Julien, người Bỉ, đi qua cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) ngày 21/2 sau khi kết thúc chuyến du lịch Lào. Julien không gặp trở ngại khi xin visa nhưng thời gian lưu trú 30 ngày khiến anh không hài lòng. "Việt Nam có quá nhiều thứ để khám phá, không thể đi hết trong một tháng", anh nói.
Công dân 80 quốc gia (bao gồm Bỉ) được phép xin e-visa vào Việt Nam chỉ có thể nhập cảnh một lần, không được gia hạn, thời gian lưu trú tối đa 30 ngày. Julien phải xuất cảnh và xin e-visa lần nữa nếu muốn tiếp tục hành trình ở Việt Nam.
Julien cho hay các quốc gia khác ở Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore có chính sách visa thông thoáng cho công dân Bỉ. Khi tới Malaysia, anh được miễn visa và có thể đi lại nhiều lần trong 3 tháng. Điều này giúp anh không tốn thời gian tính toán lịch trình để vừa khít 30 ngày như ở Việt Nam.
Leoni Becker, du khách Đức, cũng trải qua tình cảnh tương tự hồi tháng 5/2022, tính toán để thực hiện chuyến hành trình từ Nam ra Bắc trong 30 cho kịp thời hạn visa, dù muốn lưu lại 60 ngày.
Người làm trong ngành du lịch đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi chính sách visa để tăng sự hấp dẫn của điểm đến Việt Nam. Nhưng hiện vẫn chưa có sự thay đổi nào.
Ông Phạm Hà, CEO Lux Group, vừa tham dự Hội chợ Du lịch quốc tế (ITB Berlin 2023) và nhận thấy các nước đang hút khách quốc tế, đặc biệt khách giàu, bằng chính sách "visa vàng", "second home". Sau Covid-19, nhiều hãng lữ hành cho hay Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á được yêu thích, cùng Thái Lan, Ấn Độ và Indonesia. Lý do là có nhiều tài nguyên du lịch biển đẹp, thức ăn ngon, cảnh quan ngoạn mục và người dân thân thiện.
Tuy nhiên, họ đều cho rằng chính sách visa "thiếu thân thiện" khiến Việt Nam có thể "mất điểm" khi đặt lên bàn cân. Thái Lan hay Indonesia có chính sách cởi mở và linh hoạt khiến du khách cảm thấy được chào đón hơn. Du khách có thể quyết định lên đường vào phút chót. "Tôi thấy tiếc khi khách không chọn Việt Nam sau nhiều nỗ lực tưởng chốt được đoàn", ông cho hay.
Nói sâu hơn về visa, ông Hà phân tích một số vấn đề còn tồn đọng, chẳng hạn e-visa có tên miền khó nhớ, website chỉ có tiếng Anh. Bản di động giao diện không bắt mắt, khách khó trả tiền và nộp xong thông tin không biết được duyệt hay không.
"Đi sớm về sau"
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, rào cản visa chính là lý do khiến Việt Nam "đi sớm về sau" ở cuộc đua đón khách quốc tế, thể hiện ngay ở lượng khách năm 2022.
Tháng 7/2022, Thái Lan mở cửa hoàn toàn và đón hơn 11 triệu khách cả năm sau một năm thử nghiệm với "Hộp cát Phuket". Singapore mở cửa tháng 4/2022 và đón được 6,3 triệu lượt. Cùng thời điểm, Indonesia mở dần cửa khẩu quốc tế và đón 5,5 triệu lượt. Cả Thái Lan, Singapore và Malaysia đều vượt chỉ tiêu khách quốc tế năm 2022. Trong khi đó, Việt Nam đạt 3,6 triệu lượt trong mục tiêu 5 triệu.
Việc linh động trong chính sách visa để hấp dẫn khách quốc tế cũng được nhiều quốc gia châu Á áp dụng. Thái Lan kéo dài thời gian lưu trú từ 30 lên 45 ngày. Đài Loan (Trung Quốc) tái áp dụng chính sách eVisa Quan Hồng hướng đến khách đi theo đoàn qua các công ty lữ hành. Hàn Quốc nối lại visa multiple (cho phép khách ra vào nhiều lần) với thời hạn lưu trú 30 ngày, không giới hạn số lần xuất nhập cảnh trong 5 năm. Malaysia và Singapore đã miễn visa cho 162 quốc gia, trong khi Philippines là 157, Nhật Bản 68, Hàn Quốc 66, Thái Lan 64. Còn Việt Nam hiện là 25 quốc gia, thời gian lưu trú thường chỉ 15 ngày.
Trong buổi tọa đàm "Mở visa, phục hồi du lịch" ở TP HCM hôm 10/3, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel, nhận xét việc khách quốc tế đến Việt Nam ì ạch một phần bởi vấn đề visa. Chỉ có khoảng 2.000 e-visa được xử lý mỗi ngày và visa on arrival vẫn phải phê duyệt trước. Chính sách và quy trình xin visa phức tạp khiến du lịch Việt Nam khó phục hồi.
Bà Trần Nguyện, Phó tổng giám đốc khối Sun World, Tập đoàn Sun Group, cho rằng để chấm dứt tình trạng "đi trước về sau", Việt Nam cần "mở cánh cửa visa". "Chính sách visa của Việt Nam đang bất lợi, về cả số quốc gia miễn, thời gian lưu trú với e-visa, thời gian miễn visa cũng như hình thức visa. Nếu chúng ta không điều chỉnh linh hoạt, rất có thể du lịch tiếp tục tụt lại phía sau", bà Nguyện nói.
Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc Thương mại Vietnam Airlines, cho biết đã nhận ra một điều trong quá trình xúc tiến du lịch: cùng một cơ hội đặt ra, cùng khu vực Đông Nam Á, du khách sẽ chọn lựa nước nào có chính sách visa dễ nhất. "Từ thực tế trong ngành hàng không, những nước miễn visa, có đường bay thẳng, trong vòng 3 năm, lượng khách tăng lên gấp đôi", ông Thành nói.
Theo nhận định của Tổ chức Du lịch thế giới và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, sự thuận lợi của việc cấp visa có khả năng làm tăng lượng khách quốc tế từ 5 đến 25% mỗi năm.
Về giải pháp "gỡ rối visa", các chuyên gia du lịch mong muốn Việt Nam có thể tăng thời gian lưu trú từ 15 ngày lên 30 ngày với trường hợp miễn visa. Đồng thời, e-visa cần được mở rộng hơn 80 nước, visa on arrival không cần duyệt trước. Các thị trường tiềm năng, chi cao cho du lịch ở châu Âu, Bắc Mỹ, Australia, New Zealand cũng nên được miễn visa. Ngoài ra, các dịch vụ như cấp visa nhanh trong ngày, khách có thể tự xin visa trường hợp khẩn cấp cũng được chuyên gia gợi ý.
Ngành du lịch đang phục hồi nhanh sau Covid-19, nhưng không đồng bộ giữa nội địa và quốc tế, hiện chủ yếu nhờ khách nội địa. Nhưng khách nội địa chi tiêu chỉ bằng khoảng 40-50% so với khách quốc tế, theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM.
Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế và nhiều người trong ngành du lịch tin điều này hoàn toàn khả thi. "Cần xem xét tháo gỡ chính sách visa, tăng thời gian lưu trú, tránh tình trạng khách đang ở Việt Nam thì hết hạn visa và phải sang nước lân cận, làm hạn chế sự hấp dẫn của Việt Nam trong mắt du khách", bà Hoa nói thêm.
Tú Nguyễn - Bích Phương