Gần đây, nhiều vụ sạt lở hoặc phá vỡ cảnh quan xảy ra ở các đô thị trọng điểm về du lịch như Đà Lạt (Lâm Đồng), Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang)... khiến dư luận đặt ra câu hỏi liệu có phải đã có vấn đề trong việc quy hoạch?
Sự cố liên tục, gây thiệt hại
Tại TP Đà Lạt, sau cơn mưa kéo dài từ đêm 28 đến rạng sáng 29-6 đã xảy ra 13 vụ sạt lở. Trong đó, vụ xảy ra ở phường 10 làm 2 người tử vong, nhiều ngôi nhà hư hỏng nặng. Trước đó, dự án nâng cấp mở rộng đèo Prenn cũng lở đất khi đang thi công, 2 công nhân thiệt mạng.
Nguyên nhân sơ bộ được xác định là do gần đây tại Đà Lạt mưa liên tục với lưu lượng lớn. Trong khi đó, chủ đầu tư đang đắp đất để tạo mặt bằng thi công, lượng nước lớn thấm xuống đất cộng khối lượng đất đắp sau lưng tường chắn lớn làm gia tăng áp lực lên ta-luy, gây mất khả năng chịu lực, sụp đổ công trình.
Cũng tại tỉnh Lâm Đồng, ở TP Bảo Lộc, trong tháng 6, sau 2 trận lốc xoáy và 4 trận mưa lớn thì 1 người tử vong, 2 người bị thương, 9 nhà dân tốc mái, bờ kè suối Đại Lào sạt lở 80 m. Bảo Lộc đang có 54 vị trí nguy cơ xảy ra sụt lún, sạt lở và ngập úng, trong đó có 11 vị trí "báo động đỏ" vì thường xuyên ngập, thậm chí có thể xảy ra lũ quét hoặc nguy cơ tiếp tục sạt lở cao. Đặc biệt, tại phường Lộc Sơn, công trình xây dựng không phép ta-luy cuối hẻm 377 Trần Phú dài 18 m, rộng 76 m, như "bom treo", nguy cơ gây nguy hiểm đến nhiều hộ dân sống bên dưới.
Công trình ta-luy xây dựng không phép cuối hẻm 377 Trần Phú, phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đang bị phá dỡ để bảo đảm an toàn cho người dân xung quanh Ảnh: TRƯỜNG NGUYỄN
Trước đó, Báo Người Lao Động có loạt bài phản ánh tình trạng san hô tại Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang suy giảm nghiêm trọng, nhất là tại vùng lõi Hòn Mun.
Phóng viên cũng đã phản ánh việc vài năm gần đây, Phú Quốc thu hút rất nhiều dự án đầu tư, tuy nhiên nhiều vấn đề phát sinh đang đe dọa sự phát triển bền vững. Cụ thể như từ năm 2005, nhiều cánh rừng bị triệt hạ phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch; nhiều bãi biển bị bao chiếm; nhiều đoạn suối bị lấn chiếm để lấy đất; rác thải thiếu người thu gom và không có nhà máy xử lý...
Những con suối ở TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) bị lấn chiếm khiến dòng chảy tắc nghẽn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt vào mùa mưa ở nơi đây Ảnh: DUY NHÂN
Tại Phú Quốc cũng xuất hiện tình trạng ngập lụt sau mưa lớn, đây là điều hy hữu trên hòn đảo này. Người dân sống ở Phú Quốc không quên trận ngập lịch sử kéo dài làm 3.874 căn nhà bị ngập vào mùa mưa năm 2018; hoa màu, vật nuôi bị thiệt hại cùng tài sản hư hỏng.
Chính quyền vào cuộc
Sau những sự cố kể trên, UBND tỉnh Lâm Đồng lập tức chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành và địa phương vào cuộc. TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc và các huyện nhanh chóng triển khai kiểm tra, rà soát khu vực ngập úng, công trình có nguy cơ sạt lở. Cơ quan chức năng cho biết sẽ kiên quyết xử lý nếu phát hiện sai phạm trong công tác xây dựng.
UBND TP Bảo Lộc đã tạm đình chỉ công tác chủ tịch UBND phường Lộc Sơn để làm rõ trách nhiệm trong việc để công trình xây dựng ta-luy "khủng" tại hẻm 377 Trần Phú, lập tức tháo dỡ công trình vi phạm để bảo đảm an toàn cho người dân.
Ông Đặng Quang Tú, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, đã nghiêm khắc yêu cầu UBND phường 7 làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức khi buông lỏng quản lý để vi phạm trật tự xây dựng kéo dài, trong đó có việc thiếu kiểm tra các công trình có nguy cơ sạt lở để lên phương án xử lý, bảo đảm an toàn cho người dân, theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố; giao các phòng ban xem xét, tùy mức độ thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND thành phố, trong trường hợp cần thiết, tham mưu chủ tịch UBND thành phố xem xét tạm đình chỉ công tác đối với lãnh đạo phường 7 và cán bộ liên quan.
Những hành động cấp tốc của lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, TP Đà Lạt và TP Bảo Lộc cho thấy sự quyết tâm xử lý triệt để tình trạng xây dựng trái phép, không phép để bảo đảm an toàn của người dân, tháo ngòi "bom treo" trong tình hình mưa bão đang có chiều hướng cực đoan trong thời gian tới.
Theo kiến trúc sư Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP HCM, vụ sạt lở ở TP Đà Lạt mới chỉ là một vụ việc cụ thể. Để làm rõ nguyên nhân là do quy hoạch hay do những vấn đề gì khác thì cần căn cứ nhiều yếu tố. Vì vậy, phải xem hiện trạng khu vực trước đó, kỹ thuật thi công, hiện trạng bây giờ nhằm làm rõ tất cả vấn đề liên quan rồi mới tổng hợp, đánh giá được.
Theo kiến trúc sư Khương Văn Mười, thành phố nào cũng cần xây dựng và phát triển. Để vừa phát triển mà vẫn bảo đảm an toàn, cái cần là phải có giải pháp về xây dựng, quy hoạch không gian, thiết kế đô thị phù hợp. Công trình nào cũng có giám sát độc lập nhưng để thực hiện nghiêm việc chấp hành quy định thì chính quyền địa phương cần kiểm tra, giám sát.
Phục hồi rạn san hô, tái tạo nguồn lợi thủy sản
Đầu tháng 7, đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh Khánh Hòa đã giám sát việc thực hiện kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030 tại UBND TP Nha Trang. Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc. UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030, xác định giải pháp nhằm giữ gìn, phục hồi rạn san hô vịnh Nha Trang.
Theo báo cáo của UBND TP Nha Trang, Ban Quản lý vịnh Nha Trang đã thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát hệ sinh thái rạn san hô, bắt sao biển gai và nhặt rác tại đáy biển Hòn Mun. Kết quả khảo sát từ cuối năm 2022 đến tháng 3-2023 cho thấy phía Bắc và Tây Nam Hòn Mun có độ phủ san hô sống chiếm khoảng 74,5%, tỉ lệ này nằm ở khoảng giữa trong thang bậc xếp hạng tốt; khu vực phía Tây Bắc và phía Tây Hòn Mun (khu vực san hô bị gãy đổ do ảnh hưởng bão năm 2021) hiện san hô có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ.
Ngoài ra, Ban Quản lý vịnh Nha Trang cũng đã phối hợp CLB Vịnh đẹp Nha Trang và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền về bảo vệ môi trường vịnh Nha Trang; thả 12.000 con giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trong vịnh Nha Trang; tổ chức trồng 1,4 ha cây đước phục hồi rừng ngập mặn tại đảo Đầm Báy và 1,1 ha tại cửa sông Tắc và sông Cái...
UBND TP Nha Trang kiến nghị các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp tục bố trí nhân sự, nguồn lực hỗ trợ thành phố hoàn thành kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030; Ban Quản lý vịnh Nha Trang đề xuất cho phép mở lại điểm lặn ở phía Nam Hòn Mun (ngoài điểm lặn Hòn Rơm hiện nay) và cam kết sẽ chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ về số lượng du khách để không gây hiện tượng quá tải cho hệ sinh thái…
Ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc, khẳng định thành phố này sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về du lịch, lập lại trật tự kỷ cương trong công tác quản lý nhà nước về kinh doanh, dịch vụ, du lịch. Ngoài quản lý về giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, lưu trú, Phú Quốc đặc biệt quan tâm, chú trọng các dịch vụ khác như vận tải, ca-nô, du thuyền… để du khách được bảo đảm điều kiện tốt nhất trong thời gian nghỉ dưỡng tại Phú Quốc. Bên cạnh đó, kêu gọi nhà đầu tư sớm triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác, tuyên truyền mạnh mẽ để người dân, du khách có ý thức gìn giữ và bảo vệ môi trường cho đảo ngọc.
"Phú Quốc luôn cầu thị và lắng nghe ý kiến đóng góp tích cực của du khách và cương quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch theo đúng quy định pháp luật" - ông Hưng nói.
Kiểm tra kỹ trước khi cấp phép
Theo kiến trúc sư Ngô Anh Vũ, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng TP HCM, trên thế giới không thiếu những thành phố xây dựng trên địa hình đồi núi như TP Đà Lạt, chủ yếu là địa chất ở khu vực cụ thể nào đó có phù hợp với xây dựng phát triển hay không. Do vậy, về nguyên nhân, không nên căn cứ vào một vụ việc hay một địa điểm sạt lở để đánh giá quy hoạch xây dựng là đúng hay sai.
Trong quy hoạch xây dựng, có những vị trí xung yếu, cơ quan chức năng xác định không đưa vào xây dựng phát triển nhưng xảy ra tình trạng xây dựng sai phép, không phép; có khu vực được phép xây dựng nhưng phụ thuộc vào kỹ thuật xây dựng; cấp phép xây dựng mà không đánh giá kỹ lưỡng địa chất; thời tiết cực đoan, mưa lớn... đều có thể là nguyên nhân.
Để bảo đảm an toàn tại những vị trí có độ dốc cao, cần hạn chế, rà soát lại hoặc kiểm tra thật kỹ lưỡng trước khi cấp phép xây dựng công trình tại những địa điểm "nhạy cảm" như thế mới có thể giúp phát triển bền vững và bảo đảm an toàn.