Chiều 9/3, buổi công bố "Lễ hội bánh mì lần thứ nhất" được tổ chức ở TP HCM. Tại buổi lễ, ông Kao Siêu Lực, Chủ tịch Hiệp hội Bánh mì quốc tế khu vực Đông Nam Á, đã chỉ ra một số khác biệt để giải thích vì sao bánh mì Việt Nam trở nên nổi tiếng thế giới.
Ông Lực cho hay những lần làm giám khảo các cuộc thi ẩm thực quốc tế, nhiều người thường hỏi bánh mì Việt Nam khác gì bánh mì baguette của Pháp. Ông phân tích bánh mì Việt Nam có đặc trưng rõ nét là phần vỏ giòn, mỏng, ruột mềm và xốp. Trong khi đó, bánh mì baguette của Pháp giòn, cứng và dai.
Người Pháp tiêu thụ nhiều sản phẩm từ sữa nên xương và răng chắc khỏe, trong khi người Việt khó mà tiêu thụ được loại bánh giòn, cứng như baguette. Do đó, công thức bánh mì khi du nhập vào Việt Nam đã có sự thay đổi để phù hợp với người bản địa.
"Tuy nhiên, phần nhân mới quyết định đến 50% độ ngon của bánh mì", ông Lực nói. Phần nhân bánh ngon phải có thịt, pate, rau thơm, rau củ muối chua và ớt xanh thái sợi.
Ông Lực nhận định bánh mì Việt Nam xứng đáng được tôn vinh và có ngày riêng. Định vị được sự khác biệt của bánh mì Việt trên bản đồ ẩm thực thế giới, Hiệp hội Du lịch và Sở Du lịch TP HCM tổ chức lễ hội bánh mì đầu tiên, từ ngày 30/3 đến 2/4 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP HCM.
"Ban tổ chức đang đề xuất chọn 24/3 là Ngày bánh mì Việt Nam. Đây là ngày từ "bánh mì" lần đầu xuất hiện trong từ điển Oxford", bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Du lịch TP HCM, cho biết.
Tháng 2 vừa qua, Taste Atlas, chuyên trang được mệnh danh là "bản đồ ẩm thực thế giới" công bố 50 món ăn đường phố ngon nhất thế giới, trong đó bánh mì Việt đứng thứ 6.
Bích Phương