Tết năm nay, Johnny Mui cuối cùng cũng có thể mỉm cười. Sau hai năm ngồi nhìn chằm chằm vào những chiếc bàn trống vì dịch bệnh, chủ nhà hàng Hop Lee ở New York, Mỹ cho biết công việc kinh doanh dần phục hồi.
Những ngày sát Tết, Mui bận rộn đặt hàng với các nhà cung cấp để đảm bảo có đủ nguyên liệu cho một trong những món ăn phổ biến nhất dịp này: Tôm hùm xào gừng hành với mỳ Yi Mein, hay mỳ trường thọ. "Mỗi dịp Tết, hầu như bàn nào cũng gọi mỳ trường thọ. Chúng ngon, nhìn đẹp mắt và tượng trưng cho sự may mắn".
Mỳ trường thọ tượng trưng cho cuộc sống dài lâu, giống tên gọi. Theo truyền thống, đầu bếp không được cắt ngắn sợi mỳ. Thay vào đó, họ sẽ để những sợi mỳ dài vào trong bát để thực khách thưởng thức. Sợi mỳ dài tượng trưng cho tuổi thọ. Người ăn bát mỳ này dịp năm mới sẽ sống lâu, theo quan điểm của người Trung Quốc.
Công thức nấu mỳ trường thọ tôm hùm của quán Hop Lee được truyền lại qua nhiều thập kỷ. Mỳ được tẩm ướp gia vị và nấm đông cô. Tôm hùm xào chín với đậu đen muối lên men, trứng, thịt băm, gừng và hành lá. "Sau đó, chúng tôi đặt những con tôm lên đĩa mỳ, nước sốt chảy xuống, thấm vào từng sợi mỳ. Rất ngon. Con trai tôi thích món này", Mui nói.
Xi'an Famous Foods, một nhà hàng nhỏ cũng ở New York, trong vòng chưa đầy 20 năm đã phát triển thành một chuỗi cửa hàng chuyên đồ tây bắc Trung Quốc. CEO Jason Wang cho biết theo ý kiến cá nhân, có nhiều loại mỳ có thể nấu món ăn này, không cần cố định một loại. Chỉ cần đó là loại được làm bằng bột mỳ và nước, tạo thành những sợi mỳ dài và dẹt. Vì biểu tượng của mỳ trường thọ chính là các sợi mỳ dài.
Nhà máy mỳ Aberdeen Yau Kee của Hong Kong, thành lập vào những năm 1950, đã đẩy nhanh tốc độ sản xuất mỳ trước thềm năm mới. Dịp Tết, nhà máy cho biết nhu cầu mua mỳ tăng 20-30%. "Chúng tôi bận nhất dịp trước Tết, vì các bữa tiệc và tụ tập gia đình diễn ra trong thời gian này. Mọi người đều có nhu cầu ăn mỳ trường thọ".
Câu hỏi được nhiều người đặt ra là vì sao người Trung Quốc khắp thế giới đều ăn mỳ trường thọ dịp năm mới? CNN nghiên cứu từ nhiều trang web Trung Quốc, vào thời nhà Hán, Hoàng đế nói rằng những người có gương mặt dài sẽ sống lâu. Vì không thể thay đổi chiều dài gương mặt, nhà vua quyết định ăn mỳ dài (từ mỳ phát âm giống mặt trong tiếng Trung). Phong tục đó lan rộng ra ngoài hoàng cung, và được dân chúng học theo.
Zhao Rongguan, một học giả hàng đầu ở Trung Quốc chuyên về lịch sử và ẩm thực, câu chuyện lưu truyền phía trên là "nực cười". Còn Chen Yuanpeng, giáo sư đại học tại Đài Loan cho biết từng tham vấn nhiều giáo sư, nhà khảo cổ học chuyên về ẩm thực. Và không ai biết phong tục ăn mỳ trường thọ vào năm mới bắt đầu từ đâu.
Dù vậy, đây vẫn là món ăn được người Trung Quốc trên khắp thế giới và người dân ở Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia yêu thích, thường ăn dịp đặc biệt. Tuy vậy, tùy từng nơi, mỳ có các phiên bản khác nhau. Mỳ trường thọ của người Hàn Quốc là janchi - guku, được ăn trong dịp sinh nhật và đám cưới. Cộng đồng người Hoa ở Singapore và Malaysia thường sử dụng misua (một loại mỳ sợi mỏng, màu trắng như bún) để ăn dịp năm mới. Còn với người Nhật, đó là mỳ soba.