Sau 3 tuần khám phá cảnh quan thiên nhiên và những nét đẹp văn hóa, lịch sử của Việt Nam từ Bắc vào Nam, điểm đến cuối cùng của chúng tôi trên dải đất hình chữ S là TP.HCM.
Lần đầu đặt chân đến thành phố này, chúng tôi nhanh chóng bị thu hút bởi nhịp sống sôi động, trẻ trung, hiện đại cùng nền ẩm thực phong phú. Trong từng con hẻm, góc phố, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh những gánh hàng rong, xe đẩy, quán ăn bày bán nhiều món ngon trông thật bắt mắt, tỏa hương thơm "nức" mũi.
Tôi là Laura, đồng hành cùng với tôi trong chuyến đi lần này là Tom, chúng tôi đến từ Anh. Trong lần đầu tiên du lịch Việt Nam, chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi được nhìn ngắm cảnh quan thiên nhiên đa dạng với nhiều dạng địa hình, khám phá bề dày lịch sử, văn hóa cũng như sự phong phú của nền ẩm thực.
Với mong muốn nấu những món Việt cho người thân yêu, tôi và bạn trai quyết định đăng ký lớp học nấu món miền Nam tại M.O.M Cooking Class để hiểu hơn về văn hóa ẩm thực cũng như tìm ra bí quyết tạo nên sức hấp dẫn của những món ăn bản địa.
Lớp học bắt đầu vào buổi sáng, theo chân người hướng dẫn, chúng tôi khám phá chợ Bến Thành - một trong những ngôi chợ nổi tiếng bậc nhất ở TP.HCM. Hàng trăm gian hàng bày bán đủ loại thực phẩm, đồ dùng nhiều màu sắc cùng dòng người mua bán tấp nập tạo nên không khí thật náo nhiệt.
Tại đây, chúng tôi được tìm hiểu về nhiều loại thực phẩm, rau thơm cùng nhiều loại gia vị mang đến hương vị đặc trưng của ẩm thực Việt Nam. Người hướng dẫn chỉ cho chúng tôi cách nhận biết một số loại rau gia vị, cách lựa chọn nguyên liệu tươi ngon nhất cũng như cách kết hợp chúng trong những món ăn. Việc tự tay lựa chọn rau củ, tương tác với tiểu thương địa phương giúp tôi cảm nhận rõ nét hơn về văn hóa đi chợ truyền thống tại Việt Nam.
Xách chiếc giỏ nhựa đựng đầy nguyên liệu, chúng tôi trở về lớp học ẩn mình trên tầng 2 của một ngôi nhà nằm giữa trung tâm thành phố. Sau khi giải nhiệt bằng nước dừa, chúng tôi được chia thành những nhóm nhỏ bắt đầu nấu các món ăn đặc trưng của ẩm thực miền Nam.
Món ăn đầu tiên là gỏi cuốn được chế biến khá đơn giản với tôm thịt đã được luộc chín cuộn cùng rau sống trong lớp bánh tráng mỏng. Tuy nhiên, sau 3 tuần không vào bếp, tôi bắt đầu quên mất cách cầm dao và trở nên lúng túng khi không biết làm sao để bánh tráng không bị dính, nhân không rơi ra ngoài. Đến cuốn thứ 2, tôi bắt đầu học được cách kiểm soát lượng nước cũng như cách dùng lực để tạo nên cuốn gỏi thật khéo léo và đẹp mắt.
Điểm nhấn của các món cuốn miền Nam có lẽ là ở phần nước chấm bởi chúng được tạo nên từ sự hòa quyện độc đáo giữa nước mắm, đường và nước dừa cùng tỏi, ớt và quả tắc. Tôi nhận ra rằng nước mắm miền Nam ngọt hơn, vị chua nhẹ chứ không đậm vị như nước mắm ở miền Trung.
Tiếp theo, chúng tôi được học cách làm gỏi hoa chuối - một món ăn trông rất bắt mắt và hấp dẫn. Từ một loại cây trồng khá phổ biến, người Việt đã tận dụng gần như tất cả các bộ phận của cây để tạo nên nhiều món ăn đầy thú vị. Từ bông hoa chuối với lớp ngoài màu đậm rực rỡ, bóc tách vài lớp, chúng tôi thu được hoa chuối non, một phần được bào mỏng để làm gỏi, một phần tách ra để trang trí.
