Du khách mong Cái Răng tấp nập như chợ nổi Thái Lan

Cả khách và người làm du lịch cho rằng chợ nổi Cái Răng là đặc trưng của miền Tây, nên được bảo tồn và phát triển thành điểm du lịch, giống ở Thái Lan.

Cái Răng, một trong những chợ nổi lớn và sầm uất nhất đồng bằng sông Cửu Long, lúc cao điểm có gần 400 ghe, tàu của người dân khắp nơi đến buôn bán. Tuy nhiên, lượng tàu thuyền của thương hồ trao đổi nông sản ngày càng giảm, khiến khu chợ với lịch sử hơn trăm năm đang có nguy cơ biến mất. Bên cạnh ý kiến chợ ngừng hoạt động là quy luật tất yếu, nhiều người mong muốn chợ được bảo tồn, quy hoạch và phát triển như người Thái đang làm.

Lê Phát, quản lý tại một công ty truyền thông từng nhiều lần đến Cần Thơ, không muốn khu chợ được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia này bị "khai tử" vì du lịch Cần Thơ và miền Tây hầu như không còn gì đặc sắc.

Theo anh Phát, du lịch tại chợ Cái Răng hiện sống nhờ "hơi tàn" của các hoạt động mua bán nông sản. Nếu các thương hồ không còn họp chợ, du lịch cũng chấm dứt. Các thuyền chở khách hoạt động tự phát, chèo kéo mua vé với đủ mức giá. Các trải nghiệm du lịch tại Cái Răng "nhàm chán" và "không khác gì 15 năm trước". Du khách muốn tham quan chợ phải dậy lúc 4-5h, đúng giờ họp chợ.

Chợ nổi Cái Răng hoạt động nhộn nhịp vào sáng sớm. Ảnh: Anh Tú.

Chợ nổi Cái Răng hoạt động nhộn nhịp vào sáng sớm. Ảnh: Anh Tú.

"Các trải nghiệm chủ yếu là ăn hủ tiếu, uống cà phê, chụp hình, ngồi trên ghe 15 phút là hết", anh Phát nói.

Anh Phát cho rằng chợ nổi ở Thái Lan thu hút nhờ có rất nhiều hoạt động mua bán, giải trí, trải nghiệm văn hóa địa phương ở hai bên bờ sông. Chợ nổi Cái Răng cũng nên phát triển thêm sản phẩm du lịch bằng cách mở các điểm giới thiệu, bán sản vật địa phương hai bên bờ.

"Nên có một khu ghe, thuyền riêng trên chợ nổi chuyên tổ chức hoạt động mang tính địa phương, như cho du khách tự đổ bánh xèo", anh Phát nói.

Nguyễn Thương, sống tại Hà Nội, từng ghé thăm chợ nổi Cái Răng trước dịch, nhận xét chợ nổi và những sản phẩm du lịch sông nước khác như đi thuyền trong rừng chàm là "nét văn hóa đặc sắc chỉ có ở miền Tây". "Sẽ rất tiếc nếu đóng cửa chợ nổi, du khách đến miền Tây không có nhiều lựa chọn ăn chơi, trải nghiệm văn hóa", chị Thương nói và cho rằng chợ nổi Cái Răng sẽ khó ''chìm'' nếu được đầu tư khai thác du lịch bài bản.

Du khách yêu thích chợ nổi Cái Răng vì nhịp sống bình dị của dân địa phương. Ảnh: Hoài Thương.

Du khách yêu thích chợ nổi Cái Răng vì nhịp sống bình dị của dân địa phương. Ảnh: Hoài Thương.

Thương cho hay thích ăn uống trên chợ nổi và mong khi du lịch tại đây phát triển sẽ có thêm nhiều ghe, thuyền phục vụ các món ngon miền Tây chứ không chỉ có mỗi hủ tiếu như hiện giờ. "Lẩu mắm Cần Thơ nổi tiếng, du khách vừa ngồi thuyền ngắm cảnh vừa nhúng lẩu cũng khá thú vị", chị Thương nói.

Ông Hoàng An, Phó giám đốc Trung tâm du lịch khách lẻ BenThanh Tourist, cho biết nhu cầu tham quan chợ nổi Cái Răng luôn cao. Hầu hết tour miền Tây đều đến Cần Thơ và chợ nổi Cái Răng luôn nằm trong lịch trình.

Nhóm khách đặt tour miền Tây chủ yếu là khách Việt kiều hoặc khách từ miền Bắc và miền Trung. Khi nói đến chợ Cái Răng ai cũng biết, nên cần được chú trọng phát triển du lịch chuyên nghiệp hơn.

"Trước nay chợ hoạt động tự phát nên thường xuyên xảy ra tình trạng chèo kéo, đôi khi gây phản cảm", ông An nói. Chợ cần có một đơn vị, hoặc tổ chức cộng đồng, hợp tác xã, phường đứng ra đại diện các chủ ghe, thuyền để xây dựng mô hình du lịch chuyên nghiệp hơn.

Một khu chợ nổi tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Frida Aguilar Estrada/Unsplash.

Một khu chợ nổi tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Frida Aguilar Estrada

Theo ông An, chợ nên được sắp xếp trật tự theo khu vực từng loại ghe buôn trái cây, rau củ, đồ ăn và xây dựng quy định giữ vệ sinh trên sông để hạn chế rác thải. Các chợ nổi tại Thái Lan được quy hoạch như một khu du lịch. Du khách vào chợ phải mua vé, được thưởng thức nhiều chương trình giải trí, hoạt động mua sắm cũng diễn ra nhộn nhịp. "Không riêng du khách Việt, khách quốc tế đến xứ Chùa Vàng đều thích ghé thăm", ông nói.

Bích Phương