"
Nhạc sĩ Hoài An đánh liều làm nhạc phổ thơ
"
Nhạc sĩ Hoài An đánh liều làm nhạc phổ thơ
Tập sách còn là cuộc hội ngộ của các nhạc sĩ thuộc các thế hệ khác nhau từ thời tiền chiến đến hậu chiến, rồi đến các thế hệ nhạc sĩ của thế kỷ mới bây giờ. Không chỉ các nhạc sĩ trong Nam như Phan Huỳnh Điểu, Thế Bảo, Hoài An, Võ Hoài Phúc, Quỳnh Hợp... mà còn có nhiều nhạc sĩ ở ngoài Bắc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh như Trọng Đài, Trọng Lưu, Nguyễn Cường, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Vĩnh Tiến (tác giả "Bà tôi" nổi tiếng) và nhạc sĩ Lê Anh (Huế).
Tác giả tập sách “Khúc ru trầm, 77 ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh” (thứ hai từ phải qua) nhận bảng xác lập kỷ lục Việt Nam
Đặc biệt, nhiều nhạc sĩ ở Quảng Nam, Đà Nẵng đã dâng sóng nhạc cùng nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh như: Nguyễn Huy Hùng, Huỳnh Ngọc Hải, Diệp Chí Huy, Trịnh Tuấn Khanh, Nguyễn Đình Thậm, Nguyễn Duy Khoái, Nguyễn Xuân Minh, Thái Nghĩa, Trần Ái Nghĩa, Nam An, Hoàng Bích... Con số 77 ca khúc được phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đã đạt kỷ lục về số lượng. Đó cũng là một câu hỏi làm cho ta phải đi tìm câu trả lời về một hiện tượng khá đặc biệt trong lịch sử tân nhạc Việt Nam.
Vì sao thơ Nguyễn Ngọc Hạnh lại được nhiều nhạc sĩ quan tâm phổ nhạc? Trước hết khi làm thơ, tác giả luôn có ý thức tạo dựng một cấu trúc ngôn ngữ thơ theo hướng quan tâm đến nhịp điệu, gieo vần. Đọc bài nào của ông, ta cũng thấy âm hưởng ngân vang của một giọng thơ nặng tâm tưởng nhưng thấm đẫm chất trữ tình. Đằng sau những xúc cảm mênh mang sâu lắng là những nghiệm sinh về thế sự, cuốn hút độc giả bởi những rung cảm gần gũi, chân thành.
Vẫn là những hình ảnh rất bình dị với đời người như làng quê gắn bó thiết thân với bến sông, con đò, cha mẹ, người tình, tuổi thơ... nhưng tất cả đã trở thành những thi ảnh giàu tính ẩn dụ. Chính giọng điệu sâu lắng, giàu sức lan tỏa, ca từ đẹp của bài thơ trong mối giao hòa với âm nhạc đã làm cho ca khúc cất cánh, thăng hoa.
Một lần trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Thụy Kha về thơ phổ nhạc, tôi nghe ông nhận xét: "Nguyễn Ngọc Hạnh đã cách tân thơ của mình bằng cách tăng chất nhạc cho thơ khiến mỗi bài thơ được chắp cánh bằng âm nhạc. Thi ảnh trong thơ Hạnh gần gũi, mang đậm hồn quê nơi đầu nguồn con sông Vu Gia bốn mùa chở nặng ân tình của con người xứ Quảng, cho nên dễ bắt gặp sự đồng cảm giữa thơ và nhạc".
Nhạc sĩ Võ Hoài Phúc, người đã phổ thành công 2 ca khúc "Trăng tan" và "Ngõ hẹp" của Nguyễn Ngọc Hạnh, nói: "Thơ Nguyễn Ngọc Hạnh rất lạ, mặc dù rất bay bổng, mơ mộng, lãng mạn nhưng lại mang trong mình sự hoàn thiện đến từng chi tiết".
Trong số sáng tác phổ thơ được đưa vào tập "Khúc ru trầm", có hơn nửa số ca khúc đã được phổ biến rộng rãi trên các trang mạng xã hội, nhiều tác phẩm được giới thiệu trên sóng VTV và hàng loạt chương trình, phóng sự văn nghệ trên các đài truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam...
Mỗi ca khúc phổ thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh được các nhạc sĩ thổi hồn theo một phong cách riêng, có ballad đắm say, tango nhịp nhàng, moderato trữ tình, boléro da diết; ở mỗi bài, câu coda đều để lại những ngân rung thiết tha trong tâm hồn người nghe. Tình mẹ, tình quê hòa trong tình yêu lứa đôi đã khiến cho những ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh cuốn hút khán giả nhất là đối với những người con tha hương.
Quả đúng như lời nhận định của nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: "Tuyển tập ca khúc này là một đánh giá đích thực về phẩm chất thơ Nguyễn Ngọc Hạnh mà có thể trước đó nhiều bài viết về thơ anh vẫn chưa nói hết. Nó khẳng định một chặng đường thơ mà Hạnh đã khiêm nhường dâng hiến cho đời".