Khi nào trở lại đỉnh cao 18 triệu khách quốc tế?

Ngành du lịch hoàn toàn có thể vượt chỉ tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế của năm 2023 nhưng nếu nhìn qua các nước xung quanh thì con số này còn khiêm tốn

Những ngày này, nhiều điểm đến trên cả nước đã bước vào mùa đón khách quốc tế với nhiều kỳ vọng. Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế và tính đến hết tháng 8-2023, con số này đã vượt 7,8 triệu lượt.

Rơi khỏi tốp 4 nước đón khách nhiều nhất

Agoda vừa công bố Việt Nam đứng đầu danh sách điểm đến được du khách châu Á - Thái Bình Dương ưu tiên du lịch trong 6 tháng đầu năm 2023. Trong đó, dẫn đầu là khách đến từ Thái Lan, Úc, Hàn Quốc và Singapore.

Ông Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Agoda Việt Nam và Đông Dương, nhận định sự quan tâm ngày càng tăng của du khách quốc tế đối với Việt Nam như một điểm đến du lịch hàng đầu đã thể hiện trong dữ liệu đặt vé máy bay của Agoda.

Khi nào trở lại đỉnh cao 18 triệu khách quốc tế? - Ảnh 1.

Hội chợ Du lịch quốc tế TP HCM vừa diễn ra là cơ hội để ngành du lịch quảng bá điểm đến TP HCM và Việt Nam tới khách quốc tế .Ảnh: BÌNH AN

Dù vậy, trao đổi tại Hội thảo Du lịch Việt Nam 2023 với chủ đề "Mục tiêu và phục hồi", do The Outbox Company phối hợp cùng Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) tổ chức chiều 21-9, bà Nguyễn Anh Thư, Giám đốc nghiên cứu của The Outbox Company, đưa ra những nghiên cứu đáng chú ý.

Theo đó, năm 2023, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế - phục hồi chỉ 44,4% so với con số 18 triệu lượt khách quốc tế của năm 2019. Cùng lúc, Thái Lan đặt mục tiêu 25 triệu lượt khách và đã nâng lên 30 triệu lượt cho cả năm nay - phục hồi 75,2% so với lượng khách đến trong năm 2019. Bức tranh tương tự cũng diễn ra đối với Singapore, Campuchia, Malaysia, khi đều đặt ra mục tiêu thu hút khách quốc tế nhiều hơn và điều chỉnh tăng chỉ tiêu.

Sau khi các nước trong khu vực nâng chỉ tiêu đón khách, Việt Nam đã rơi khỏi tốp 4 thị trường đón khách quốc tế nhiều nhất - sau Thái Lan, Singapore, Malaysia và Campuchia.

"Bài toán đặt ra là ngành du lịch có thể dễ dàng hoàn thành mục tiêu trong năm nay nhưng bao giờ có thể trở lại con số 18 triệu lượt khách quốc tế như năm 2019 - thời điểm trước dịch COVID-19? Du lịch phục hồi nhưng bức tranh vẫn rất khó khăn khi thống kê của The Outbox Company cho thấy rất nhiều khách sạn 4-5 sao có công suất phòng còn thấp, khách đến chưa nhiều" - bà Nguyễn Anh Thư băn khoăn.

Chờ sự đột phá từ khách Trung Quốc

Một thị trường khách quốc tế được kỳ vọng nhiều nhất là Trung Quốc nhưng thời gian qua, công suất bay quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn thấp hơn 46% so với tháng 9-2019. Hàn Quốc trở thành đường bay quốc tế bận rộn nhất của du lịch Việt Nam, khi có hơn 1,6 triệu lượt khách từ nước này tới trong 6 tháng đầu năm nay.

Ông Nguyễn Đông Hòa, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group, cho hay năm 2023, ai cũng nghĩ sẽ "thừa thắng xông lên" sau khi du lịch phục hồi mạnh mẽ trong năm trước đó. Thực tế, khách quốc tế ít, còn khách nội địa chững lại nên thành ra hụt hẫng. Mục tiêu 7 tháng đầu năm 2023 của tổng công ty đến nay đã hoàn thành.

Thời gian tới, ngành du lịch kỳ vọng lớn nhất vào chính sách visa mới khi triển khai visa điện tử (evisa) cho tất cả thị trường. "Dù chính sách này có hiệu lực từ ngày 15-8 nhưng cần thời gian để ngấm vào thị trường. Đây là vấn đề quan trọng nhất, nếu nút thắt của ngành du lịch được gỡ bỏ và thực thi evisa tốt từ kỹ thuật, trang web của Cục Xuất nhập cảnh sẽ là điểm nhấn đón khách cho năm sau" - ông Nguyễn Đông Hòa nhìn nhận.

Trả lời câu hỏi về việc có nên kỳ vọng thị trường khách Trung Quốc không, ông Nguyễn Thành Nam, Tổng Giám đốc Trip.com Việt Nam (nền tảng du lịch trực tuyến mà giai đoạn trước dịch COVID-19 có tới 90% doanh thu đến từ khách Trung Quốc), cho hay đến nay, khoảng 47% doanh thu của doanh nghiệp (DN) đến từ khách Trung Quốc và đang có những tín hiệu tích cực. Từ mốc ngày 15-8 áp dụng chính sách evisa, Trip.com đã ghi nhận sự gia tăng mạnh của khách Trung Quốc, trong đó nhiều nhất là khách kinh doanh, khách đi tự túc. Du lịch Việt Nam kỳ vọng nhiều hơn vào đà tăng của khách Trung Quốc trong thời gian tới.

Trong khi đó, ông Tiêu Thanh Hoàng, Giám đốc marketing Fusion Hotel Group, cho hay 90% khách tới công ty ông đến từ Hàn Quốc và trong tháng 9, lượng phòng đều kín chỗ. DN của ông không đón khách Trung Quốc, Ấn Độ mà tập trung vào khách Hàn Quốc nên đã dành ngân sách, nguồn lực để đầu tư, quảng bá cho thị trường này. 

Đau đầu vì thiếu hướng dẫn viên

Theo ông Võ Việt Hòa, Giám đốc Khối Du lịch quốc tế - Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist (thuộc Saigontourist Group), trong bối cảnh du lịch quốc tế phục hồi thì các DN lại đau đầu vì thiếu nhân sự. DN lữ hành của ông đã giảm khoảng 30%-40% nhân sự so với trước dịch COVID-19 khi họ chuyển ngành và không quay lại. Riêng hướng dẫn viên thì thiếu trầm trọng, bao gồm cả hướng dẫn viên tiếng Anh vốn phổ biến nhất thì nay cũng "đỏ mắt tìm".

Khi nào trở lại đỉnh cao 18 triệu khách quốc tế? - Ảnh 3.
Khi nào trở lại đỉnh cao 18 triệu khách quốc tế? - Ảnh 4.
Khi nào trở lại đỉnh cao 18 triệu khách quốc tế? - Ảnh 5.
Khi nào trở lại đỉnh cao 18 triệu khách quốc tế? - Ảnh 6.
Khi nào trở lại đỉnh cao 18 triệu khách quốc tế? - Ảnh 7.