Khi được ban tổ chức trả lời đây là quyển sách in theo giấy phép của Tạp chí Văn nghệ TP HCM nên chỉ lưu hành nội bộ, không phát hành, ông Nguyễn Trường Lưu nói: "Tôi đề nghị tạp chí nên xin giấy phép xuất bản và phát hành rộng rãi cho người đọc có thể mua đọc. Sách không đề giá bán thường ít người đọc. Đã là sách phải có giá và phải đề giá bán".
Nhiều người tán thành ý kiến của kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, trong đó có tôi. Sách, bất kể loại sách nào, viết đề tài nào đi nữa đều là hàng hóa, loại hàng hóa đặc biệt góp phần mở rộng nhận thức và nuôi dưỡng tâm hồn. Đã là hàng hóa nên phải được bán - mua và cũng không thể không tuân theo quy luật cung cầu.
Khách đến với “Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam” năm 2023 tại TP Huế. (Ảnh: QUANG NHẬT)
Lâu nay, sách không đề giá bán thường là loại sách được đầu tư in và phát hành bởi ngân sách nhà nước và số sách này được phát hành theo địa chỉ cụ thể, thường là theo hệ thống thư viện và theo địa chỉ đặt hàng. Số sách này hằng năm tiêu tốn số tiền khá lớn của ngân sách, tuy nhiên về hiệu quả mà sách đem lại vẫn chưa được ghi nhận một cách thuyết phục. Không ít địa chỉ nơi những quyển sách được tặng - nhiều tháng, thậm chí nhiều năm sách vẫn chưa được gỡ lớp giấy kính bao bọc.
Theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam phụ trách phía Nam, bình quân đầu người đọc sách của Việt Nam là 6 quyển/năm, tuy có cao hơn những năm trước nhưng số này thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Còn theo ông Nguyễn Đình Nhã, nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản Việt Nam, con số bình quân 6 quyển sách/người, phần nhiều là sách giáo khoa và tập trung ở thành thị.
Nên chăng, dù là loại sách gì và đã là sách thì nên đề giá bán và được phát hành rộng rãi. Đọc sách là hành vi và nhu cầu văn hóa, mà văn hóa được hình thành và nuôi dưỡng bằng nếp nhà, bằng truyền thống, bằng nhận thức, bằng hành động liên tục và bền bỉ, từ đời cha ông đến đời cháu con, từ thế hệ này sang thế hệ khác.