ tích như thế lâu nay vẫn thường mang về doanh thu ấn tượng, thậm chí lên đến con số tỉ đô. Nguyên nhân "Nàng tiên cá" thất thu được các cây bút phê bình phim thế giới cho rằng do tạo hình và diễn xuất của nữ chính Halle Bailey chưa đủ sức chinh phục khán giả.
Phim "Transformers: Quái thú trỗi dậy" và "The Flash" là những "bom xịt" tiếp theo. Nếu "Transformers" là loạt phim từng tạo được tiếng vang không thua kém gì "Quá nhanh, quá nguy hiểm" thì "The Flash" cũng là tác phẩm siêu anh hùng được trông chờ. Thế nhưng, "Transformers: Quái thú trỗi dậy" chỉ mới thu được hơn 69 tỉ đồng ở Việt Nam và khoảng 349 triệu USD toàn cầu, chưa đủ huề vốn. "The Flash" thậm chí chỉ thu được hơn 26 tỉ đồng ở Việt Nam và 219 triệu USD toàn cầu, cũng chưa thể bù đắp số vốn đầu tư 220 triệu USD.
Hiện tại, thị trường Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang trông chờ tác phẩm "Nhiệm vụ bất khả thi: Nghiệp báo phần 1" ("Mission: Impossible - Dead reckoning Part one"). Phim này gắn liền với tên tuổi diễn viên Tom Cruise, sẽ ra rạp Việt từ ngày 8-7 (trước thị trường Mỹ 4 ngày). Tác phẩm này được kỳ vọng sẽ thay đổi cục diện phòng vé toàn cầu, xua không khí ảm đạm, vực dậy doanh thu mùa phim hè.
Tom Cruise có duyên với phim đạt doanh thu phòng vé lớn và cũng là diễn viên từng góp phần tạo nên thành công cho các tác phẩm hành động. Ở tuổi 60, ông vẫn rèn luyện, tự thực hiện các cảnh hành động mạo hiểm trên phim của mình để tạo nên sự chân thật với khán giả màn ảnh rộng.
Theo nhiều nhà chuyên môn, các phim hè năm nay tuy kịch bản không tệ, nhất là "The Flash" - kể câu chuyện cảm xúc về tình cảm gia đình, tình mẫu tử - nhưng thiếu sự sáng tạo. Khán giả Việt vốn mê phim "bom tấn" bởi nội dung mới lạ, kỹ xảo độc đáo, hành động ấn tượng song các phim nước ngoài gần đây lại không đáp ứng được những yếu tố này.
Khó khăn chồng chất
Sau đại dịch COVID-19, điện ảnh thế giới trải qua nhiều khó khăn. Các hãng phim nỗ lực để vực dậy, hoàn thiện tác phẩm đã đầu tư trước đó.
Khán giả cũng dần lấy lại được thói quen ra rạp xem phim, thay vì chủ yếu xem trên các nền tảng mạng thu phí. Tuy nhiên, phim ra rạp khó có thể phục hồi như trước đại dịch. Bởi lẽ, nhận ra được tiềm năng lớn từ nền tảng thu phí, các hãng phim cũng bắt đầu dồn tiền phát triển các nền tảng này. Một lượng phim lớn được tạo ra để phục vụ khán giả ở nhà, xem phim qua mạng. Để cạnh tranh được với các nền tảng thu phí, phim ra rạp buộc phải được nâng cấp về nội dung, kỹ xảo và nhiều yếu tố khác.
Khó khăn chồng chất, mọi thứ vẫn chưa thể trở lại với quỹ đạo phát triển vốn có trước đại dịch COVID-19. Trong khi đó, kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood còn đối mặt làn sóng đình công từ 11.500 thành viên Hiệp hội Biên kịch Mỹ vào tháng 5-2023. Cuộc đình công và biểu tình này nhằm phản đối mức lương thấp đã duy trì nhiều năm, cơ hội việc làm ngày càng ít khiến thu nhập của giới biên kịch bấp bênh, phải làm nhiều nghề khác để kiếm sống. Ngoài ra, việc các hãng phim bắt đầu sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) viết kịch bản cũng khiến giới biên kịch cảm thấy bị đe dọa.
Hiệp hội Biên kịch Mỹ đã kêu gọi đàm phán để giải quyết những vấn đề trên. Các nhà biên kịch cho biết họ đang làm nhiều hơn nhưng hưởng thu nhập ít hơn khi hãng phim chuyển trọng tâm sang phát sóng trực tuyến. Sự gia tăng việc phát sóng trực tuyến cũng kéo giảm doanh thu quảng cáo trên truyền hình truyền thống khi thị phần thu hẹp. Liên minh Các nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình Mỹ (AMPTP - đại diện những hãng sản xuất phim lớn như Walt Disney Co, Netflix Inc...) phản bác giới biên kịch ở Hollywood dẫn đến tranh luận trái chiều.
Hội đồng TP Los Angeles - Mỹ vừa bỏ phiếu thông qua nghị quyết ủng hộ cuộc đình công của giới biên kịch. Cuộc đình công hiện đã vượt cột mốc 60 ngày.
"Đây là "cuộc chiến" vì tương lai của Hollywood. Các nhà biên kịch cũng giống bao người lao động khác, xứng đáng được trả thù lao đúng với giá trị lao động của họ cũng như được tôn trọng. Các hãng phim đã đến lúc phải nhận ra điều đó và hãy quay lại đàm phán để kết thúc cuộc đình công" - ông Hugo Soto-Martínez, Ủy viên Hội đồng TP Los Angeles, nhấn mạnh trong tuyên bố chung.
Nghiệp đoàn Diễn viên màn ảnh Mỹ và AMPTP cũng vừa công bố gia hạn hợp đồng hiện tại giữa hai bên đến hết ngày 12-7. Hai bên sẽ tiếp tục đàm phán để đạt được thỏa thuận hợp lý. Đây cũng là giải pháp nhằm tránh cuộc đình công thứ hai trong lúc cuộc đình công của các nhà biên kịch chưa giải quyết xong.
Sự rắc rối về nhân lực tiếp tục gây khó khăn lên ngành điện ảnh Mỹ. Ở thời điểm này, các hãng phim lớn cũng đang đau đầu do số vốn khổng lồ họ đổ dồn vào các nền tảng thu phí nhưng chưa thu hồi được lợi nhuận. Trong khi đó, nếu nguồn đầu tư gặp khó khăn, các phim "bom tấn" cũng khó có thể sản xuất, nhất là trong thời điểm doanh thu ở mức báo động.