Phó chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng Nguyễn Minh Sang chiều 14/3 cho biết chưa có đoàn khách Trung Quốc nào dự kiến đến thành phố những ngày đầu được phép đi tour đến Việt Nam. Một trong những lý do là Đà Nẵng chưa có đường bay thẳng. Nếu khách transit TP HCM hoặc Hà Nội, giá tour sẽ cao hơn, ít khách lựa chọn.
Bà Lê Thị Hồng Minh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh, cho biết 26/3 dự kiến đón một đoàn khách Trung Quốc nhưng chưa rõ số lượng. Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, Trịnh Đăng Thanh, cũng khẳng định tỉnh chưa có đoàn khách lớn hàng trăm người vào những ngày đầu tiên. "Các doanh nghiệp mới bắt đầu bắt mối để lên tour và chỉ có lác đác các nhóm nhỏ", ông Thanh nói.
Tại TP HCM, đại diện Công ty Du lịch BT Tour cho biết sẽ đón đoàn khách 16 người từ Trung Quốc sang vào 16/3. Cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị (Lạng Sơn) dự kiến đón một đoàn gần 100 khách, Móng Cái (Quảng Ninh) có hơn 30 khách, hôm nay.
Theo ông Sang, không phải sau 15/3 khách Trung sẽ sang ồ ạt như trước dịch. "Đâu phải nói muốn là sang luôn được", ông Sang nói. Ngoài đường bay, muốn đón khách đoàn phải mất thời gian gom khách, đặt vé và có sự hợp tác của công ty lữ hành hai nước. Hiện mọi thứ vẫn dừng ở mức doanh nghiệp hai bên xúc tiến, trao đổi thông tin.
Bà Nguyễn Lệ Bình, Phó giám đốc Phòng Du lịch Việt Nam, Công ty Du lịch Hải Ngoại Quảng Tây (TP Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) cho hay 15/3 là chỉ mốc thời gian cho việc khách Trung được cấp phép đi tour.
"Các công ty du lịch của hai nước vẫn còn phải ráp nối với cơ quan cấp visa xem thủ tục ra sao, sau đó mới lên phương án gom khách", bà Bình nói và cho biết dự kiến giá tour sẽ tăng khoảng 20%. Người Trung Quốc chưa sang đông một phần vì ảnh hưởng kinh tế. Hiện công ty của bà Bình cũng chưa có đoàn khách nào.
Còn theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, khách Trung Quốc chưa đến Việt Nam đông vì nhiều yếu tố, trong đó giá thành quyết định nhiều nhất. Các dịch vụ điểm đến, nhà hàng, khách sạn, vé máy bay đều cần phải đặt cọc. Trong giai đoạn ban đầu khi mở lại hoạt động du lịch, giá cao dẫn đến kém hấp dẫn.
Sau gần 3 năm đình trệ, các hãng bay Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu khai thác lại các đường bay giữa hai nước cuối năm 2022. Hiện mỗi tuần có từ 12 đến 15 chuyến bay, so với khoảng 70 chuyến trước dịch. Nhưng cuối tháng 2, nhiều hãng đã phải lùi kế hoạch mở rộng mạng bay và các tuyến bay thẳng giữa hai nước tới cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 khi các chính sách dành cho khách du lịch chưa rõ ràng.
Năm 2019, Việt Nam đón lượng khách quốc tế kỷ lục với hơn 18 triệu lượt, trong đó khách Trung chiếm nhiều nhất với hơn 5,8 triệu lượt. Theo dữ liệu từ Tổng cục Du lịch, Trung Quốc luôn là thị trường khách quốc tế lớn nhất đến Việt Nam trong 5 năm trước dịch, chiếm khoảng 30%. Các điểm đến được khách Trung yêu thích là Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc.
Một số khách Trung Quốc tỏ ra háo hức sang Việt Nam. Hứa Thanh Thiên, kỹ sư sống tại Bắc Kinh dự định đợi đến tháng 4 cùng bạn bè đến du lịch vì hy vọng lúc đó có nhiều đường bay giữa hai nước hơn, giá sẽ giảm. Nhưng "nếu giá tăng cao, tôi cũng vẫn sang vì yêu Việt Nam. Tôi sẽ đến Hạ Long, Nha Trang", Thiên nói.
Phương Anh