Du lịch Trung Quốc không bùng nổ trong năm nay

Sau hơn hai tháng mở cửa đón khách quốc tế, đến nay ngành du lịch Trung Quốc chưa có sự phục hồi rõ nét khi người dân vẫn miễn cưỡng chi tiêu.

Du lịch được kỳ vọng hưởng lợi hàng đầu khi Trung Quốc mở cửa, vì người dân đã phải ở nhà quá lâu và giờ đã được phép đi lại. Nhưng sự lạc quan phục hồi chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, vì hiện các khách sạn, hãng bay và ngành dịch vụ đều đang hoạt động cầm chừng vì thiếu nhân sự.

Một cuộc khảo sát do Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại thực hiện chỉ ra có 30 triệu lao động chính thức làm việc trong ngành du lịch trước dịch. Và từ 2020 đến nay, khoảng 68% nhân viên đã mất việc.

Du khách đi mua sắm trong một khu chợ ở Bắc Kinh. Ảnh: SCMP

Du khách đi mua sắm trong một khu chợ ở Bắc Kinh. Ảnh: SCMP

Zheng Honggang, CEO của một công ty du lịch có trụ sở tại Thượng Hải, nói chưa sẵn sàng phục vụ khách, vì thiếu nhân viên. "Tốc độ phục hồi sẽ chậm". Honggang nói thêm hiện khó tuyển người, vì những nhân viên cũ làm trong ngành giờ đã có việc mới trong các ngành khác.

Jackey Yu, đến từ công ty tư vấn toàn cầu McKinsey, cho biết vào mùa hè, các hoạt động du lịch dự kiến chỉ phục hồi 40-50% so với mức của năm 2019. "Sự phục hồi hoàn toàn sẽ không xảy ra cho đến sang năm", Yu nói.

Trên thế giới, du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch. Việc Trung Quốc, thị trường đông dân nhất thế giới, mở lại biên giới, làm tăng hy vọng về sự bùng nổ kinh tế.

"Một số nhà phân tích đã quá lạc quan", Franco Feng, CEO của công ty du lịch ở Thượng Hải nói. Vé máy bay vẫn đắt do số lượng chuyến bay quốc tế còn ít. Nhiều khách du lịch vẫn đang trong tình thế "chờ xem thế nào" chứ chưa quyết định đi ngay.

Tháng 12/2022, chính phủ dỡ bỏ mọi hạn chế đi lại trong nước. Biên giới quốc tế được mở lại từ 8/1. Từ tháng 4, nước này bắt đầu cấp lại mọi loại thị thực cho khách quốc tế. Theo các chuyên gia, điều đầu tiên cần làm bây giờ là thuê lại nhân viên - những người đã bị cho nghỉ việc trong dịch. Bên cạnh đó, người dân vẫn chưa sẵn sàng cho việc chi tiêu vì quen thắt lưng buộc bụng trong ba năm qua.

Người tiêu dùng Trung Quốc đã tích trữ khoản tiết kiệm gần 870 tỷ USD trong dịch bệnh, tăng gấp ba lần so với 2019. Hàng nghìn doanh nghiệp, nhà hàng, quán trà đến công viên giải trí, khách sạn đều kỳ vọng người dân sẽ "vung tay" để "chi tiêu trả thù" hậu đại dịch.

Tuy nhiên, Yin Ran, một nhà đầu tư ở Thượng Hải nhận xét mọi người sẽ không sớm chi tiêu mạnh tay cho các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ giải trí. "Người dân vẫn chưa tự tin về triển vọng việc làm, thu nhập", Ran nói.

Anh Minh (Theo SCMP)