Lượng khách tăng nhưng doanh thu du lịch nội địa của Trung Quốc lại sụt giảm. Ảnh: Flickr. |
Khi lên kế hoạch cho chuyến đi vào kỳ nghỉ lễ 1/5 vừa qua, sinh viên mới tốt nghiệp Cai Zhishan đã ước có đủ tiền thuê ôtô tự lái cho hành trình 4.000 km. Cuối cùng, người này đã phải chọn du lịch tiết kiệm theo cách hành xác.
Xu hướng du lịch mới
Đây là xu hướng du lịch mới nổi ở Trung Quốc, chỉ những du khách không có điều kiện kinh tế nhưng vẫn muốn đi du lịch. Nhóm khách này sẽ đến nhiều nơi nhất nhưng với mức chi phí thấp nhất. Họ cắt giảm mọi nhu cầu cơ bản đến mức tối đa như ngủ ở tàu thay vì trong khách sạn và di chuyển liên tục, theo Reuters.
Tuy nhiên, cách du lịch này đang phủ bóng đen lên sự phục hồi sau đại dịch của thị trường du lịch nội địa ở Trung Quốc.
Cai, 22 tuổi, đã bắt các chuyến tàu chậm và xe buýt từ thành phố Hàng Châu đi khắp tỉnh Sơn Tây. Ngoài ra, cô còn đi bộ khoảng 30.000 bước mỗi ngày để tham quan thắng cảnh, đền, chùa.
Nhằm tiết kiệm chi phí, Cai chọn di chuyển trên những chuyến tàu đêm để không phải thuê phòng hoặc ở nhà trọ giá rẻ. Cô chỉ tiêu 2.500 nhân dân tệ (khoảng 8,3 triệu đồng) cho chuyến đi 9 ngày.
Người Trung Quốc không còn chi mạnh cho hoạt động du lịch. Ảnh: Reuters. |
Cai cho biết cô thích đi du lịch dù không có nhiều tiền. Tuy nhiên, nữ du khách thừa nhận việc chi tiêu tiết kiệm như này "thực sự rất mệt".
Trên các trang mạng xã hội, hashtag về xu hướng du lịch này đang lan truyền nhanh chóng và được nhiều người cập nhật ngay từ trước kỳ nghỉ 1/5 vừa qua.
Cai cũng chia sẻ thêm mình được truyền cảm hứng từ những bài đăng về việc du lịch tiết kiệm và cảm thấy khá bất ngờ với khả năng tiết kiệm của nhiều du khách.
Du lịch nội địa bị ảnh hưởng
Tuy nhiên, trào lưu này đang ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của quốc gia này. Theo thống kê từ Bộ Văn hóa và Du lịch, dịp nghỉ lễ 1/5 năm nay Trung Quốc chứng kiến sự bùng nổ du lịch nội địa. Người dân đổ đi du lịch để bù đắp cho 3 năm dịch bệnh. Cụ thể, có hơn 274 triệu chuyến đi được thực hiện, tăng 19% so với 2019.
Tuy nhiên, tổng chi tiêu du lịch chỉ đạt 148 tỷ nhân dân tệ, bằng năm 2019. Có thể thấy, mức chi tiêu trung bình cho hoạt động du lịch đã giảm từ 603 nhân dân tệ vào năm 2019 xuống 540 nhân dân tệ vào năm nay.
Khách nội địa hạn chế đi máy bay để tiết kiệm chi phí. Ảnh: Reuters. |
Nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng Natixis, Alicia Garcia-Herrero, nhận định phần lớn người dân Trung Quốc chưa sẵn sàng chi tiêu nhiều như trước dịch dù chính phủ đã có nhiều biện pháp khuyến khích.
Theo Herrero, mọi người cần công việc mới với mức lương cao hơn để bắt đầu chi tiêu nhiều hơn trở lại.
Không chỉ người dân, một blogger du lịch người Trung Quốc cũng đã trải nghiệm qua đêm trong nhà vệ sinh công cộng để tiết kiệm tiền cho chuyến đi đến núi Hoàng Sơn (tỉnh An Huy).
"Việc ngủ qua đêm ở nhà vệ sinh khá thú vị. Dù có đôi chút khó khăn, tôi đã giảm được mức chi tiêu và dành nó cho việc đi lại nhiều hơn để ngắm cảnh đẹp", người này chia sẻ.
Tuy nhiên, blogger du lịch này cân nhắc tăng thêm ngân sách để cải thiện điều kiện ăn, ở.
Song, không phải ai cũng có thể chịu khổ và theo đuổi xu hướng du lịch này. Xing Zicong, 23 tuổi, sống tại Bắc Kinh, đã thất bại trong việc tiết kiệm chi tiêu trong chuyến đi đến thành phố Tây An thăm con đường tơ lụa. Nữ du khách cảm thấy quá khó khăn và phải chi tiêu nhiều hơn dự kiến sau khi đi bộ hơn 10.000 bước.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch