Làng quê Hà Nội mùa hoa gạo như tranh vẽ

Hoa gạo ở chùa Thầy, Quốc Oai và xã An Đức, Mỹ Đức bung nở đỏ rực cuối tháng 3, tạo nên bức tranh đồng quê đầy màu sắc, khiến nhiều du khách ngỡ ngàng.

Cuối tháng ba, nhiếp ảnh gia Vũ Ngọc Thiện đến các vùng ngoại ô Hà Nội thực hiện dự án "săn hoa gạo nở".

Điểm đầu tiên anh lựa chọn là cây gạo đang ra hoa rực rỡ trước sân chùa Thầy (ảnh), nơi được công nhận là "điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt" vào năm 2023.

Chùa Thầy tên chữ là Thiên Phúc Tự, thuộc địa phận xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Chùa Thầy là di tích có từ thời Lý, đến nay đã trên nghìn năm tuổi, gắn liền với cuộc đời tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, theo Sở Du lịch Hà Nội.

Không chỉ là danh lam thắng cảnh nổi tiếng của miền Bắc, chùa Thầy còn là di tích kiến trúc nghệ thuật với lối chạm khắc và hệ thống tượng pháp tiêu biểu.

Lễ hội chùa Thầy diễn ra vào 5-7/3 âm lịch hàng năm (năm nay diễn ra từ 1 đến 5/4 dương lịch) được đánh giá là một trong những hội đông vui ở miền Bắc. Lễ hội thường có hoạt động múa rối nước nhằm tưởng nhớ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, người có công lớn trong việc khởi dựng chùa và là thủy tổ của nghệ thuật múa rối nước.

Một điểm đến khác ở ngoại thành Hà Nội cũng đang có hoa gạo nở rộ là xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức.

Nằm bên bờ sông Đáy, cách trung tâm Hà Nội 45 km, xã An Mỹ được anh Thiện đánh giá là "một trong những nơi chụp ảnh check in hoa gạo đẹp nhất Hà Nội". Hai bên đường làng trồng nhiều cây gạo, hoa nở đồng loạt vào cuối tháng ba.

Anh Thiện đến xã An Mỹ vào buổi sáng, khi đường làng vẫn còn vắng bóng người.

Bức tranh đồng quê với màu đỏ hoa gạo, xanh của đồng lúa, lam của núi đồi phía xa, khiến nhiếp ảnh gia "ngỡ ngàng vì khung cảnh đồng quê quá đẹp".

Mặt Trời lên cao, người dân và du khách bắt đầu đến chụp ảnh dưới hàng hoa.

Thời tiết cuối xuân nên mát mẻ, không quá nóng bức, du khách chủ yếu đều mặc áo dài hoặc váy trắng, nhằm nổi bật trên nền đỏ của hoa. Hoa gạo cũng là loài hoa đặc trưng cho tháng 3, 4 ở miền Bắc.

Người dân địa phương cho biết từ khi hoa gạo nở rực, du khách đổ về con đường xã ngày càng đông. Nhiều người còn thuê thợ trang điểm, thợ chụp để có những bức ảnh ưng ý.

Anh Thiện cho biết khách đến ngắm hoa trong tuần chủ yếu là nữ. Ngày cuối tuần lượng khách đông và đa dạng hơn.

Huyện Mỹ Đức nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 50 km, theo quốc lộ 21B, giáp hai tỉnh Hòa Bình và Hà Nam, có hai con sông chảy qua là sông Đáy và Mỹ Hà.

Ngoài thắng cảnh chùa Hương, huyện còn nổi tiếng với hồ Quan Sơn, nơi được ví như "Hạ Long trên cạn của Hà Nội".

Hoa gạo còn gọi là mộc miên, có 5 cánh lớn màu đỏ tươi, phía cuống pha vàng, gắn liền với hình ảnh đồng quê, con sông, cổng làng.

Cây gạo thường trút lá vào cuối đông và nở hoa vào mùa xuân khi trời ấm dần. Khi hoa gạo nở bung cũng là lúc báo hiệu mùa hè sắp đến, cái lạnh của miền Bắc dần tan.

Ngoài hai địa điểm kể trên, hàng năm du khách cũng thường tìm đến các khu vực khác tại Hà Nội để chụp ảnh với hoa gạo như chùa Hương, cách xã An Mỹ khoảng 10 km. Hoa gạo nở dọc suối Yến và tại sân chùa Thiên Trù, thuộc quần thể thắng cảnh chùa Hương.

Phương Anh
Ảnh: Vũ Ngọc Thiện