Hai người cùng mất bạn đời thành đôi bạn đi chu du thế giới

Savery và Giselle gặp nhau trên chuyến tàu tưởng nhớ bạn đời, họ chia sẻ nỗi đau và cùng nhau đi du lịch thế giới sau lần gặp gỡ.

Savery Moore và vợ ông - Jan - luôn mơ được du lịch xuyên Canada bằng tàu hỏa. Vợ chồng người Mỹ muốn thức dậy ngắm mặt trời mọc trên đường ray, đi qua rừng cây, đồng cỏ, chiêm ngưỡng đỉnh núi phủ tuyết, hồ nước đóng băng qua mái kính vòm của đoàn tàu. Họ muốn tạo nên những kỷ niệm đáng nhớ cùng nhau.

Trong suốt 35 năm hôn nhân, Savery và Jan ít có cơ hội đi du lịch vì bận rộn với công việc trong ngành quảng cáo. Khi cả hai nghỉ hưu ở tuổi 60, họ rời New York để đến một thị trấn nhỏ ở Massachusetts, hào hứng với một chương mới trong đời.

"Cả hai chúng tôi nghỉ hưu cùng một ngày", Savery chia sẻ. Họ bắt đầu tìm hiểu về chuyến đi mơ ước "Canadian" của Via Rail - một hành trình tàu hỏa sang trọng từ bờ Tây đến bờ Đông Canada trong bốn ngày. Vợ chồng già định chi tiền để trải nghiệm hạng đắt nhất của Via Rail. Đây là chuyến đi trong danh sách mơ ước và họ muốn xa xỉ một lần.

Đúng lúc họ bắt đầu lên kế hoạch, cuộc sống bất ngờ thay đổi. Jan được chẩn đoán mắc ung thư phổi rất nặng. Chỉ trong một tháng rưỡi đến hai tháng, ung thư đã di căn. Trong những tháng sau, Jan trải qua phẫu thuật não và tham gia một số thử nghiệm lâm sàng. Từ lúc chẩn đoán đến khi bà qua đời chỉ kéo dài 16 tháng. Jan mất vào năm 2019, để lại Savery đau lòng và lạc lõng, mọi kế hoạch du lịch bị gác lại.

Ông vẫn giữ giấc mơ về chuyến tàu Canadian nhưng không còn háo hức như trước. Thời gian trôi qua, trong hành trình tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống mới, Savery dần quay lại với giấc mơ bị bỏ dở. Ông quyết định thực hiện chuyến đi một mình để giữ lời hứa với vợ.

"Bà ấy sẽ muốn tôi làm điều đó", ông nói.

Savery và Giselle trước tàu VIA Rail Canadian. Ảnh: Savery Moore

Savery và Giselle trước tàu VIA Rail Canadian. Ảnh: Savery Moore

Ngày 1/4/2024, Savery lên tàu The Canadian tại Vancouver, đặt vé hạng cao nhất như kế hoạch ban đầu với Jan. Ngay khi bước lên tàu, ông cảm thấy một sự hài lòng bất ngờ. Ông tự hào về bản thân và hào hứng với hành trình phía trước. Savery là hành khách duy nhất ở hạng này, được độc quyền toàn bộ hàng ghế đầu của toa ngắm cảnh có mái vòm.

Đến ngày thứ hai, ông ngạc nhiên khi thấy một người phụ nữ với mái tóc xoăn dài, đang đọc sách, ngồi trên ghế dành riêng cho hạng cao nhất. Savery nghĩ thầm nếu người này đọc sách, bà ấy chắc chắn hiểu chỗ này chỉ dành cho hành khách hạng cao nhất. Tuy nhiên, ông không nói gì, chỉ ngồi ở phía đối diện.

Sau một lúc, người phụ nữ rời đi mà không nói lời nào. Tối hôm đó, khi dùng bữa cùng một cặp đôi thân thiện, Savery chia sẻ về việc mất vợ và lý do ông thực hiện chuyến đi một mình.

Cặp đôi hỏi ông đã gặp Giselle chưa? Họ mô tả đó một phụ nữ cao, tóc dài - chính là người Savery thấy ở toa ngắm cảnh. Giselle cũng mất người bạn đời gần đây. Nghe vậy, Savery quyết định sẽ tìm gặp Giselle trên tàu. Tối hôm đó, trong lúc tàu dừng lâu ở Edmonton, Savery ngồi một mình nhấm nháp cà phê và thấy Giselle nên đã đi tới, mời ngồi cùng.

"Chắc chắn rồi", Giselle mỉm cười và tự giới thiệu.

Giselle Ruemke, người Canada ngoài 50 tuổi, có nhiều điểm chung với Savery. Bà cũng luôn mơ ước được đi tàu The Canadian. Giống Savery, Giselle mất người bạn đời vì ung thư. Bà và người chồng quá cố, Dave, đã là bạn nhiều thập kỷ trước khi yêu và cưới nhau. Chỉ vài năm sau, Dave qua đời vào mùa hè năm 2023, để lại Giselle trong nỗi đau và bất định. Đặt chuyến đi trên The Canadian là cách để bà kết nối với bản thân, ngắm nhìn đất nước và xốc lại tinh thần.

Giống Savery, Giselle từng muốn thực hiện chuyến đi này cùng bạn đời. Và cũng như ông, bà chọn đi một mình để tưởng nhớ người đã khuất. Tuy nhiên, Giselle không đặt hạng cao nhất, thừa nhận đã "phá luật" một chút khi ngồi ở toa này và chỉ rời đi khi Savery xuất hiện.

