Với độ dày 500 trang, hồi ký "40 năm đi, yêu và viết" của nhà báo
"Phu chữ" Huỳnh Dũng Nhân "Bỗng lại hờn lại nhớ"...
Với độ dày 500 trang, hồi ký "40 năm đi, yêu và viết" của nhà báo
"Phu chữ" Huỳnh Dũng Nhân "Bỗng lại hờn lại nhớ"...
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nổi tiếng với phóng sự chân thực, sinh động và nhận được hiệu ứng xã hội cao. Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã ví von phóng sự như là một ly cocktail - thức uống có sự pha trộn của rượu, nước trái cây, đường. Phóng sự là sự kết hợp giữa các thủ pháp "tả - thuật - bình", nhiều khi đứng giữa văn học và báo chí. Với nhà báo, phóng sự phải có sự hòa trộn, phải nhiều chất văn kết hợp mới hay.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân và tác phẩm mới “40 năm đi, yêu và viết”. (Ảnh: VIỆT HÀ)
"Tôi được sinh ra trong thời chống Mỹ, từng chứng kiến chiến tranh biên giới Tây Nam và được sống những năm tháng thời bình" - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân bày tỏ. Theo nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, ngày trước phóng sự thường gắn với văn học, ký. Đến những năm 1986, khi đất nước chuyển sang thời kỳ đổi mới. Khi ấy, chất điều tra, nội chính nổi lên, chất văn chương giảm dần. Thời kỳ đất nước hòa bình, cơm no áo ấm thì phóng sự phải ngọt ngào hơn một chút.
Với nhiều độc giả, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân có những chuyến tác nghiệp khá liều lĩnh như chuyện "đút lót" bảo vệ quán bar để chụp ảnh, viết báo ở Philippines, giả vờ làm con buôn thâm nhập trái phép đến 50 km ở nước khác hay tự mình đến hiện trường voi quật chết người ở Bình Thuận... là những câu chuyện thể hiện độ "liều" của Huỳnh Dũng Nhân.
Với nhà báo: "Đi càng khó khăn, càng gian khổ thì viết càng hay. Nếu đi sướng quá thì viết rất khó. Theo tôi, viết phóng sự có 3 cái tốn: tốn thời gian, tốn tiền bạc, tốn sức khỏe. Thế nhưng, không gì là không thể thực hiện được. Làm báo không đam mê là không được. Hãy viết nhiều, tác nghiệp nhiều hơn nữa".
Khi được hỏi làm sao để cái tôi cá nhân của người viết không lẫn vào phóng sự, Huỳnh Dũng Nhân cho biết: "Cái tôi trần thuật là thế mạnh của phóng sự. Khi viết, phải nhớ rằng tôi phải kể về hành trình của tôi, chứ không phải cái tôi cá nhân. Mình kể để công chúng hình dung được câu chuyện. Kể phải hay, phải thật, phải có duyên để bạn đọc thấy cuộc sống của những người trong câu chuyện được kể. Cái tôi phóng sự phải là cái tôi chính kiến, cái tôi trong cuộc…".
Khi chia sẻ về đề tài phóng sự, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân bộc bạch: "Đề tài trong phóng sự rất nhiều. Phóng sự hoàn toàn có thể khai thác từ nội tâm chính mình để nhìn rõ hơn cuộc đời này. Hãy yêu thương và hiểu chính con người mình thì sau đó bạn sẽ nhìn cuộc đời theo một hướng dễ dàng hơn".
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, các trang tin tổng hợp hay các nền tảng mạng xã hội đang là nơi hút nhiều lượng công chúng của báo chí. Thời đại công nghệ hiện nay chính là một thách thức đối với báo in. "Tôi ước gì báo in như bán cây cà rem hồi xưa, vẫn có thể chui vào từng ngõ ngách làng xóm, mang thông tin đến với mọi người" - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tâm sự.
Báo chí thời 4.0 đang dần chiếm lĩnh thị trường. Báo chí số hiện đại, cần thiết, chắc chắn lấn át báo in nhưng dù là hình thức nào, báo chí hiện mới chỉ thay đổi phương thức xuất hiện, còn cách làm, cách viết không thay đổi. Báo in vẫn phát triển mạnh khi những quảng cáo lớn chủ yếu là báo in, các doanh nghiệp lớn vẫn muốn được in vì "đăng báo in cho hoành tráng".
Những chia sẻ của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân không chỉ là tâm sự hay câu chuyện mà còn là những kỹ năng, kinh nghiệm của một người làm nghề. Điều đọng lại trong buổi lễ ra mắt sách này chính là tâm sự của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Ông trải lòng: "Cả trong cuộc đời lẫn trong nghề cầm bút, bản ngã luôn là yếu tố mãnh liệt nhất của tôi. Tôi cũng tự hứa với mình: Khi tôi chào đời thì tôi khóc. Nhưng mai kia, khi chia tay cuộc đời thì tôi sẽ phải mỉm cười. Vì tôi đã được sống một cuộc đời ý nghĩa".