Khách Việt được cảnh sát hộ tống vào khu ổ chuột tồi tệ bậc nhất châu Phi

Đến Kenya, Thái Quốc quyết đến khu ổ chuột nổi tiếng, nơi cảnh sát cũng phải e dè vì những thành phần xấu được trang bị vũ khí bên trong.

Ký ức về chuyến đi Kenya tháng 9/2022 của Phan Thanh Quốc (Kẻ Du Mục) đến giờ gần như vẹn nguyên. Mùi nylon cháy, bãi rác khổng lồ và những túi đồ ăn biến dạng trẻ con ngấu nghiến, tất cả như mới hôm qua. Dòng hồi tưởng đưa anh trở lại Korogocho, một trong những khu ổ chuột lớn nhất Kenya, quốc gia phía đông châu Phi.

Korogocho rộng khoảng 1,5 km2, nằm tại đông bắc thủ đô Nairobi. Korogocho được chia thành 9 khu vực, hầu như không có cơ sở hạ tầng phục vụ người dân.

Theo Africa News, Korogocho có khoảng 150.000 người sinh sống trong điều kiện tồi tệ. Do không có tiền mua than, củi, người dân thường đốt túi nylon để nấu ăn, bất chấp lo ngại về sức khỏe và môi trường. Các dịch vụ vệ sinh cũng thiếu trầm trọng, với các vấn đề như HIV, bạo lực gia đình, nghiện ma túy, tấn công tình dục, cướp luôn hiện hữu.

Buổi sáng, Quốc đến gặp Sommy, một người bạn ở Kenya, để cùng thâm nhập khu ổ chuột. Quốc nói những người chưa biết về Korogocho thường "lạc quan" và tự tin có thể dễ dàng đến đây. Thực tế, Korogocho không có chốt kiểm soát an ninh nên du khách được đi lại tự do.

"Vào được nhưng ra an toàn hay không lại là chuyện khác. Sommny đã cảnh báo tôi nhiều điều khi quyết định vào đây", anh nói. Tuy nhiên, được bước chân vào Korogocho không phải cơ hội ai cũng có trong đời nên Quốc quyết tâm làm bằng được.

Đoàn hộ tống nam du khách tới Korogocho. Ảnh: Kẻ Du Mục

Đoàn "hộ tống" nam du khách tới Korogocho. Ảnh: Kẻ Du Mục

Theo gợi ý của Sommy, họ tìm cảnh sát hộ tống để đảm bảo an toàn cho cả hai. Khi đến đồn trình bày nguyện vọng, cảnh sát cũng bất ngờ với đề nghị của Quốc. Theo lời họ, trước đó, một người Ấn Độ đã vào Korogocho rồi không trở lại. Sau khoảng 30 phút trong đồn, phương án cuối cùng được đưa ra là sẽ có hai cảnh sát đi cùng Quốc và Sommy. Tuy nhiên, họ chỉ đồng ý đến khu vực rìa, không vào sâu Korogocho để đảm bảo an toàn.

Trong nửa buổi khám phá Korogocho, Quốc đã chi khoảng 10 triệu đồng cho các chi phí như di chuyển bằng taxi 12 km, tặng tiền cho một số người dân và chi phí cho cảnh sát hỗ trợ. Hai viên cảnh sát hộ tống Quốc là Linux và Rona, một là nam cảnh sát có thân hình vạm vỡ và một là nữ cảnh sát mảnh khảnh. Họ đều trang bị súng để sẵn sàng đối mặt với tình huống tệ nhất.

Người dân bới rác trên kênh. Ảnh: Kẻ Du Mục

Người dân bới rác trên kênh. Ảnh: Kẻ Du Mục

Vấn đề tàng trữ và sử dụng súng trái phép từ lâu đã khiến giới chức Kenya đau đầu. Năm 2018, tờ Al Jazeera (Qatar) đưa tin có khoảng 750.000 khẩu súng ngắn, súng trường nằm trong tay người dân - nhiều hơn con số của lực lượng cảnh sát và quân đội cộng lại. Chính quyền nước này từng yêu cầu người dân sở hữu súng trái phép giao nộp nhưng bất thành vì "súng đã trở thành cuộc sống của họ".

Trước đó, tại Kenya, nhiều vụ xả súng đẫm máu ở ngay chính thủ đô Nairobi đã khiến không ít người thiệt mạng, như vụ đấu súng vào tháng 1/2019, xả súng ở trường học năm 2017. Tại Korogocho, theo lời các cảnh sát, những kẻ sở hữu súng trái phép rất nhiều.