Savery và Giselle trở thành bạn thân, cùng du lịch thế giới. Ảnh: Savery Moore

Savery và Giselle trở thành bạn thân, cùng du lịch thế giới. Ảnh: Savery Moore

Trong lần trò chuyện đầu tiên, Giselle không chia sẻ nhiều về bản thân nhưng bà sớm cảm mến Savery. Ông thân thiện, nhiệt tình, tử tế, nhắc đến việc mất vợ và không dò hỏi chuyện mất chồng của bà. Sau đó, họ chuyển sang nói về những chủ đề đời thường, tạo không khí thoải mái. Họ bắt đầu dành nhiều thời gian bên nhau hơn và kết bạn với những hành khách khác trên tàu, hình thành một nhóm bạn mới.

Khi tàu đến Toronto, Savery và Giselle cùng ăn bữa tối cuối, cười nói, ôn lại những khoảnh khắc đáng nhớ của chuyến đi. Ngày hôm sau, họ chia tay tại nhà ga Toronto. Ông đi xe buýt ra sân bay để về Boston còn Giselle lên tàu đi Montreal. Họ tạm biệt tại nhà ga. Dưới chiếc đồng hồ lớn, Giselle vội vã vì sắp muộn tàu.

"Tôi không thể không gặp lại bà", Savery nói theo. Mối liên kết của họ không mang tính lãng mạn nhưng cả hai đều cảm nhận một sự gắn bó đặc biệt, như gặp một tâm hồn đồng điệu.

Họ nói "au revoir" - "hẹn gặp lại" theo tiếng Pháp. Ngay sau khi chia tay, họ bắt đầu nhắn tin, rồi chuyển sang gọi điện, chia sẻ về cuộc sống và sở thích. Âm nhạc trở thành điểm chung, dù họ thuộc các thế hệ khác nhau. Trong một lần gọi, Giselle nhắc đến ý định đi tàu xuyên Bắc Mỹ. Chẳng bao lâu, họ lên kế hoạch cho một chuyến tàu qua Mỹ vào mùa thu năm 2024. Trước đó, Giselle mời Savery đến thăm nhà ở Victoria, Canada trong một kỳ nghỉ hè.

Savery hồi hộp khi bấm chuông nhà Giselle ở Victoria, lo lắng về cuộc hội ngộ sau hai tháng trò chuyện qua điện thoại và tin nhắn. Ngay khi Giselle mở cửa, họ ôm nhau và mọi lo lắng tan biến. Giselle cảm nhận Savery là người đáng tin cậy sau thời gian trên tàu và liên lạc sau đó, chuyến thăm Victoria càng khẳng định điều này.

Mỗi Chủ nhật, Giselle ăn tối với gia đình nhà chồng. Khi biết Savery đến, họ cũng mời ông tham gia. Gia đình và bạn bè của Giselle đều quý mến Savery, giúp bà yên tâm khi xây dựng tình bạn này. Bạn bè Savery cũng ủng hộ khi ông có người đồng hành trong các chuyến du lịch sắp tới.

Tại Victoria, họ hoàn thiện kế hoạch cho chuyến đi mùa thu, kéo dài gần hai tháng, vượt hơn 15.000 km xuyên Bắc Mỹ bằng tàu hỏa từ San Francisco qua Chicago, Washington, DC, Boston, New York City, Montreal, Halifax và kết thúc bằng chuyến Via Canadian từ Toronto đến Vancouver. Savery đưa Giselle khám phá New York, nơi ông từng sống, còn Giselle làm hướng dẫn viên ở Montreal, nơi bà quen thuộc.

Cả hai chụp ảnh tại dãy Alps của Thụy Sĩ. Ảnh: Savery Moore

Cả hai chụp ảnh tại dãy Alps của Thụy Sĩ. Ảnh: Savery Moore

Qua hành trình, họ càng thân thiết, nhận ra sự bổ trợ trong phong cách du lịch. Savery giỏi lên kế hoạch còn Giselle xuất sắc khi tìm điểm đến độc đáo. Họ vẫn từng ngày tiếp tục lên kế hoạch cho chuyến đi mới. Mùa xuân năm 2025, họ đang ở Đức, khám phá châu Âu bằng tàu sông và tàu hỏa trong một tháng.

Từ chuyến đi mùa thu, Savery và Giselle càng thân thiết, học được cách hỗ trợ lẫn nhau. Họ cũng chia sẻ nhiều hơn về nỗi đau mất mát. Giselle trân trọng kinh nghiệm của Savery, giúp bà cảm thấy được thấu hiểu khi nghe chia sẻ những thử thách trong hành trình vượt qua nỗi đau. Bà thích nghe về Jan và dần mở lòng kể về Dave, chồng mình. Cả hai cảm thấy như đang tìm hiểu về người bạn đời của nhau qua những câu chuyện.

Savery và Giselle biết ơn tình bạn này và hào hứng với những chuyến đi tương lai. Khi kết thúc hành trình châu Âu trên tàu Glacier Express qua dãy Alps, họ tiếp tục lên kế hoạch mới. Mọi người thường nhầm họ là cặp đôi, điều từng khiến Giselle khó chịu nhưng dần chấp nhận và tập trung vào hành trình của cả hai. Giselle nhấn mạnh giá trị của tình bạn, cho rằng nó có thể quan trọng như tình yêu. Savery đồng tình, nói bắt đầu một tình bạn thân thiết ở tuổi này với nhiều trải nghiệm sống, là điều đặc biệt.

Hoài Anh (Theo CNN)