Trên bình diện toàn cầu, Trung Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất thế giới năm 2023. Ngành du lịch nước này đang trên đà phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch với mức tăng khoảng 400% lượng đặt phòng cho năm 2024 so với thời kỳ hoàng kim 2019, theo báo cáo của Sabre - hệ thống đặt chỗ chính của hãng hàng không Vietnam Airlines.
Tại Việt Nam, "công xưởng thế giới" để thị phần quốc tế rơi vào tay Hàn Quốc trong 2 năm qua. 9 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2 về quy mô gửi khách đến nước ta, đạt 2,7 triệu lượt (chiếm 21,3% tổng lượng khách quốc tế), số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam.
Song, TS Dương Đức Minh, Phó Viện Trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch (ITERD), nhận định Hàn Quốc chỉ đang tạm thời giữ "ngôi vương". Trung Quốc sẽ quay lại dẫn đầu thị trường khách quốc tế trong vài năm tới khi nền kinh tế nước này ổn định trở lại.
Những con số 'khủng'
Trung Quốc là thị trường hiếm hoi giữ vững lượng khách ở mức hàng triệu khi đến Việt Nam từ năm 2015 đến 2019. Trong đó, năm 2019, Việt Nam đón lượng khách Trung Quốc đông chưa từng có.
Cụ thể, ngay từ năm 2014, khách Trung Quốc đã bắt đầu chiếm lĩnh thị trường khách ngoại tại Việt Nam với 1,8 triệu lượt khách, bất chấp một số căng thẳng ở khu vực biển đảo. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chưa về số như khách Nga.
LƯỢNG DU KHÁCH TỪ HÀN QUỐC, TRUNG QUỐC ĐẾN VIỆT NAM QUA CÁC NĂM | ||||||
Nguồn: Tổng cục Thống kê | ||||||
Nhãn | 2017 | 2018 | 2019 | 2022 | 2023 | |
Khách Hàn Quốc | Triệu lượt | 2.4 | 3.5 | 4.3 | 0.965 | 3.6 |
Khách Trung Quốc | 4 | 4.9 | 5.8 | 0 | 1.7 |
Trong năm 2015, lượng khách quốc tế đến nước ta có sự sụt giảm đáng kể, song bù lại là dòng khách nội địa di chuyển nhiều hơn. Lý do đến từ căng thẳng tại vùng biển hai nước và sự trượt giá đồng rub Nga. Điều này dẫn đến lượng khách 2 thị trường trọng điểm là Trung Quốc và Nga giảm. Riêng khách Trung Quốc đến du lịch Việt Nam khoảng 1,78 triệu lượt.
Năm 2016, thị trường khách quốc tế dần khởi sắc trở lại, đánh dấu sự tăng trưởng của dòng khách từ xứ sở tỷ dân. Nước ta đón đến 2,7 triệu lượt khách Trung Quốc, tăng 51% so với năm 2015 và đứng đầu lượng khách ngoại đến Việt Nam.
2 khách du lịch Trung Quốc tại TP.HCM vào tháng 10. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Con số 2,7 triệu lượt khách năm 2015 gần như tăng gấp đôi vào năm 2017, sau đợt thí điểm cấp visa điện tử cho du khách quốc tế. Nước ta đón 4 triệu khách Trung Quốc, tăng hơn 1,3 triệu lượt so với năm 2016. Thời điểm này, một số điểm đến có biển như Nha Trang, Đà Nẵng, vịnh Hạ Long... hút khách Trung Quốc nhiều nhất. Đáng chú ý là Nha Trang.
Việt Nam cán mốc 15,5 triệu lượt vào năm 2018, tăng 19,9% so với năm 2017. Điểm nhấn bức tranh số liệu khách ngoại tiếp tục là khách Trung Quốc. Quốc gia này có số lượt khách du lịch đến Việt Nam nhiều nhất, 4,96 triệu lượt, chiếm gần 1/3 tổng số lượt khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Vị trí thứ 2 thuộc về Hàn Quốc với 3,48 triệu lượt.
Lượng khách từ "công xưởng thế giới" đến nước ta đông chưa từng có vào năm 2019. Con số đạt đỉnh là 5,8 triệu lượt khách. Nhìn chung, giai đoạn 2015-2019, tỷ trọng khách Trung Quốc so với tổng số khách ngoại đến Việt Nam có chiều hướng tăng, từ 23% vào năm 2015 lên 32% vào năm 2019.
Từ năm 2020 đến nay, số khách Trung Quốc đến Việt Nam phục hồi tích cực và có thời điểm vượt khách Hàn Quốc quay trở lại vị thế số 1 trên đường đua khách ngoại (tháng 5).
Tuy nhiên, theo góc nhìn của một số đơn vị lữ hành, tốc độ tăng trưởng của khách Trung Quốc sau dịch Covid-19 vẫn chỉ đạt mức trung bình.