Sommy liên tục nhắc: "Harry (tên tiếng Anh của Quốc), anh phải cẩn thận, chúng ta chỉ có hai cảnh sát còn họ có rất nhiều người".

Đến rìa một khu tập kết rác ở Korogocho, nhóm bốn người xuống xe, tiến vào sâu hơn để Quốc quan sát đời sống người dân. Ngay từ bên ngoài, anh đã ngửi thấy mùi thối kinh khủng từ những bãi rác chất thành đống, nếu chồng lên nhau chắc có thể thành cả ngọn núi. Những đứa trẻ thấy người nước ngoài rất thích thú, giơ tay chào. Quốc muốn được nói chuyện với chúng lâu hơn nhưng thời gian của cuộc "tham quan" hữu hạn. Họ phải rời Korogocho trước khi trời tối, nếu không, "chẳng ai biết điều gì sẽ xảy ra".

Đường đất gồ ghề, đâu đâu cũng thấy rác, con kênh đục ngầu vì nhiễm bẩn quá lâu. Ở đó, những người Kenya nghèo khổ khoác lên mình tấm áo choàng tạm bợ làm bằng nylon, vùi mình xuống nước để tìm những gì có thể tận dụng. Quốc nhận xét nhiều người có thể thấy kinh khủng trước cảnh tượng này nhưng với những người nghèo trong khu ổ chuột, họ sẵn sàng tắm trong rác để mưu sinh.

Quốc gặp Steve, một ông chủ đứng ra thuê nhân công phân loại rác để bán kiếm tiền. Steve là một trong những người hiếm hoi tạo công ăn việc làm cho người dân khu ổ chuột này. Nhờ ông, dù vùi mình trong rác, họ có một công việc chân chính để nuôi sống gia đình.

Rời khu rìa, Quốc tiến vào sâu hơn "lãnh địa" Korogocho, nơi gần với "vùng cấm" chính cảnh sát cũng e dè. Linux và Rona hiểu du khách Việt muốn quay những thước phim chân thực nhất về cuộc sống tại Korogocho nhưng nếu đi quá sâu, họ không tự tin để bảo vệ anh. Do đó, cả nhóm thống nhất chỉ tới gần rìa của "vùng cấm", thăm thú một lúc rồi quay ra xe ngay. Dù không nói nhiều, Quốc hiểu cả Linux lẫn Rona đều căng thẳng, họ liên tục chú ý xung quanh và "ốp" chặt nam du khách, không rời nửa bước.

Nếu ở khu rìa, Quốc được chứng kiến cảnh người dân "bơi" trong kênh rác, tại đây, anh nhìn thấy cảnh tượng có thể khiến nhiều người nôn mửa. Rất nhiều đứa trẻ đang đứng trên núi rác khổng lồ, trong tay cầm những bọc nylon. Họ đến gần và gợi ý chúng mở ra xem bên trong.

"Đó là thịt gà nhưng tôi không chắc nó trông giống vậy. Miếng thịt đã chảy nước, nhão nhoét và biến dạng thành thứ gì đó", anh kể. Không cầm lòng trước cảnh tượng này, Quốc vét sạch những đồng tiền cuối cùng trong túi để chia cho những người xung quanh đó.

Dòng hồi tưởng kết thúc bằng mùi nylon cháy trong không khí. Những người Kenya không thể kiếm nổi việc làm và điều duy nhất để duy trì sự sống là lao vào bãi rác tìm kiếm những thứ bẩn thỉu. Tiếng gọi của Linux và Rona báo hiệu thời gian đã hết, cả nhóm buộc phải rời đi thật nhanh trên con đường đầy mảnh thủy tinh vỡ. Mùi thối của rác, thứ thịt lỏng đám trẻ ăn vẫn còn lởn vởn trong tâm trí anh.

Theo Quốc, trải nghiệm của anh ở Korogocho không thực sự nguy hiểm nhưng đó là vì có sự trợ giúp từ hai viên cảnh sát. Anh cũng không tiếc nuối vì chưa tiến sâu vào bên trong. Với Quốc, được chứng kiến cuộc sống trần trụi tại rìa ngoài Korogocho đã là một trải nghiệm chưa từng có.

Tú Nguyễn