Du lịch chậm ở Bắc Âu

Trong chuyến du lịch tự túc đến Thụy điển năm 2023, độc giả Hồng Hạnh đã trải nghiệm du lịch chậm và tìm thấy ý nghĩa tích cực ở loại hình này.

Độc giả Hồng Hạnh, 42 tuổi, ở TP HCM, chia sẻ những trải nghiệm du lịch chậm, trong chuyến đi tự túc hai tuần đến Thụy Điển, Phần Lan năm 2023.

Du lịch chậm được hiểu là cách tiếp cận du lịch chú trọng vào khám phá văn hóa, lịch sử và đặc trưng của khu vực địa phương, thay vì tạo ra một hành trình nhồi nhét càng nhiều trải nghiệm càng tốt. Du lịch chậm cũng nói không với mua sắm vội vàng. Ngoài ra, xu hướng này thúc đẩy mối quan tâm về môi trường.

Gần hơn với người bản địa

Đến Thụy Điển, để trải nghiệm gần hơn với con người, cảnh quan và cuộc sống ở đây, tôi chọn ở tại đại lộ Ringvagen khu vực trung tâm và cũng gần khu phố cổ của Stockholm. Khu vực này tiện đi bộ và sử dụng phương tiện công cộng đi lại. Nếu tiết kiệm bạn có thể ở với hình thức share phòng với 6-8 người với giá khoảng 20 USD (500.000 đồng) mỗi người. Nếu ở khách sạn, mức giá ít nhất 70 USD (1,7 triệu đồng) một đêm.

Mỗi sáng thức dậy, hòa cùng người dân địa phương chạy bộ, tập thể dục bên những hồ nước, chậm rãi hít thở không khí mát lành trên những con đường chạy dưới tán rừng giúp tôi thêm yêu cuộc sống và môi trường xung quanh. Người dân ở đây yêu quý thiên nhiên và biết cách tận hưởng nó. Chắc hẳn đó cũng chính là lý do nhiều nước Bắc Âu được xếp hạng đầu trong danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.

Thiên nhiên gần gũi khiến cho người đi bộ cũng không thấy mệt. Thụy Điển có rất nhiều người dân đi bộ và đi bộ được xem là "phương tiện vua" ở đây. Đường phố cũng có sự phân chia rõ rệt lối đi cho người đi bộ, xe đạp và ôtô để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Để bảo vệ môi trường và hạn chế phương tiện xe ôtô cá nhân ở khu vực trung tâm thành phố, chính quyền thu phí đỗ xe rất cao, 2,5 USD một giờ.

Tìm hiểu văn hóa địa phương

Du lịch chậm cho phép tôi có thể dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về văn hóa địa phương, tham gia vào các hoạt động, nghi lễ và tìm hiểu về lịch sử, văn học, nghệ thuật, kiến trúc và ẩm thực địa phương.

Toà thị chính nơi trao giải Nobel. Ảnh: Hồng Hạnh

Toà thị chính nơi trao giải Nobel. Ảnh: Hồng Hạnh

Đại lộ Ringvangen nơi tôi thuê căn hộ ở trung tâm Stockholm, đi bộ tới Bảo tàng Nobel khoảng 15 phút và tới Tòa thị chính nơi trao giải Nobel khoảng 25 phút. Đây là kho dữ liệu tri thức khổng lồ, nơi du khách có thể tìm hiểu các thông tin về người sáng lập giải thưởng Alfred Nobel (1833-1896), các giải Nobel và chủ nhân kể từ khi giải thưởng được trao vào năm 1901 cho đến nay. Giá vé vào tham quan bảo tàng Nobel 14 krona tiền Thụy Điển (hơn 330.000 đồng).

Tham quan Tòa thị chính, phố cổ Gamla Stan để cảm nhận kiến trúc xưa cổ và nhịp sống yên bình hàng ngày của người dân địa phương là trải nghiệm khó quên nếu bạn muốn du lịch chậm. Ở khu phố cổ này bạn cũng có thể thưởng thức món bún bò Việt Nam với mức giá khoảng 15 euro một tô nếu ở trời Âu bạn chợt thèm món Việt. Cách Bảo tàng Nobel 5-10 phút đi bộ là Cung điện nhà vua ở và tòa nhà Quốc hội với kiến trúc độc đáo, cổ kính, du khách có thể kết hợp tham quan trong ngày.

