Chị Huyền Trang, sống tại TP HCM, và nhóm bạn có chuyến du lịch đảo Jeju 5 ngày (từ 30/3 đến 3/4) để thưởng ngoạn mùa hoa anh đào, thưởng thức các món đặc sản và trải nghiệm văn hóa, trong đó có hái quýt. Đây là hoạt động được Cục Xúc tiến Du lịch Jeju (JTO) gợi ý.
"Trải nghiệm khác biệt so với những điểm đến khác tại Hàn Quốc, rất vui", chị Trang nói.

Chị Trang với thành quả trong vườn quýt ở Jeju. Ảnh: NVCC
Chị Trang cho biết tour trọn gói hái quýt trong nửa ngày có giá 26.000 won (khoảng 450.000 đồng) một người. Tour gồm các dịch vụ đưa đón và bữa ăn, kèm đi tàu hỏa xung quanh trang trại. Hoạt động này phù hợp với nhóm bạn bè, gia đình có trẻ em. Các bé từ khoảng ba tuổi có thể tự tay hái quýt và có thêm trải nghiệm cho lợn đen ở Jeju ăn.
Khi vào vườn quýt, du khách sẽ được cung cấp một giỏ (hoặc xô nhỏ) và một chiếc kéo. Điều quan trọng là phải hái cẩn thận để tránh làm hỏng cành hoặc quả.
Khách sẽ được hướng dẫn tìm những quả chín có màu cam hoặc vàng, tùy thuộc vào giống, cảm thấy nặng tay, nhẹ nhàng vặn quả, sau đó cắt cuống bằng kéo, đảm bảo không làm hỏng vỏ quả hoặc một phần lớn của cành. Quýt hái vào giỏ được mang toàn bộ về hoặc thưởng thức tại chỗ.
"Quýt rất ngọt và đậm vị", chị Trang nói.
Nếu không mua tour trọn gói, chi phí để hái quýt là khoảng 5.000 đến 10.000 won (80.000 đến 160.000 đồng) một vé vào cửa. Du khách hái xong vẫn được mang quả về. Giá cả phụ thuộc vào mỗi loại quýt, trang trại và các trải nghiệm kèm theo. Các trang trại cam và quýt nổi tiếng ở Jeju gồm có Odeung Gamgyul, Bong Bong, Mandarin.

Quýt được đựng trong xô, làn và được mang về hoặc thưởng thức tại chỗ. Ảnh: NVCC
Mùa thu hoạch quýt Jeju rơi vào những tháng mùa đông - xuân khi trời còn lạnh. Càng chính vụ, các vườn cây càng trĩu quả, màu vàng rực và mọng nước.
Hallabong là loại quýt nổi tiếng, được yêu thích nhất ở Jeju, có vị ngọt, mọng nước, dễ bóc. Hagyul chua hơn, trong khi Gamgyul là loại quýt lớn, ngọt, thích hợp để ép nước. Ngoài ra còn có một số giống lai giữa quýt và cam, hoặc lai các giống quýt kể trên với nhau, cho tép màu đỏ, mọng nước và thơm.
Nếu chọn quýt để ăn, du khách nên đến các trang trại có giống hallabong, red hyang hoặc gamgyul. Còn với các trang trại quýt chua, thường du khách sẽ chỉ hái về để vắt nước, làm trà mật ong, soda, một loại đồ uống nổi tiếng tại Hàn Quốc.
Các trang trại sẽ tổ chức hoạt động đi kèm với việc hái quýt như làm mứt, chocolate, xà phòng, chụp ảnh với đạo cụ, pha trà, làm khoai tây chiên vị quýt.
Quýt mang về ngoài ăn quả tươi còn có thể sấy khô, pha trà, ép lấy nước, để đông lạnh, thêm vào đồ uống, làm sinh tố. Vỏ quýt có thể sử dụng làm phân trộn để làm vườn, ép vào khay để làm đá quýt, nấu kèm các món ăn như cá, salad, mì, trà mật ong, cocktail, sinh tố, bánh ngọt.

Trẻ em cũng có thể tự tay hái quýt. Ảnh: NVCC
Đảo Jeju không chỉ có biển và hải sản mà còn là vùng trồng quýt nổi tiếng Hàn Quốc. Loại quả này được coi là trái cây hoàng gia, với hơn 120 giống. Người dân Jeju từng dâng quýt lên vua chúa như một lễ vật quý từ khoảng năm 1052. Cây quýt lâu đời nhất vẫn cho quả trên đảo đã hơn 400 năm tuổi, thuộc giống jingyul.
Với nhiệt độ trung bình khoảng 15 độ C, đảo Jeju là môi trường lý tưởng để quýt phát triển, thơm và ngọt tự nhiên. Bộ phim "Khi cuộc đời cho bạn quả quýt" khởi chiếu đầu tháng 3, đang đứng đầu hạng mục chương trình truyền hình Netflix tại 12 quốc gia, cũng gắn hình ảnh quả quýt với đảo Jeju.
Đảo Jeju miễn visa cho du khách Việt Nam. Du khách chọn các chuyến bay charter hoặc quá cảnh tại các điểm như Singapore, Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc.
Linh Hương