Khách Trung Quốc đã thay đổi
Dòng khách từ xứ Trung đến Việt Nam sau khi mở cửa biên giới có sự thay đổi đáng kể. Trong đó, dễ nhận thấy nhất là mức chi tiêu và thói quen lựa chọn điểm đến du lịch.
Về sức chi, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị - truyền thông Công ty lữ hành Vietluxtour, nhận định trước dịch Covid-19, lượng khách phân khúc trung, cao cấp Trung Quốc chiếm tỷ lệ khá tốt trong tổng cơ cấu khách ở nước ta nói chung và đơn vị nói riêng. Tuy nhiên, vài năm gần đây, thị phần này đến du lịch Việt Nam phần lớn là khách phổ thông với ngân sách trung bình dành cho mỗi chuyến đi.
Dữ liệu từ Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc cho thấy trong kỳ nghỉ Lễ Lao động năm nay, lượng khách đi du lịch tăng 28,2%, tuy nhiên mức chi chỉ tăng 13,5% so với cùng kỳ 2019. Điều này đồng nghĩa với việc sức chi mỗi khách giảm 11,5% trong 5 ngày, theo khảo sát từ ngân hàng Societe Generale.
Trong báo cáo của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, người dân Trung Hoa sống tại khu vực thành thị ngày càng có xu hướng muốn tiết kiệm hơn trong quý đầu tiên.
Phú Quốc thu hút du khách quốc tế nhờ khung cảnh hoang sơ cùng sự thuận tiện về đường bay, giá vé. Ảnh: Vinh Gấu. |
Tương tự, ông Hà Tuấn Minh, chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành quốc tế Việt Nam Winner ở Phú Quốc, cũng nhận thấy mức chi tiêu của khách Trung Quốc chưa thể so với thời điểm trước dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn điểm đến tại Việt Nam của khách Trung Quốc cũng có sự thay đổi.
Trước dịch Covid-19, Khánh Hòa (với trọng điểm là Nha Trang) là điểm đến dẫn đầu cả nước trong việc đón khách từ đại lục. Năm 2019, phố biển đón hơn 2,5 triệu lượt khách Trung Quốc, chiếm hơn 70% lượng khách quốc tế đến với tỉnh. Với con số "khủng" trên, ngành du lịch Nha Trang thậm chí tạo ra chuỗi cung ứng chỉ để phục vụ tệp khách này như ngôn ngữ, biển hiệu, hành vi tiêu dùng...
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mức phục hồi từ thị trường chưa đạt như những gì địa phương kỳ vọng. Theo thống kê của Sở Du lịch Khánh Hòa, 9 tháng năm 2024, địa phương đón hơn 500.000 lượt khách Trung Quốc, chỉ bằng khoảng 27% so với cùng kỳ năm 2019 (gần 1,8 triệu lượt khách).
Du khách ngồi hàng giờ tại quán cà phê đường tàu nổi tiếng Nha Trang chỉ để bắt khoảnh khắc tàu chạy qua. Ảnh: Tường Vi. |
Chia sẻ với Tri Thức - Znews về lý do cho sự sụt giảm mạnh này, ông Phạm Minh Nhựt, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang, cho biết có 2 nguyên nhân chính.
Đầu tiên, Trung Quốc là nơi chịu tác động khá lớn từ đại dịch Covid-19. Thời gian áp dụng lệnh cấm đi lại dài, kéo theo thu nhập của người dân giảm.
Thứ hai, chính phủ nước này tung nhiều chính sách, ưu đãi nhằm thúc đẩy du lịch nội địa. Do đó, thị trường Trung Quốc chứng kiến sự dịch chuyển trong nước tăng.
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác đến từ thị hiếu của người dân cũng như chính sách của các doanh nghiệp lữ hành Trung Quốc đang thay đổi để phù hợp với điều kiện hiện tại.
"Hiện, các công ty lữ hành Trung Quốc đưa khách đến Nha Trang chủ yếu từ các công ty bảo hiểm có áp dụng chính sách khuyến mãi khi đăng ký gói bảo hiểm. Lượng khách theo tour không nhiều dẫn đến các chuyến bay charter cũng giảm so với năm 2019", ông Nhựt nói.
Ông Zhu (du khách Trung Quốc) và vợ thưởng thức ẩm thực ở TP.HCM trước khi di chuyển sang Campuchia. Ảnh: Linh Huỳnh. |
Trong khi đó, bà Thu từ Vietluxtour cho biết khách Trung Quốc đang "Nam tiến", lựa chọn TP.HCM và Phú Quốc nhiều trong vài năm trở lại đây.
Tuy nhiên, ông Minh từ ITERD đánh giá Nha Trang vẫn sẽ là điểm đến "phải đến" của khách Trung Quốc. Các ông lớn trong ngành lữ hành của Trung Quốc có sự quan tâm nhất định đến phố biển.
"Trước mắt, khách Trung Quốc ít đến Nha Trang là bởi nền kinh tế nước này phục hồi chậm, xu hướng thắt chặt chi tiêu chứ không phải do đã quá quen với Nha Trang", ông Minh nói.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch