Làng Việt cổ ở Ninh Bình hoang tàn

Điểm du lịch Cố Viên Lầu thuộc vùng đệm Di sản Tràng An từng là nơi thu hút rất đông du khách và các đoàn làm phim nhưng hiện hư hỏng, xuống cấp nặng.

Cố Viên Lầu, còn gọi là làng Việt cổ, nằm trong vùng đệm của quần thể danh thắng Tràng An, cạnh bến thuyền Tam Cốc - Bích Động. Công trình được xây dựng từ những năm 1990 tại xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư trên thửa đất hơn 22.000 m2.

Khu đất xây làng Việt Cổ nằm cạnh thung lũng núi, xưa kia vốn là ngôi làng cổ Vụng Chùa có từ hơn 1.000 năm trước dưới thời nhà Đinh - Tiền Lê, nhưng do thời gian, chiến tranh làng bị mai một.

Hơn 30 năm trước, một doanh nghiệp đã cho phục dựng làng cổ với mong muốn thu hút du khách tham quan, có thêm trải nghiệm khi đến Ninh Bình.

Sau nhiều năm kiến thiết, Cố Viên Lầu hoàn thiện quy tụ hơn 20 ngôi nhà cổ, được chủ nhân sưu tầm từ nhiều nơi ở Ninh Bình và một số tỉnh thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Cố Viên Lầu mang dáng dấp làng cổ thuần Việt với cây đa, bến nước, sân đình, nghinh phong các, nhà quan lại địa chủ và nhà dân. Những ngôi nhà ở đây mang đậm nét kiến trúc Việt cổ thế kỷ XVIII-XX.

Nằm ở vị trí trung tâm của làng Việt cổ là ngôi đình 7 gian với mái cong truyền thống. Theo chủ nhân của Cố Viên Lầu, đình này có tuổi đời hơn 150 năm được sưu tầm ở huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

Khi mới xây dựng, làng Việt cổ là điểm tham quan nổi tiếng, mỗi năm thu hút hàng chục nghìn lượt du khách. Nhiều đoàn làm phim cũng về đây chọn bối cảnh để quay như Long thành cầm giả ca, Đường đến thành Thăng Long, Vợ ba.

Cổng làng Việt cổ hoang phế, cỏ dại mọc um tùm.

Theo chính quyền địa phương, trước đây doanh nghiệp sở hữu Cố Viên Lầu đã đem tài sản thế chấp ngân hàng vay vốn và hiện không có khả năng trả nợ nên bị ngân hàng phát mại từ năm 2018. Từ đó tới nay, điểm tham quan dừng hoạt động để giải quyết tranh chấp và không được gìn giữ, bảo tồn nên làng Việt cổ trở nên hoang tàn, đổ nát.

Những chiếc thuyền độc mộc và hàng nghìn hiện vật cổ khác không được bảo tồn, xếp hỗn độn trong các gian nhà cũ ở khu vực tả môn, hữu môn trước đình làng.

Hầu hết các ngôi nhà ở Cố Viên Lầu đã bị hư hỏng, nhiều căn tốc ngói, hệ thống cột kèo rệu rã, mối mọt khiến đổ sập.

Một số căn khác được tận dụng làm nhà kho song không được che đậy, bảo quản tạo nên khung cảnh nhếch nhác, hoang tàn.

Công trình hiện bị phân chia thành nhiều phần do vướng tranh chấp pháp lý. Từ lối cổng chính Cố Viên Lầu đi vào hiện được ngăn cách bởi hàng rào tôn cao khoảng 2 m, không mở cửa đón khách tham quan.

Khuôn viên Cố Viên Lầu biến thành bãi chứa vật liệu xây dựng, bãi xe, điểm kinh doanh tự phát, không tuân theo quy hoạch.

Nhìn từ trên cao, làng Việt cổ - Cố Viên Lầu như "một ngôi làng chết", một du khách nói.

Hiện chỉ còn một phần nhỏ khuôn viên Cố Viên Lầu, sát thung lũng núi, mở cửa phục vụ du khách song không mấy người đến thưởng ngoạn do không còn vẻ đẹp vốn có.

Nằm ngay bên bến thuyền của khu du lịch Tam Cốc, nơi rất đông du khách đến tham quan mỗi ngày nhưng Cố Viên Lầu đã bị lãng quên nhiều năm trong cảnh hoang phế.

Lê Hoàng

Lê Hoàng

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net