Ngày 4/5/1975, sau 6 tuần sống trong điều kiện khắc nghiệt và chỉ chưa đầy một tuần nữa là đến ngày lên đến đỉnh Everest theo kế hoạch, đội thám hiểm nữ của Nhật Bản đã kiệt sức. Junko Tabei và nhóm của bà quyết định rời Trại số 5 ở độ cao 8.000 m ở sườn phía nam của ngọn núi để xuống Trại số 2 ở độ cao 6.300 m nghỉ ngơi.
Rạng sáng hôm sau, một trận lở tuyết bất ngờ xảy ra, hàng tấn tuyết đổ ập xuống trại, vùi lấp nhiều thành viên. Bị đè nặng dưới lớp tuyết dày, Tabei không thể cử động. Bà phải nhờ đến 4 sherpa, các hướng dẫn viên leo núi kỳ cựu người Nepal, đưa ra khỏi đống tuyết. Dù bị thương nặng và bầm dập khắp người, Tabei kiên quyết không quay về Trại chính để dưỡng thương.
"Không gì có thể khiến tôi rời khỏi ngọn núi này", bà viết trong hồi ký.

Taibei cầm cờ Nhật Bản khi chụp ảnh lưu niệm trên đỉnh Everest. Ảnh: AP
Để đến được Everest, Tabei và nhóm leo núi nữ đầu tiên trên thế giới đã mất 5 năm chuẩn bị. Áp lực thành công đè nặng trên vai họ, khi mỗi năm chính phủ Nepal chỉ cấp số lượng giấy phép leo núi quốc tế rất hạn chế. Nếu thất bại, họ có thể phải chờ thêm nhiều năm mới có cơ hội quay lại.
Trong khi đó, ở phía Tây Tạng, đoàn leo núi Trung Quốc với 200 người cũng đang tìm cách ghi dấu ấn bằng cách đưa nhà leo núi nữ đầu tiên của họ lên đỉnh. Nhưng họ đã chậm một bước.
Ngày 16/5/1975, đoàn Nhật Bản đã hoàn thành mục tiêu. Hai người được chọn cho hành trình chinh phục đỉnh là Junko Tabei và Yuriko Watanabe. Tuy nhiên, khi các thành viên khác bị sốc độ cao, Watanabe quay lại hỗ trợ, một mình Tabei tiếp tục hành trình.
Dù bị thương sau trận lở tuyết, Tabei vẫn kiên cường bám núi. Bà trở thành người phụ nữ đầu tiên và là người thứ 40 trong lịch sử chạm đến đỉnh Everest. "Tôi cảm thấy hạnh phúc khi nhận ra mình đã lên đến đỉnh, không cần phải leo nữa", Tabei nhớ lại.
11 ngày sau, nhà leo núi người Trung Quốc Pan Duo cũng thành công khi chinh phục đỉnh Everest từ phía Bắc, tuyến đường được đánh giá khó hơn. Bà là người phụ nữ thứ hai đặt chân lên đỉnh núi cao nhất thế giới. 38 người từng chinh phục được Everest trước đó đều là nam giới.
Tin tức về chiến tích của Tabei lan rộng khắp châu Á, được tổ chức ăn mừng tại Nhật Bản, Nepal và Ấn Độ. Bên cạnh đó, Tabei còn là người phụ nữ đầu tiên chinh phục thử thách leo lên đỉnh của 7 ngọn núi cao nhất ở 7 châu lục. Nhưng ít người nhắc đến tên tuổi và thành tích của bà.

Taibei (trái) và Pan Duo, trong buổi trò chuyện với người dân tại Kathmandu năm 2005, kỷ niệm 30 năm ngày họ chinh phục đỉnh. Ảnh: AFP
Trong một lĩnh vực vốn bị chi phối bởi nam giới, Tabei không chỉ phá vỡ giới hạn về thể lực mà còn phá vỡ những rào cản định kiến. Gần 50 năm kể từ ngày bà lập nên kỳ tích, vẫn rất ít tổ chức, kể cả tại Nhật Bản, có động thái tưởng niệm hay tôn vinh bà.
Suốt nhiều thập kỷ, những kỷ lục leo núi gần như chỉ ghi danh nam giới. Những dấu mốc như 70 năm ngày Hillary và Tenzing Norgay chinh phục đỉnh Everest (1953), hay 100 năm ngày George Mallory và Andrew Irvine bỏ mạng trên núi (1924) đều được tổ chức rầm rộ.
