-
Trang chủ
-
Văn hóa
Khai thác di tích văn hóa thành không gian nghệ thuật
Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu cho rằng các văn nghệ sĩ, các chuyên gia nghệ thuật cần sớm có hướng khai thác, đưa văn học nghệ thuật gắn với di sản
NSƯT Trịnh Kim Chi cho biết đang dàn dựng vở diễn mới cho Hội Sân khấu TP HCM, đó là "Khát vọng ngày mai", một tác phẩm của tác giả Trần Văn Hưng, viết về những di sản văn hóa cần được bảo tồn, gìn giữ.
Đưa địa danh vào sân khấu
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, TP HCM đã từng bước nâng cao vị thế để di sản gắn liền với văn hóa nghệ thuật, cụ thể như trong các dịp lễ tết tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh, TP HCM) các nghệ nhân, nghệ sĩ bộ môn hát bội đã biểu diễn rất hay những vở tuồng đậm chất lịch sử tại không gian này. Đây là cách làm đúng, nhằm đưa văn hóa nghệ thuật gắn chặt với
PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ giới thiệu một di tích văn hóa của TP HCM
"Phải gắn đời sống văn hóa nghệ thuật với các công trình di sản văn hóa của TP thì hiệu quả giáo dục mới được nâng cao, cần tăng cường ý thức bảo tồn di sản và niềm tự hào về các di sản trong đời sống đương đại" - PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ nhấn mạnh.
Nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa cho rằng cần có kế hoạch bảo tồn khu vực quận 3 vì đây được ví như "đặc khu di sản Sài Gòn xưa" bao gồm vườn ông Thượng, chợ Đũi và các khu biệt thự xây dựng trước năm 1975, không những có giá trị về cảnh quan kiến trúc mà còn gắn với các nhân vật hoặc sự kiện lịch sử.
"Các địa danh này phải được đưa vào sân khấu, điện ảnh. Sân khấu 5B ở đường Võ Văn Tần nằm trên địa bàn phường Võ Thị Sáu, quận 3 ngay "đặc khu di sản Sài Gòn xưa" mà đến nay vẫn chưa có tác phẩm nói về chính địa phương của mình, quả là điều thiếu sót" - NSƯT Lê Thiện trăn trở.
Tạo hiệu ứng đồng bộ
Theo các nhà chuyên môn, quận 1 và quận 3 là hai địa bàn tập trung nhiều biệt thự cũ. Nếu gắn liền đời sống văn hóa nghệ thuật với những không gian kiến trúc tiêu biểu của Sài Gòn - Gia Định xưa thì hiệu quả quảng bá về không gian văn hóa của TP HCM sẽ đạt chất lượng cao.
Đạo diễn Minh Nguyệt bộc bạch: "Tôi mong ước có được một không gian cổ kính, mang nhiều dáng vóc lịch sử từ các ngôi biệt thự xưa để có thể áp dụng không gian khép kín phục vụ khán giả gồm: tham quan triển lãm, thưởng thức ẩm thực, xem kịch và mạn đàm sau mỗi vở diễn".
Đồng quan điểm, soạn giả Hoàng Song Việt cho rằng TP HCM có nhiều không gian có thể xây dựng tác phẩm sân khấu cải lương thực cảnh. Mỗi câu chuyện gắn liền với di tích lịch sử, văn hóa, mang nhiều ký ức sống động về sự chuyển mình của TP.
NSND Trần Minh Ngọc cho rằng cần phải có một cơ chế phù hợp dung hòa lợi ích giữa kinh tế và văn hóa. Muốn hai bên cùng giữ gìn di sản thì phải có một sự tương tác về tài chính. Trên cơ sở đó, các đơn vị quản lý mới trùng tu, bảo tồn, gìn giữ được công trình di sản. Khi đã hoàn thiện thì gắn với đời sống văn hóa, nghệ thuật sẽ tạo hiệu ứng đồng bộ.
"Cần chú trọng phát triển kinh tế di sản để những công trình văn hóa xưa đã in sâu vào đời sống người dân không bị mai một, đó cũng là cách kiến tạo nên những di sản mới cho thế hệ mai sau. Điều này đòi hỏi phải chắt lọc những giá trị kinh điển kết hợp hài hòa cùng những yếu tố hiện đại" - NSND Trần Minh Ngọc nêu ý kiến.
Theo nhà sử học Nguyễn Đình Đầu, di sản văn hóa là những dấu tích và cảnh quan gắn bó, ăn sâu vào tâm thức của người dân và du khách. TP HCM cần sớm xây dựng hệ thống lý lịch của di tích để không chỉ nhà khoa học mà người dân cũng hiểu, từ đó hướng tới chung tay gìn giữ, bảo tồn.