Lâu đài Himeji là điểm đến quen thuộc của nhiều du khách trong và ngoài nước ở Nhật Bản. Ảnh: @Virparejas. |
Tại cuộc họp báo ngày 16/6, ông Himeji Hideyasu Kiyomoto, thị trưởng thành phố Himeji, cho biết người nước ngoài có thể sớm phải phải trả 30 USD phí tham quan Lâu đài Himeji, trong khi người dân địa phương chỉ phải trả 5 USD, số tiền này được dùng để bao trì lâu đài. Hiện tại, giá vé vào cửa Lâu đài Himeji - Di sản Thế giới được UNESCO công nhận ở tỉnh Hyōgo - là 1.000 yen (khoảng 7 USD).
Đây là động thái mới nhất của thị trưởng thành phố nhằm chống lại làn sóng du lịch tăng cao và việc đồng yen yếu khiến đất nước này trở nên quá hấp dẫn đối với du khách.
Thuế du lịch không phải là điều mới mẻ. Các khoản phụ phí dành cho du khách quốc tế thường được tính vào hoá đơn khách sạn hay phí thị thực. Tuy nhiên, các chính sách như vậy là điều bất thường đối với quốc gia giàu có như Nhật Bản, nơi có đồng yen đã mất đi hơn 40% giá trị so với đồng USD trong 5 năm qua, dẫn đến sự chênh lệch sức mua của người dân địa phương và du khách.
Không chỉ các quan chức nhà nước như ông Kiyomoto đề xuất áp dụng mức giá kép cho khách nước ngoài, một số chủ doanh nghiệp tư nhân cũng đã áp dụng các mức giá khác nhau cho du khách. Tháng trước, một nhà hàng buffet hải sản ở Tokyo đã thu hút sự chú ý khi quyết định tính thêm 1.000 yen đối với thực khách nước ngoài.
Vấn đề ở đây không phải là du khách có thể chi tiền hơn mà là có quá nhiều du khách. Tờ Washington Post đưa tin rằng Nhật Bản đang gặp khó khăn trong bối cảnh bùng nổ du lịch sau đại dịch Covid-19. Trong đó, gần 25 triệu người chưa từng đến Nhật đã ghé thăm đất nước này vào 2023, khiến cuộc sống của người dân địa phương trở nên căng thẳng.
Dan McCole, phó giáo sư Du lịch và Phát triển bền vững tại Đại học bang Michigan, phân tích: "Nhiều người cho rằng sự 'công bằng' khi du lịch Nhật Bản trong lúc đồng yen đang yếu đó là du khách Mỹ phải trả nhiều tiền hơn người bản xứ", (vì đồng yen giảm giá mạnh so với USD). "Thay vì vậy, theo tôi, chúng ta nên giảm giá cho người bản xứ và giữ nguyên giá cho khách ngoại", ông nói.
Theo tờ báo địa phương Yomiuri Shimbun đưa tin, khách quốc tế chiếm 30% trong tổng số 1,48 triệu du khách đến thăm Lâu đài Himeji năm 2023, đây là con số cao nhất từ trước đến nay.
McCole giải thích: "Khi lượng khách đến thăm một địa điểm văn hóa hoặc tự nhiên tăng lên thì nhu cầu quản lý và phục hồi cũng tăng theo. Sau đó, những địa điểm này thường tăng phí để giảm lượng khách đến hoặc chi nhiều tiền hơn cho các khoản đầu tư để tăng công suất đón khách".
Nhiều địa điểm du lịch ở Nhật đối diện với tình trạng quá tải du lịch. Ảnh: Yan Yongqi, Szymon Shields/Unsplash. |
"Việc áp dụng mức phí vào cửa cao hơn đối với khách du lịch quốc tế cũng có thể được xem xét từ góc độ bền vững xã hội. Lâu đài có giá trị văn hóa đối với người dân địa phương, họ nên được phép vào lâu đài", Linda Osti, giảng viên cao cấp về Quản lý Du lịch tại Đại học Bangor, cho biết.
"Thứ hai, xem xét từ góc độ kinh tế, các di tích văn hóa được chính quyền địa phương bảo trì bằng cách sử dụng thuế của người dân địa phương. Do đó, người dân địa phương xem như đã trả tiền để bảo trì tòa nhà hoặc di tích văn hóa. Họ không nên bị tính phí hai lần", Linda Osti nói.
Văn phòng Hội nghị và Khách du lịch thành phố Himeji đã không trả lời bình luận theo yêu cầu.
Giá trị của đồng yen so với đồng USD đã giảm trong thập kỷ qua và đặc biệt giảm mạnh trong đại dịch Covid-19. Những người bán hàng và chủ nhà hàng như Shogo Yonemitsu - người vừa mở nhà hàng có tên Tamatebako ở Tokyo vào tháng 4, đang tính phí người nước ngoài cao hơn.
Yonemitsu giải thích với phương tiện truyền thông địa phương rằng thực khách trong nước phải trả 5.980 yen cho một suất buffet hải sản trong khi khách nước ngoài phải trả 6.980 yen, chênh lệch khoảng 7 USD. "Xét đến chi phí phục vụ du khách nước ngoài đến Nhật Bản, chúng tôi không còn sư lựa chọn nào khác ngoài việc tăng giá", Yonemitsu nói với Nikkei Asia.
Trong khi đồng yen yếu có thể liên quan đến các mô hình định giá theo cấp bậc này, Rhys ap Gwilym, giảng viên cao cấp về kinh tế tại Đại học Bangor và là đồng tác giả của một bài báo về thuế du lịch với Osti, cho rằng hồ sơ kinh tế và xã hội của du khách có lẽ cũng đóng một vai trò nào đó.
"Du khách quốc tế có thể đã chi rất nhiều tiền cho việc đi du lịch và sẽ giàu hơn so với mức trung bình của người dân địa phương. Thứ hai, họ có thể đang thực hiện một chuyến đi để đời và họ sẽ ít nhạy cảm về giá hơn người dân địa phương", Gwilym giải thích. "Đó là hai lý do chính đáng khiến các công ty nhìn vào khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế và nghĩ rằng: 'Ồ, đây là cơ hội để chúng ta tính giá cao hơn và họ có thể sẽ ít nhạy cảm hơn về giá'".
Các thành phố như Paris và Amsterdam gần đây cũng đã tăng thuế du lịch. Năm nay, Venice đã áp dụng mức phí tham quan hàng ngày cho cả người nước ngoài và người Italy không ở Venice với mục tiêu giảm tải tình trạng quá tải du lịch.
"Trước đây, khi thiết lập thuế du lịch, người ta đã cân nhắc đến mức phí du khách có thể bị tính mà không làm mất khách. Giờ đây nhiều nơi không chỉ chấp nhận mất khách mà còn thu phí du khách để ít người đến hơn", McCole nói. "Đây là phần mới. Cư dân ở một số điểm đến đang thách thức triết lý 'càng nhiều càng tốt' và 'thuế' dưới mọi hình thức để giảm lượng khách du lịch".
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch