Khát vọng mang tên Nguyễn Một

Tôi liên tưởng đến mặt nước được phả lặng sau cơn sóng gió dữ dội. Lặng nhưng vẫn còn đó, mãi mãi còn đó, bên trong nó, những nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai. Tôi càng trân quý hơn, nể phục về nỗi khát vọng mang tên nhà văn Nguyễn Một...

Chiều nay có gì mà trái tim tôi trĩu nặng?! Tôi nhắc ghế ngồi sát bờ nước của quán Ven Sông và gọi ly cà phê. Không gian chiều xế xứ Quảng với những dải màu sậm hòa quyện trên nền trời luôn khiến dòng suy tưởng con người quay vào bên trong tâm hồn mình.

Nhà văn có giọng điệu riêng

Sông Túy Loan ở đoạn cong hạ lưu này cũng đang oặn chậm, thâm trầm, dòng nước lặng lờ như người tuổi đã vào thu, vừa trải qua vừa gác lại một thời ghềnh thác. Sông Túy Loan muôn đời in bóng núi lặng im. Núi Phước Tường muôn đời soi mình trong dòng nước lặng im. Lắng. Lắng hết lại những cát đỏ bùn nâu một quãng đời sông mang nặng, một đoạn đời núi cưu mang.

Tôi cố quay về thực tại với bức tranh non nước hữu tình nhưng có gì đó cứ níu trái tim tôi trĩu xuống. Bến Đình cổ là điểm dừng tạm thời khi đoàn công tác vừa bay từ Hà Nội vào và tôi biết mình đang ở rất gần với Mỹ Sơn, rất gần với nơi miệt quê A Đông, Xuyên Phú, Đức Dục (Duy Xuyên). Tôi cố hình dung đến mảnh sân trăng, đến cây cau cô độc và căn hầm ẩm ướt dưới gốc cây tre già, nơi ấy có cái chết ám ảnh của người mẹ bạn thân của tôi, nhà văn

Nhà văn Nguyễn Một trong một lần trả lời báo chí. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Những nỗi đau không bao giờ nguôi

Chơi lâu với Nguyễn Một, tôi mới hiểu ánh mắt thật buồn của bạn được giấu kín đáo bởi đôi môi luôn cười và những câu trào phúng thông minh. Ám ảnh chiến tranh, ám ảnh cái chết của mẹ thì đành rồi, nhìn sâu vào đôi mắt ấy, tôi còn nhận ra đầy ứ nỗi ưu tư thời cuộc.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh giới thiệu tác phẩm “Người thầy” tại TP HCM

Tình cờ mà tôi được Nguyễn Một cho xem một bức thư gửi người thân cũ. Tôi đọc nhớ từng lời và thương bạn mình hơn: "… Những ám ảnh của chiến tranh theo suốt trong các giấc mơ của đời tôi. Khi đã lớn lên trong đói nghèo bệnh tật chúng tôi đã sống nhờ vào những giai điệu buồn bã như thân phận của dân tộc tôi, đất nước tôi. Ở cái thế giới này, ai gặp tôi cũng hỏi: Lúc này làm ăn có khá không? Tôi buồn kinh khủng em ạ! Sao không ai hỏi: Con người có làm gì để thế giới vật chất này bớt hận thù không?…".

Chiều nay có gì mà trái tim tôi trĩu nặng?! Tôi lại nhắc ghế ngồi sát bờ nước của quán Ven Sông và đọc tiếp tiểu thuyết dày hơn 300 trang của Nguyễn Một, quyển "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín". Theo một dụ ngôn từ Kinh Thánh thì tiêu đề này có nghĩa là thời đen tối, thời đoạn "mặt trời trở nên u ám".

Cũng là đề tài chiến tranh nhưng Nguyễn Một thực sự có một góc nhìn khác - góc nhìn đa góc nhìn. Kể ra giờ đây, khi chiến tranh đã chấm dứt gần nửa thế kỷ, khi đã có độ lùi vừa đủ để chúng ta có được cái nhìn vơi nhẹ định kiến thì sự ra đời của quyển sách có thể gọi là hợp thời, hợp lý. Lại vẫn nặng dày hồi ức nhưng Nguyễn Một không phán xét, không thù hận, ông viết như là một cách để lịch sử tự giãi bày.

Những thành bại, đau đớn, nhuốc nhơ và cả những phi lý ở cả hai phía tự bộc lộ như nó vốn có. Chính điều đó đã giúp quyển tiểu thuyết trở nên sinh động, hấp dẫn, không bị "phẳng" như một số tác phẩm đương thời.

Gấp quyển sách lại rồi mà tôi vẫn ám ảnh những cái chết của ba đứa con ông Ruộng: Trần Viết Trì, Trần Viết Giang và Trần Viết Thủy. "Họ chết trong tư thế chĩa súng vào nhau" và đám tang chung của ba anh em họ, hai lính Việt Nam Cộng hòa và một Việt Cộng, thật sự câu chuyện đã khiến nỗi đau lớn hơn, quặn hơn, gây nhiều ưu tư hơn.

Chưa hết, tiền tử tuất của hai ông anh lại được ông Ruộng quyết định dùng mua giấy hoãn dịch cho người em trai cuối cùng của gia đình… Riêng đoạn này thôi, kịch tính và chất bi thương điển hình của nó đã là một quyển tiểu thuyết nặng ký.

Sự an bài hậu chiến với các nhân vật ở nhiều tuyến của tác phẩm khiến tôi liên tưởng đến mặt nước được phả lặng sau cơn sóng gió dữ dội. Lặng nhưng vẫn còn đó, mãi mãi còn đó, bên trong nó, những nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai. Và, sau quyển tiểu thuyết "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" này, tôi càng thấy rõ hơn, trân quý hơn, nể phục về nỗi khát vọng mang tên nhà văn Nguyễn Một.

12-Nhà-văn-Nguyễn-Một

Nhà văn Nguyễn Một

Nguyễn Một cũng là nhà văn có "số má" trong dòng truyện ngắn đương đại, với 3 tập sách xuất bản vừa đủ khẳng định một tài năng: "Tha hương", NXB Đồng Nai - 1996; "Vũ điệu trên đỉnh Kung Pô", NXB Thanh Niên - 2001; "Như là cổ tích", NXB Hội Nhà văn - 2005.

Một thời làm phóng viên Báo Tiền Phong đã giúp ông có 3 tập bút ký: "Quà của đất", "Giữa đời thường", "Dòng sông độ lượng". Ngoài ra, Nguyễn Một còn có 2 kịch bản phim tài liệu: "Câu chuyện bên một dòng sông", "Hành trình ước mơ" và 5 tập truyện ký thiếu nhi: "Hoa dủ dẻ", NXB Kim Đồng - 1997; "Năm đứa trẻ xóm đồi", NXB Kim Đồng - 1999; "Màu hoa trắng", NXB Kim Đồng - 2001; "Long lanh giọt nắng", NXB Kim Đồng - 2003; "Mùa trái chín", NXB Kim Đồng - 2004...