Kết nối bảo tồn Di sản Thiên nhiên thế giới

Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được ghi danh là Di sản Thiên nhiên thế giới đã tạo thêm sức hút cho Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho Quảng Ninh và Hải Phòng

Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới hồi trung tuần tháng 9 này đã đặt ra trách nhiệm với Hải Phòng và Quảng Ninh trong việc hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, bảo vệ môi trường, đặc biệt là "bài toán" quản lý chung giữa 2 địa phương.

Cần sớm giải "bài toán" quản lý chung

Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết để Cát Bà được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, chính quyền và người dân Hải Phòng đã phải chờ đợi đến 10 năm. Năm 2013, Hải Phòng đã có hồ sơ đề cử quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên thế giới theo tiêu chí đa dạng sinh học và hệ sinh thái gửi tới Trung tâm Di sản thế giới (Trung tâm).

Theo hồ sơ đề cử Di sản Thiên nhiên thế giới, vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà được mệnh danh là "hòn ngọc của vịnh Bắc Bộ" hay "bản giao hưởng" của núi rừng hùng vĩ và biển đảo bao la. Các khu vực tự nhiên có diện tích vùng lõi là 65.650 ha, vùng đệm có diện tích 34.140 ha.

Kết nối bảo tồn Di sản Thiên nhiên thế giới - Ảnh 1.

Vẻ đẹp hoang sơ của Cát Bà

Thời điểm đó, Trung tâm đã nhận hồ sơ, nghiên cứu và thừa nhận Cát Bà nổi bật toàn cầu về tiêu chí đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Quá trình thẩm định, Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên thế giới (IUCN) đã dự thảo quyết định để Ủy ban Di sản thế giới thông qua, trong đó khuyến nghị Việt Nam xem xét khả năng đề xuất nối dài với vịnh Hạ Long gộp cả quần đảo Cát Bà. Trải qua quá trình phối hợp chặt chẽ giữa tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng trong việc lập hồ sơ, cùng sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam, hồ sơ đề xuất mở rộng ranh giới di sản thế giới vịnh Hạ Long gồm cả quần đảo Cát Bà đã nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của 21 thành viên Ủy ban Di sản thế giới.

"Việc mở rộng Di sản Thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà không chỉ nâng tầm giá trị vốn có của di sản mà còn là cơ hội để Việt Nam bảo tồn tốt hơn các di sản, đặt ra trách nhiệm lớn lao với Hải Phòng và Quảng Ninh trong việc hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, bảo vệ môi trường và đặc biệt là "bài toán" quản lý chung giữa 2 địa phương" - ông Nam nói.

Hài hòa giữa bảo tồn và đầu tư phát triển

Ông Phạm Trí Tuyến, Trưởng Phòng Văn hóa - Thể thao - Thông tin và Du lịch huyện Cát Hải (TP Hải Phòng), cho rằng việc vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới đã mở ra một cơ hội rất lớn cho sự phát triển, đặc biệt là ngành du lịch của huyện đảo và cũng là điều kiện để giữ gìn bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. "Việc giữ gìn và bảo tồn di sản là một trách nhiệm rất lớn đối với Đảng bộ, chính quyền nhân dân của huyện đảo. Người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm hơn nữa trong việc giữ gìn di sản này. Cùng với đó, bảo tồn cũng là một điều kiện để phát triển bền vững quần đảo Cát Bà trong quá trình phát triển du lịch huyện đảo" - ông Tuyến nói.

Kết nối bảo tồn Di sản Thiên nhiên thế giới - Ảnh 2.

Khách du lịch chèo thuyền kayak ở vịnh Hạ Long

Theo ông Phạm Trí Tuyến, hiện địa phương đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Hải Phòng và Quảng Ninh tham mưu cho các ban ngành 2 địa phương xây dựng kế hoạch phát triển lâu dài, bền vững đối với di sản cũng như dự thảo quy chế phối hợp quản lý các điểm du lịch thuộc vịnh Lan Hạ (quần đảo Cát Bà) và vịnh Hạ Long. Những người làm du lịch 2 địa phương Hải Phòng và Quảng Ninh cũng đã sẵn sàng tâm thế kết nối - bảo tồn - quảng bá rộng rãi di sản đến du khách trong nước và quốc tế.

Ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hải Phòng, cho rằng giữa Cát Bà và Hạ Long có sự chênh lệch trong cả công tác quản lý và việc đầu tư phát triển. Vịnh Hạ Long đã 2 lần được ghi danh vào danh mục Di sản Thiên nhiên thế giới và hiện tỉnh Quảng Ninh đang làm khá tốt trong việc quảng bá hình ảnh vịnh Hạ Long cũng như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ du khách tham quan.

Ông Hoàng Tuấn Anh cho rằng khu vực vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà cần có cơ chế quản lý, khai thác phù hợp và đồng bộ, đặc biệt có sự đầu tư hơn nữa từ phía Hải Phòng để nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng, cầu cảng, nơi đón tiếp, thiết kế để đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ…

"Với những người làm du lịch, chúng tôi mong rằng môi trường kinh doanh du lịch giữa Quảng Ninh và Hải Phòng sẽ được thiết lập. Các nhà lãnh đạo và người làm du lịch cần ngồi lại với nhau để bàn về công tác quản lý. Tin rằng sẽ có những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, cuốn hút được nhiều khách du lịch tới Hạ Long và Cát Bà. Chúng tôi có trách nhiệm tuyên truyền vận động các hội viên bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới" - ông Tuấn nói. 

Với hơn 1.130 hòn đảo đá vôi muôn hình, muôn vẻ được bao phủ bởi thảm thực vật phong phú trên mặt nước lấp lánh màu ngọc bích, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà mang một vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú, có giá trị nổi bật toàn cầu. Nơi đây cũng được xem là "bảo tàng địa chất", nơi chứng kiến những thay đổi đặc trưng trong lịch sử phát triển trái đất với nhiều hệ tầng trầm tích lục nguyên và cacbonat, có tuổi từ nguyên đại Cổ sinh đến Tân sinh.

Là nơi giao thoa của núi rừng và biển đảo, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà sở hữu 7 hệ sinh thái biển - đảo, nhiệt đới, cận nhiệt đới liền kề, kế tiếp nhau phát triển và là nơi cư ngụ của hơn 4.900 loài động thực vật trên cạn và dưới biển, trong số này có tới 198 loài thuộc Danh mục Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) và 51 loài đặc hữu.