Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh tại Báo Người Lao Động: Hình tượng Bác Hồ là nguồn cảm hứng sáng tạo bao la

Tất cả đều xuất phát từ lòng kính yêu đối với Bác và đặt mình trong cách học tập tấm gương của Người, để mỗi khán giả đến xem được thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác

Chiều 18-10, tại Không gian Văn hóa

Giao lưu với NSƯT Thanh Điền và soạn giả Hoàng Song Việt - hai nghệ sĩ đã thể hiện thành công hình tượng Bác Hồ qua vai diễn và sáng tác, tại Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh của Báo Người Lao Động (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)

Ông chia sẻ tiêu chí lao động sáng tạo của bản thân, đó là vận dụng các đặc trưng của thể loại cải lương để thể hiện hình tượng Bác, làm sao để trong từng câu ca, lời thoại được thể hiện thật gần gũi về một con người vừa vĩ đại, phi thường, vừa khiêm nhường, giản dị. "Năm 1995, khi Đoàn Cải lương Sài Gòn 1 tham dự Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, tôi đã được trao giải đặc biệt với vai diễn Bác Hồ. Giải thưởng đó đã là nguồn động viên rất lớn đối với sự nghiệp lao động nghệ thuật của tôi" - NSƯT Thanh Điền nhớ lại trong niềm hãnh diện.

Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh tại Báo Người Lao Động: Hình tượng Bác Hồ là nguồn cảm hứng sáng tạo bao la - Ảnh 3.

NSƯT Thanh Điền vào vai Bác Hồ trong vở “Đêm trắng”

Sau này khi diễn vai Bác trong vở kịch "Dấu xưa", dù đã có kinh nghiệm, nhưng ông vẫn dồn toàn bộ tâm lực để tiếp cận thêm nhiều nguồn tư liệu, học cách chỉ tay, nhả chữ, thói quen dùng những câu ngắn với tốc độ nói nhanh, rành mạch của Bác. "Tôi đã học cách Bác hay sải những bước dài, nhanh khi di chuyển để áp dụng cho vai diễn của mình. Sau mỗi lần biểu diễn, tôi đều được khán giả cổ vũ, dành cho tôi nhiều tình cảm" - ông xúc động kể.

Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh tại Báo Người Lao Động: Hình tượng Bác Hồ là nguồn cảm hứng sáng tạo bao la - Ảnh 4.

NSƯT Thanh Điền vào vai Bác Hồ trong vở "Dấu xưa”

Một điều ông tâm đắc là khi diễn vai Bác trong vở "Đêm trắng", ông được NSƯT - họa sĩ Trịnh Xuân Chính hóa trang, phải mất từ 3 đến 4 giờ để hóa trang gương mặt Bác. Nhưng đến vở "Dấu xưa" thì tự ông đã có thể hóa trang cho chính mình. "Hồi năm 1995 trước giờ diễn tôi phải ở hẳn trong phòng kín, chờ đến lớp diễn mới bước ra sân khấu, nhưng năm 2017, khi diễn "Dấu xưa", tôi đã tự tin hơn, hòa nhập vào vai Bác một cách chân thật như chính tôi được Bác truyền cho năng lượng tích cực" - ông tự hào nhớ lại cảm giác hóa thân của đời nghệ sĩ.

Cảm xúc từ một bài ca cổ

Với soạn giả Hoàng Song Việt, ông cho rằng giai đoạn từ năm 1982 đến 1990, khi ông còn công tác tại Đoàn Cải lương Tuổi Trẻ Thương Nghiệp, ông vinh dự được ra Hà Nội viếng Lăng Bác, sau đó về đoàn, ông viết bài ca cổ "Những bàn chân không nghỉ" nói lên niềm tự hào thiêng liêng của hàng triệu con tim hướng về di chúc của Bác, từ trong gian khó biến thành sức mạnh để xây dựng đất nước.

Nhiều mô hình xây dựng về Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

"Ban đầu tôi lo lắng lắm, bởi mình còn trẻ, có thể lời ca chưa hay sẽ không xứng tầm khi sáng tác hình tượng Bác. Nhưng vị lãnh đạo của Bộ Công nghiệp thời đó đã khen ngợi, động viên. Từ cảm xúc của bài ca cổ đầu tiên viết về Bác, tôi đã tự tin hơn, hằng năm tiếp tục đều đặn sáng tác những bài ca cổ, ca cảnh cải lương và kịch bản cải lương về hình tượng Bác Hồ trên sân khấu" - soạn giả Hoàng Song Việt chia sẻ trong niềm tự hào.

Ông cho rằng là tác giả thì không bị áp lực nhiều như diễn viên vì có thời gian tra cứu, tìm đọc tư liệu về Bác. Nhưng để sáng tác hay cần cảm xúc chân thật nhất, mà với Bác thì càng giản dị, càng lan tỏa được tinh thần của một vị lãnh tụ cả đời vì nước, vì dân.

Khi được Nhà hát Cải lương Việt Nam mời tham gia ê-kíp sáng tác vở "Nước non vạn dặm", ông đọc 3 kịch bản của PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, để từ đó chuyển thể cải lương một cách tự tin, chân thật nhất, tất cả đều xuất phát từ lòng kính yêu đối với Bác, và đặt mình trong cách học tập tấm gương của Người, để mỗi khán giả đến xem, được thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác, chung sức bồi đắp thêm niềm tự hào, lòng yêu nước và tinh thần dân tộc.

"Năm 2024, Nhà hát Cải lương Việt Nam sẽ hoàn thành 2 vở "Lênh đênh bốn biển" và "Người về", tôi tiếp tục đặt mình trong áp lực làm sao để viết hay hơn, chuyển thể cải lương thật mượt, nhất là ở tập 2 sẽ chọn các diễn viên là người nước ngoài, có thể ca bài bản cải lương, bởi đây là tập Bác bôn ba tìm đường cứu nước" - soạn giả Hoàng Song Việt bộc bạch.

Trao "Mai Vàng tri ân" cho hai nghệ sĩ Thanh Điền, Hoàng Song Việt

Chiều cùng ngày, sau khi tham dự lễ kết nạp đảng viên của Chi bộ Phóng viên, chương trình "Mai Vàng tri ân" do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á đã trao 2 phần quà trị giá 15 triệu đồng/người cho NSƯT Thanh Điền và soạn giả Hoàng Song Việt. Cả hai nghệ sĩ bày tỏ nhiều cảm xúc khi lần đầu tiên được tham gia lễ kết nạp đảng viên mới được tổ chức trang trọng, đầy ý nghĩa trong Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh của Báo Người Lao Động.

8-mai-vang-tri-an

Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động (thứ hai từ phải sang), trao quà của chương trình “Mai Vàng tri ân” cho NSƯT Thanh Điền và soạn giả Hoàng Song Việt (bìa phải) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động - đã chúc hai nghệ sĩ luôn là tấm gương sáng cho thế hệ nghệ sĩ trẻ, tác giả trẻ noi theo, thực hiện thành công nhiều dự án nghệ thuật để cống hiến cho cuộc đời nhiều thành tựu vẻ vang, mà trong đó hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn sáng tạo không bao giờ cạn của văn nghệ sĩ, trong đó có hai nghệ sĩ Thanh Điền và Hoàng Song Việt.