Trong khi đó, phụ nữ từng bị cấm tham gia nhiều câu lạc bộ leo núi. Dù được nhận, họ vẫn phải đối mặt với định kiến, kỳ thị, không được phép công bố hành trình leo núi của mình. Mãi đến năm 1975, câu lạc bộ Alpine, một trong những tổ chức leo núi danh giá nhất, mới chấp nhận thành viên nữ.
Junko Tabei không chỉ leo lên đỉnh, mà còn phá tan những định kiến đè nặng trong lịch sử leo núi thế giới.
Vào thời điểm phụ nữ Nhật Bản được kỳ vọng sẽ ở nhà lo nội trợ, nhiều thành viên trong Đoàn leo núi nữ Nhật Bản chinh phục Everest đều là những người đi làm, thậm chí có người vừa đi làm, vừa nuôi con nhỏ. Con gái của Tabei, Noriko, mới ba tuổi khi mẹ chạm tới đỉnh Everest.
Tabei từng chia sẻ rằng đoàn leo núi của bà phải đối mặt với rất nhiều phản đối: "Phần lớn đàn ông trong cộng đồng leo núi cho rằng việc một nhóm toàn nữ chinh phục Everest là bất khả thi".
Là một người mẹ, một người vợ và đồng thời là phó đoàn, Tabei thường xuyên bị giằng xé giữa thiên chức làm mẹ và đam mê chinh phục đỉnh cao. Việc chăm con khiến bà đôi khi xung đột với lịch tập luyện và kế hoạch đoàn. Những khi ấy, thay vì được thông cảm, bà thường phải nỗ lực gấp đôi để chứng tỏ năng lực và vị trí lãnh đạo của mình.
Trước khi đặt chân đến Everest, Tabei cùng những người phụ nữ Nhật khác đã có nhiều thành tích ấn tượng. Năm 1967, nhóm nữ đầu tiên do Tabei dẫn dắt đã chinh phục thành công mặt bắc của Matterhorn, một trong những đỉnh núi hiểm trở nhất châu Âu. Năm 1970, họ tiếp tục thực hiện chuyến thám hiểm toàn nữ đầu tiên của Nhật Bản đến dãy Himalaya để leo Annapurna III. Chính Tabei là người phụ nữ đầu tiên và cũng là người Nhật đầu tiên đặt chân lên đỉnh này.
Thành tích của Tabei trong lĩnh vực leo núi độ cao là điều hiếm có. Để đến được Everest, bà đã thách thức cả những chuẩn mực xã hội thời bấy giờ, nơi người phụ nữ được dạy phải "theo chồng, chăm con". "Tôi từng cố tưởng tượng bản thân mình là một người vợ Nhật truyền thống, nhưng điều đó chưa bao giờ phù hợp với tôi", bà từng chia sẻ.
Sau kỳ tích tại Everest, Tabei từng được mời phát biểu tại Hội nghị thế giới trong Năm quốc tế phụ nữ của Liên Hợp Quốc. Nhưng theo thời gian, tên tuổi bà dần mờ nhạt trong ký ức công chúng, phần vì lịch sử leo núi vẫn thường được kể dưới dạng câu chuyện "người đàn ông chống lại thiên nhiên". 42 năm sau, Tabei mới xuất bản hồi ký Honoring High Places, và được dịch sang các ngôn ngữ khác.
Tabei cho rằng cách truyền thông mô tả trải nghiệm của phụ nữ leo núi thường không phản ánh đúng thực tế. Bà bị truyền thông soi mói quá mức vào giới tính, liên tục nhận được câu hỏi: "Làm phụ nữ mà leo núi độ cao thì cảm giác thế nào?".
Báo chí cũng thường xuyên mô tả bà như một người phụ nữ Nhật nhỏ bé, trái ngược hoàn toàn với hình ảnh những vận động viên leo núi cao to, lực lưỡng. "Người ta luôn ngạc nhiên khi gặp tôi ngoài đời, vì tôi không cao lớn như họ tưởng. Có người bảo tôi phải giống đô vật. Sự ám ảnh của mọi người với ngoại hình khiến tôi khó hiểu", bà nói.