Sau khi trộn đều các nguyên liệu gồm hoa chuối, gà luộc và nhiều loại rau thơm cùng nước mắm pha theo công thức đặc biệt, tôi thêm đậu phộng và hành phi vào, trở về bàn cùng thưởng thức.
Món gỏi thật đậm đà tròn vị với sự kết hợp khéo léo giữa hoa chuối giòn thơm, thanh mát cùng thịt gà chín mềm, dai ngon, đậu phộng béo ngậy, rau mùi thơm lừng cùng nước trộn chua cay đậm vị.
Tôi từng được thưởng thức gỏi hoa chuối khi đến thăm vịnh Hạ Long, tuy nhiên hương vị khi ấy không giống ở đây bởi có thêm vị chua của xoài cùng một số loại rau củ khác. Ngoài ra, việc hiểu rõ các nguyên liệu của món ăn và tự tay thực hiện khiến tôi càng thêm thích thú và ấn tượng khi thưởng thức chúng.
Món ăn thứ 3 tôi được học đó là món bò lá lốt. Tại Anh, chúng tôi không có loại lá này nên khá hào hứng. Sau khi cho phần thịt đã nêm nếm vào lá rồi cuộn lại, chúng tôi chờ nhân viên hỗ trợ mang đi nướng. Chỉ sau vài phút, gian bếp nhỏ đã ngập tràn hương thơm của món thịt bò cuốn lá lốt cùng tiếng xì xèo.
Chỉ sau ít phút, từng xiên thịt được mang ra khiến chúng tôi không thôi phấn khích. Cuộn một miếng thịt trong bánh hỏi và bánh tráng, thêm lát khế cùng rau thơm, tôi bắt đầu thưởng thức. Phần thịt thơm ngọt mọng nước kết hợp với vị chua của khế khiến tôi thật sự ấn tượng và đặc biệt yêu thích, ngon hơn hẳn món bò lá lốt mà tôi từng được thưởng thức.
Món cuối cùng của lớp học hôm nay đó là bánh xèo. Không giống với bánh xèo miền Trung đổ bằng chảo gang nhỏ, bánh xèo miền Nam được chế biến bằng chiếc chảo lớn. Sau khi xem người hướng dẫn thực hiện một lượt, chúng tôi bắt tay vào làm và nhận ra mọi thứ tưởng chừng như đơn giản nhưng không hề đơn giản.
Sau khi làm nóng đều các mặt chảo và tôi dầu ăn chín già, tôi cho tôm, thịt vào xào rồi đổ bột. Âm thanh xèo xèo vui tai bắt đầu vang lên, đây cũng chính là lý do món ăn này có tên là bánh xèo. Tôi tiếp tục cho thêm dầu và canh giờ cho chiếc bánh được chín đều các mặt, từng công đoạn cần được thực hiện chuẩn xác để vỏ bánh giòn rụm mà không bị cháy.
Việc kiên nhẫn trong từng công đoạn chế biến khiến tôi nhận ra rằng mọi thứ trong cuộc sống cũng cần kiên nhẫn và chú tâm như thế. Chỉ cần tập trung cố gắng từng chút, mọi việc đều có thể giải quyết.
Chiên bánh xong, chúng tôi bắt đầu thưởng thức thành quả mà mình vừa thực hiện. Vỏ bánh xèo thơm phức, giòn tan, kết hợp cùng rau sống, cải xanh cùng nhiều loại rau thơm chấm cùng nước mắm chua ngọt mang lại hương vị tươi mới, ngon miệng, tạo cảm giác thật sự khác biệt với những món tôi từng thưởng thức.
Được tìm hiểu, tự tay thực hiện và thưởng thức những món ăn Việt, chúng tôi càng thêm yêu dải đất hình chữ S. Khi trở về Anh, chúng tôi sẽ tìm kiếm nguyên liệu và cố gắng thực hiện dựa trên “bí quyết” mà lớp cung cấp để mang đến những món ăn ngon cho những người thân yêu. Sớm thôi, chúng tôi lại quay trở lại Việt Nam để khám phá thêm những vùng đất tuyệt đẹp cùng nét văn hóa, ẩm thực phong phú tại đây.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch