![]() |
Một quầy hàng ven đường ở Nha Trang vào năm 1994. |
Cuối thập niên 1980 và đầu những năm 1990, khách du lịch đến Việt Nam đã có thể tự do chọn điểm đến và nơi lưu trú, thay vì bị giám sát nghiêm ngặt, chỉ được ở những khách sạn được cấp phép như trước kia.
Chuyến bay đến TP.HCM năm 1994 để lại ấn tượng mạnh cho Simon O'Reilly (người Anh, hiện sinh sống và làm việc tại Hong Kong, Trung Quốc). Khi máy bay lăn bánh về phía nhà ga, anh thấy hai bên đường băng là những xác máy bay cũ, phần lớn là máy bay quân sự Mỹ bị bỏ lại từ thời chiến, nằm im lìm.
Viết trên SCMP, Simon cho biết TP.HCM khi ấy đã thực sự náo nhiệt. Anh và bạn - đều là du khách Anh - lưu lại tại một khách sạn trong tòa nhà 6 tầng nhìn ra một con đường đông đúc. Ở tầng trệt có quán nhỏ bán cà phê phin đậm đà và bia lon Việt Nam.
![]() |
Du khách đi xích lô ở Việt Nam năm 1994. |
Trên vỉa hè, vài quầy hàng nhỏ bán bật lửa Zippo được cho là lấy từ những lính Mỹ, hay trang sức làm từ vỏ đạn và những món đồ lưu niệm độc đáo.
Khi đổi một ít USD sang tiền đồng, Simon ngay lập tức trở thành "triệu phú", thời điểm đó 100 USD có giá trị tương đương 1 triệu đồng. Với tờ tiền mệnh giá cao nhất 5.000 đồng, cả hai nhanh chóng nhét đầy ví bằng một xấp tiền dày cộp.
Kế hoạch của họ là đi dọc theo bờ biển, hướng về Hà Nội bằng xe khách và tàu hỏa. Dù đông đúc, các chuyến tàu vẫn khá thoải mái và ít hỗn loạn hơn so với tàu hỏa ở Ấn Độ thời bấy giờ.
"Ký ức sống động nhất của tôi là buổi sáng sớm trên tàu, khi mọi người bắt đầu nướng mực khô trên những bếp than nhỏ đặt giữa các dãy ghế để ăn sáng. Mùi thơm lan khắp khoang tàu", Simon kể.
![]() ![]() |
Đi xe khách ở Việt Nam vào đầu những năm 90 có thể là một chuyến đi dài, chật chội. Vì vậy việc đến đích luôn là một sự nhẹ nhõm. |
Ở một chặng khác của cuộc hành trình, họ bắt xe khách cũ kỹ, chật kín người và hành lý. Khoảng 1-2 tiếng sau, xe hỏng. Mọi người xuống xe và đứng đợi xung quanh trong khi tài xế và phụ xe đập mạnh xuống gầm chiếc xe.
Chính tại đây, Simon và bạn đã hỏi một vài người Việt rằng họ nghĩ gì về người Mỹ. Câu trả lời thường là: "Chúng tôi đã chiến đấu với người Pháp trong 60 năm, người Mỹ thì cũng chỉ ở đây trong một thời gian ngắn và chúng tôi cũng đã tiễn họ đi". Một số người chia sẻ họ đã gặp khó khăn sau khi chiến tranh qua đi.
![]() |
Một người đàn ông Việt Nam thân thiện trong lúc dừng xe khách bị hỏng ở ngoại ô Nha Trang. |
Thời điểm đó, trong khi Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản và các nước khác trong khu vực châu Á mê karaoke và vũ trường, thì tại Việt Nam, hình thức giải trí phổ biến chính là khiêu vũ. Hầu như thị trấn nào cũng có sân nhảy - thường là công trình có mái che nhưng không có tường - nơi mọi người ăn mặc chỉn chu, khiêu vũ một cách trang trọng.