Đối lập với lối viết hoa mỹ, sáo rỗng trong các tài liệu leo núi truyền thống, Tabei lựa chọn cách kể chuyện chân thực, không né tránh cả những khía cạnh tiêu cực của con người trong các chuyến đi. Bà cho rằng phụ nữ thường được dạy phải làm "người tốt", nên việc đưa ra quyết định khó khăn, đặc biệt là khiến người khác buồn, là điều không dễ dàng.
"Thời ấy, chỉ cần là một người phụ nữ leo núi đã là khác thường, huống chi là dám đứng lên vì chính kiến của mình", Tabei viết.
Tabei từng là biểu tượng cho tiến bộ xã hội và bình đẳng giới. Nhưng những đóng góp phi thường của bà cho thế giới leo núi lại ít được nhắc đến trong sách sử hay truyền thông quốc tế. Bà không chỉ leo lên đỉnh núi cao nhất thế giới, mà còn đứng lên chống lại cả đỉnh núi định kiến mà phụ nữ phải đối mặt.
Từ khi Junko Tabei chinh phục đỉnh Everest, môn leo núi đã trải qua nhiều thay đổi. Từ một môn thể thao dành cho giới thượng lưu, khám phá mạo hiểm, đến một ngành công nghiệp thương mại hóa, nơi các khách hàng giàu có thuê dịch vụ chuyên nghiệp để lên tới đỉnh.
Cuối những năm 1980, leo núi cao độ trở thành một mặt hàng du lịch giá trị. Chính phủ Nepal tận dụng cơ hội này để thúc đẩy du lịch bằng cách cấp nhiều giấy phép leo núi hơn, tạo đà phát triển cho các công ty thương mại chuyên dẫn dắt khách chinh phục các đỉnh núi trên 8.000 mét. Năm 2023, Nepal đón hơn 150.000 khách du lịch leo núi cao độ, với 47 đội leo núi thử sức với Everest.
Học giả Jennifer Hargreaves nhận định rằng phụ nữ thường bị loại trừ khỏi hình tượng "anh hùng thể thao". Bản sắc văn hóa, ý nghĩa và giá trị xã hội thường được định hình xoay quanh hình mẫu anh hùng nam tính trong hầu hết các môn thể thao, kể cả leo núi.
Một phần nguyên nhân là do những câu chuyện chưa được kể.
Nghiên cứu của Delphine Moraldo chỉ ra rằng, trong số các hồi ký leo núi được xuất bản tại Anh và châu Âu từ cuối những năm 1830 đến 2013, chỉ có 6% do phụ nữ viết.
Lịch sử truyền thông về các nữ leo núi thường đầy ngờ vực, coi thành tích của họ thấp hơn. Phụ nữ bị gán mác yếu đuối, ràng buộc với công việc nội trợ và thiếu sự cứng cỏi cần thiết để trở thành "leo núi giỏi."
Những định kiến này cùng với việc thiếu sự đại diện đã khiến cơ hội của phụ nữ trong việc xin tài trợ cho các chuyến leo núi hoặc tiếp cận trang phục và thiết bị chuyên dụng dành cho nữ giới bị hạn chế. Tabei và nhóm của bà phải tự thiết kế trang phục cho chuyến đi vì không có sẵn trang phục kích cỡ nữ, vấn đề mà đến nay vẫn tồn tại. Khi bà xin tài trợ cho chuyến chinh phục Everest, có người khuyên: "Hãy chăm sóc con cái và giữ tổ ấm, đừng làm mấy chuyện này".
Dù còn nhiều thử thách trên hành trình chinh phục sự bình đẳng trong thể thao mạo hiểm. Ngày nay, nhiều nghiên cứu và phương tiện truyền thông bắt đầu tôn vinh thành tích của phụ nữ , từ các chiến dịch như Sport England’s This Girl Can đến các bộ phim về cuộc đời các nữ leo núi.
Hồi ký của Tabei không chỉ là một câu chuyện leo núi đáng chú ý, mà còn là một tác phẩm mang tinh thần nữ quyền, thách thức những định kiến xã hội về thế nào là sự dũng cảm, anh hùng và phiêu lưu.
Bà qua đời năm 2016, ở tuổi 77. Nhân kỷ niệm 50 năm một trong nhiều thành tựu của bà, lời cuối trong hồi ký của bà vẫn còn được nhiều người nhắc đến: "Tôi không lo mất việc hay bỏ lỡ thăng chức (khi quyết định leo Everest). Tôi nghĩ quan trọng là sống một cuộc đời mà chúng ta không bao giờ hối tiếc".
Anh Minh (Theo CNN)