Đầu tháng 7-2023 tại Ninh Bình, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Bình đã phối hợp tổ chức Hội nghị quốc tế "Phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam". Tại đây nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu
Đừng để kho tàng văn hóa "ngủ đông"
Chương trình giới thiệu nhạc cụ dân tộc và nghệ thuật cải lương trước Bưu điện TP HCM thu hút đông du khách nước ngoài
Từ lâu, việc đưa nghệ thuật đờn ca tài tử, nhã nhạc cung đình Huế, hát bội, hát bài chòi, hát chèo, múa rối, múa Chăm... phục vụ du khách nội địa và quốc tế đã gặt hái nhiều thành công. Tại TP HCM cũng đã triển khai nhiều chương trình kết hợp du lịch với văn hóa nghệ thuật truyền thống như: "À ố show", "Teh Dar", "Mekong show", "Múa Kiều", chương trình biểu diễn âm nhạc dân tộc theo yêu cầu của các doanh nghiệp lữ hành, chương trình "Về Chợ Lớn xem múa lân"…
Mới đây, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ đã diễn ra chương trình thể nghiệm "Trình diễn di sản văn hóa phi vật thể quảng bá 14 di sản được UNESCO công nhận" như: nghệ thuật hát xoan, ca trù, dân ca quan họ, thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ, nhã nhạc cung đình Huế, dân ca ví giặm, đờn ca tài tử Nam Bộ biểu diễn định kỳ vào các buổi chiều cuối tuần phục vụ công chúng, du khách trong và ngoài nước. Do nhiều nguyên nhân nên các hoạt động nói trên tại TP HCM hiện đã tạm ngưng.
Các nhà chuyên môn cho rằng chúng ta đang sở hữu một kho tàng văn hóa khi nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ đều hội tụ tại TP HCM - trung tâm văn hóa lớn của cả nước. Nếu chúng ta không khai thác, cứ để "ngủ đông" thì rất lãng phí.
"Rất cần cơ chế đặc thù để huy động các nguồn lực cho công tác này. Thách thức lớn nhất vẫn là hài hòa giữa phát triển lợi ích kinh tế du lịch và bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể trong việc phát huy các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển du lịch TP HCM bền vững" - NSND Trần Minh Ngọc nêu ý kiến.