"Một hôm, chúng tôi tình cờ thấy người ta bán võng bèn nảy ra ý định ngủ ngoài trời trên bãi biển hoang vắng, dưới bầu trời đầy sao. Sau khi thuê hai chiếc xe máy ở Đà Nẵng, chúng tôi lao về phía biển, hy vọng tìm được hai cây dừa mọc gần nhau để mắc võng. Trời tối, đèn xe yếu ớt, chúng tôi lảo đảo băng qua những đụn cát cao thấp rồi cuối cùng cũng tìm được một bãi biển vắng vẻ để nghỉ qua đêm", Simon kể.
![]() |
Một "cửa hàng" tại một ngôi làng phía nam Đà Nẵng, Việt Nam, năm 1994. |
Thức dậy sau một đêm ngủ không mấy thoải mái bởi cột sống con người vốn không uốn cong theo chiều của võng, Simon và bạn quyết định đi tìm một tách cà phê. Dù không biết mình đang ở đâu, họ vẫn tin rằng có thể quay lại Đà Nẵng. Khi quay đầu xe để trở lại, ánh nắng ban mai chiếu lên tấm biển gỗ mà cả 2 đã không để ý đêm qua: "Mìn".
"Nuốt nước bọt, chúng tôi - những chàng trai thông minh - quyết định rồ ga chạy thật nhanh, hy vọng những điều tốt đẹp nhất. May mắn thay, không có tiếng nổ nào và chúng tôi có thể nhìn thấy một vài túp lều ở phía xa", Simon kể.
Khi đến ngôi làng nhỏ, xe bỗng hết xăng. Simon và bạn đã chuẩn bị tâm lý cuốc bộ vài tiếng.
![]() |
Khi hai nam du khách hết nhiên liệu, một nhóm trẻ em trong làng "đi tuần" đã đến để điều tra cảnh tượng kỳ lạ này. |
Những người đầu tiên đến và "điều tra" là những đứa trẻ trong làng. "Chúng tôi đã có một cuộc nói chuyện mà cả hai bên đều nói ngôn ngữ của riêng mình nhưng vẫn hiểu thông điệp được truyền tải", Simon kể. "Chỉ vài phút sau, người lớn đến. Họ mang theo một chai xăng lớn, nước uống và cả đồ ăn nhẹ để chúng tôi ăn. Dù chúng tôi cố trả tiền, họ nhất quyết không nhận".
"Đó là một trải nghiệm khiến chúng tôi thấy bé nhỏ, nhưng lại rất điển hình cho những người Việt Nam mà chúng tôi đã gặp. Mặc cho cảnh nghèo đói cùng cực và trải qua hàng thập kỷ chiến tranh, họ vẫn hào phóng, trung thực, và tự hào sâu sắc về con người mình".
![]() |
Thật khó để diễn tả được người dân Việt Nam thực sự thân thiện và hiếu khách như thế nào trước khi du lịch cất cánh. |
Trong suốt chuyến đi, Simon và bạn thường xuyên được mời ăn uống và không ít lần bị từ chối khi muốn trả tiền. Tuy nhiên, họ không thể đến được Hà Nội.
"Thời tiết nắng ở phía Nam nhanh chóng nhường chỗ cho mưa như trút nước khi chúng tôi đi về phía Bắc. Sau vài ngày ở Huế, chúng tôi đành quay lại Đà Nẵng – nhưng đó lại là một câu chuyện khác", Simon kể.
Với các món ăn phong phú và đặc sắc, Việt Nam được xếp vào danh sách những quốc gia có nền ẩm thực tuyệt vời của thế giới.
Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu hai cuốn sách Lê la quà vặt và Ăn quà xuyên Việt. Xuất bản năm 2017, đây có lẽ là những cuốn sách tranh ẩm thực đầu tiên của một tác giả Việt được xuất bản. Bằng những hình vẽ dễ thương và sinh động, vui tươi và hài hước, những trang vẽ của Đặng Hồng Quân khiến người xem như có thể mường tượng ra khung cảnh náo nhiệt của các hàng quà, thậm chí có đôi khi lộn xộn, nhôm nhoam như ngoài đời thực ta có thể vẫn bắt gặp.
> Đọc tiếp: 'Từ điển' món ngon nước Việt bằng tranh