Khám phá văn hóa cồng chiêng, hầu đồng của người Mường

Người Mường ở Ba Vì, ngoại thành Hà Nội, nổi tiếng với văn hóa cồng chiêng cùng phong tục độc đáo như hồi môn, hầu đồng và ẩm thực phong phú.

Ba Vì là huyện ngoại ô Hà Nội, thuộc vùng bán sơn địa, giáp tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ và Vĩnh Phúc; được thiên nhiên ưu đãi với địa hình đa dạng có núi, rừng, thác, suối, sông, hồ cùng các danh lam thắng cảnh. Vùng núi của Hà Nội còn được biết đến là nơi bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa đặc sắc của người Mường.

Nhắc đến văn hóa của người Mường là nhắc đến văn hóa cồng chiêng. Do địa hình đồi núi đi lại khó khăn nên từ xa xưa, người Mường đã lấy âm thanh làm phương tiện truyền đạt thông tin, theo Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội. Mỗi khi tiếng cồng chiêng vang lên, người dân dựa vào sắc thái âm thanh để biết được những công việc của thôn, bản để tập trung lại.

Chiêng của người Mường có núm tròn ở giữa, được đánh bằng dùi và có quai xách. Khi chơi, mỗi người xách một cồng, người chơi là phụ nữ mặc trang phục truyền thống gồm áo pắn, váy đen, đầu đội khăn trắng, cổ đeo vòng bạc, thắt lưng và khăn đội đầu thêu nhiều họa tiết.

Đồng bào dân tộc Mường sinh sống và chiếm tỷ lệ lớn tại 7 xã của huyện Ba Vì.

Du khách có thể tham gia các tour trải nghiệm văn hóa cồng chiêng, xem người Mường biểu diễn các vũ điệu dân tộc. Trên ảnh là một nhóm phụ nữ Mường mặc trang phục truyền thống biểu diễn các bài hát theo âm thanh của tiếng cồng chiêng ở xã Vân Hòa. Theo CEO Ecohost Bùi Thị Nhàn, giá xem một tour biểu diễn văn hóa cồng chiêng của người Mường như trên ảnh từ 5 triệu đồng. Thời gian biểu diễn từ 25 phút. Bà Nhàn cho biết đây là sản phẩm du lịch mới, bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 3.

Một trong những địa điểm trình diễn văn hóa cồng chiêng cũng như trưng bày các món đồ thường ngày giúp du khách hiểu rõ hơn về cuộc sống thường nhật của người Mường là nhà cô đồng Tứ ở xã Vân Hòa. Theo người dân địa phương, cô Tứ có tên gọi "cô đồng Tứ" vì là bà mợi trong xã. Trong các bản làng của dân tộc vùng núi Việt Nam, thầy cúng nam được gọi là "thầy mo", còn thầy cúng nữ gọi là "bà mợi".

Đến đây, du khách được nghe giới thiệu về các công việc thủ công truyền thống của người Mường như dệt vải, se sợi, giã gạo, sàng lúa cũng như phong tục cưới hỏi, thờ cúng tổ tiên.

Trên ảnh, cô Tứ, dân tộc Mường, đang ngồi dệt vải.

Du khách nghe một người già trong làng giới thiệu về các món đồ hồi môn mà cô dâu Mường phải mang về nhà chồng.

Chị Nguyễn Ngọc Thúy, sống tại quận Hà Đông, cho biết thích thú khi hiểu rõ hơn về cuộc sống của người dân tộc Mường. "Họ có những truyền thống rất hay và bảo tồn tốt đến bây giờ", chị Thúy nói.

Bàn bày các món đồ hồi môn cô dâu Mường mang về nhà chồng, gồm hai chiếc gối 9 mặt để tặng bố mẹ chồng; 4 gối nhỏ màu đỏ dành cho hai vợ chồng. Ngoài ra, cô dâu mới phải mang theo hai chiếc chăn để về tặng bố mẹ chồng, một cuộn vải trắng để về may quần áo cùng hai đôi guốc gỗ.

Khi đến Ba Vì, du khách cũng có thể tham gia xem một giá hầu đồng, do cô đồng Tứ thực hiện. Trên ảnh, cô đồng Tứ đang thực hành một buổi hầu đồng, giá đồng Tam vị chúa Mường, thu hút du khách đến xem.

Hầu đồng hay thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại Ethiopia ngày 1/12/2016.

Ngoài khám phá văn hóa thường nhật của người Mường, du khách còn được thưởng thức ẩm thực truyền thống của người dân nơi đây.

Trên ảnh, các bà các mẹ Mường giới thiệu cho du khách về các món ăn như bánh trứng kiến, bánh tẻ, bánh tình nhân và bánh ốc.

Phương Anh
Ảnh: Phạm Chiểu