Tham dự lễ hội truyền thống

Tôi đến Thụy Điển vào mùa lễ hội Mid Sommar (Mid Summer), lễ hội giữa mùa hè lớn nhất trong năm của người dân các nước Bắc Âu. Lễ chính diễn ra vào ngày 22-24/6, được xem là ngày Mặt Trời sáng nhất trong năm, may mắn nhất trong năm. Vào thời gian này, Mặt Trời dường như không hề lặn và việc trải qua đêm trắng tại các nước Bắc Âu là điều rất tuyệt.

Tại một làng cổ ven thủ đô, tôi hòa cùng cùng những phụ nữ cài hoa dại lên đầu, nắm tay nhảy múa điệu múa truyền thống xung quanh cây nêu. Theo truyền thống, người con gái độc thân nếu hái đủ bảy loài hoa dại để dưới gối và kết hoa trên đầu khi tham gia lễ hội sẽ tìm được người yêu. Trong tiếng nhạc và điệu nhảy truyền thống, mọi người ai nấy hòa đồng, vui vẻ trong một bầu không khí tràn đầy năng lượng tích cực.

Ở lễ hội này, tôi được thưởng thức món ăn truyền thống riêng có của lễ hội: gồm khoai tây luộc, cá trích muối, salad hành tây và phô mai. Đó là những trải nghiệm không thể quên trong chuyến đi. Nếu chọn đi theo đoàn hay du lịch vội vã, tôi đã không thể có được những trải nghiệm thú vị này.

Chuyến đi chậm giúp tôi tăng mức độ tương tác với các địa điểm được ghé thăm, có nhiều cơ hội hơn để trải nghiệm và có nhiều thời gian hơn để tận hưởng, tiếp nhận mọi thứ đúng cách.

Stockholm là nơi người dân biết tận hưởng cuộc sống chậm, hòa mình với thiên nhiên. Ảnh: Hồng Hạnh

Người dân Stockholm tận hưởng cuộc sống chậm, hòa mình với thiên nhiên. Ảnh: Hồng Hạnh

Tháng 4 đến tháng 6 là thời điểm lý tưởng để bạn tận hưởng và hít thở không khí se lạnh ở Bắc Âu những ngày cuối xuân.

Hai tuần du lịch chậm ở Thụy Điển, tôi lang thang trekking núi rừng. Hít thở khí rừng trong tiết trời 12-18 độ, đi dạo dưới tán rừng thông ngắm hoa mùa xuân nở.

Từ Stockholm, tôi tiếp tục lên tàu biển đến Helsinki, thủ đô Phần Lan, quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Ấn tượng trong tôi về người Phần Lan là thân thiện, vui vẻ và nhẹ nhàng. Họ cũng là những người yêu thiên nhiên, biết cách cân bằng cuộc sống để khiến mình luôn hạnh phúc.

Trong bầu không khí mùa xuân, muôn hoa đua sắc ở trời Âu, quan sát cuộc sống và hòa mình vào nơi mình đến là điều thật tuyệt vời du lịch chậm mang lại. Lắng nghe thanh âm của thiên nhiên, lắng nghe những cung bậc rung động của tâm hồn mình trước vạn vật cũng giúp thanh lọc bản thân và khám phá được nhiều giá trị tốt đẹp khác mà cuộc sống bận rộn hàng ngày đã khiến bạn không thể có được.

Một trong những hình thức du lịch chậm mà bạn có thể thực hiện là: du lịch bụi, du lịch kết hợp các chiến dịch tình nguyện, du lịch trekking, du lịch xe đạp, du lịch ẩm thực.

Tùy vào sở thích của bản thân, bạn có thể chọn cho mình chuyến đi chậm để tận hưởng cuộc sống này. Hãy thử một lần sống chậm, để nhận ra ta đã lãng phí những ngày trôi nhanh như thế nào.

Hồng Hạnh