Mua vé tham quan để giữ gìn di sản

Nhiều chuyên gia, nhà quản lý ủng hộ Hội An bán vé đối với người vào khu phố cổ Hội An tham quan nhưng đề nghị cần có cách làm phù hợp

Cục Di sản văn hóa vừa có văn bản gửi UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam và Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, đề nghị cung cấp thông tin liên quan việc thu phí tham quan tại di sản văn hóa thế giới - khu phố cổ Hội An.

Chỉ 10% du khách nội địa mua vé

Hai ngày qua, câu chuyện UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) lên kế hoạch siết lại hoạt động bán vé cho du khách vào tham quan khu phố cổ Hội An gây ra nhiều tranh luận.

Liên quan vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 5-4, ông Nguyễn Sơn Thủy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, mong muốn có sự hiểu đúng về việc mua vé tham quan di sản mà địa phương đang làm.

Theo ông Thủy, nếu so sánh về quy mô quần thể di sản với các di sản khác trong nước và nước láng giềng thì vé tham quan Hội An là thấp nhất. Có thể so sánh với các điểm di sản thế giới trong nước như Đại nội Huế (200.000 đồng/vé), vịnh Hạ Long (290.000 đồng/vé), quần thể danh thắng Tràng An (250.000 đồng/vé); Angkor Wat - Campuchia (tương đương 900.000 đồng/vé), đền Taj Hamal - Ấn Độ (300.000 đồng/vé). Như vậy, mức vé 120.000 đồng/khách nước ngoài và 80.000 đồng/khách nội địa trong thời điểm phục hồi du lịch như hiện nay là một cố gắng lớn của các nhà quản lý điểm đến du lịch như Hội An. 

"Phải nhận thức rằng di sản Hội An đã trở thành di sản của thế giới, là tài sản chung của nhân loại. Vì vậy, khách du lịch mua vé tham quan Hội An là đóng góp một phần vào trùng tu, bảo tồn, giữ gìn di sản thế giới" - ông Thủy nêu quan điểm.

Mua vé tham quan để giữ gìn di sản - Ảnh 1.

Nhiều thời điểm khách đến khu phố cổ Hội An chật kín tạo sự xô bồ, làm mất đi vẻ đẹp của di sản

Theo ông Thủy, chính quyền địa phương cần thông tin minh bạch và có trách nhiệm giải trình với công luận rõ ràng bằng các con số bán vé hằng năm, tiền phục vụ trùng tu và bảo tồn, tiền phục vụ vận hành và quản lý di sản, tiền tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch… Nếu chính quyền minh bạch việc này, công bố rộng rãi cho công luận thì chắc chắn du khách sẽ ủng hộ mạnh mẽ hơn. Thậm chí, họ sẽ sẵn sàng đóng góp vào quỹ bảo tồn di sản nếu nhà quản lý mở tài khoản riêng để gây quỹ.

Liên quan việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ bán vé tham quan, UBND TP Hội An thông tin chi tiết: Năm 2019 đạt 295 tỉ đồng, năm 2020 đạt 44,3 tỉ đồng, năm 2021 đạt 1,45 tỉ đồng, năm 2022 đạt 32,1 tỉ đồng. 90% nguồn thu từ bán vé đến từ du khách nước ngoài, còn lại là du khách trong nước. Tỉ lệ khách mua vé tham quan so với lượng khách vào phố cổ chỉ đạt khoảng 40%. "UBND TP Hội An được trích lại 30% số phí thu được đối với phí tham quan các công trình văn hóa thuộc đô thị cổ Hội An. Số phí còn lại nộp vào ngân sách nhà nước theo mục lục ngân sách và phân cấp hiện hành - theo Nghị quyết 33 của HĐND tỉnh Quảng Nam. Việc quản lý, sử dụng thực hiện đúng quy định" - ông Thủy nhấn mạnh.

Không phải ai cũng trả tiền

Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, khẳng định không phải ai đến tham quan khu phố cổ Hội An cũng phải mua vé. Tại Nghị quyết 33 của HĐND tỉnh Quảng Nam có quy định rõ các trường hợp được miễn mua vé, gồm: trẻ em; người thuộc hộ nghèo; nhà báo, nhà nghiên cứu và hội viên Hội Di sản Việt Nam; người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định của nhà nước. Đối tượng được giảm 50% mức phí gồm: người dân ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn; người có công với cách mạng; người khuyết tật nặng; người cao tuổi; các đối tượng được chăm sóc tại cơ sở bảo trợ xã hội; học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú; người được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa quy định tại Quyết định số 170/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, cho rằng nghị quyết quy định như vậy nhưng quá trình làm thì Hội An sẽ thực hiện một cách mềm dẻo, linh hoạt. "Lâu nay cách quản lý của Hội An chủ yếu tập trung bán vé cho các đoàn có hướng dẫn viên và du khách nước ngoài, còn người Việt Nam ai mua thì mua, không thì thôi. Lần này thành phố muốn tăng cường kiểm soát, vừa bảo đảm quyền lợi cho khách mua vé vừa bảo đảm giữ gìn cảnh quan môi trường trong khu phố cổ" - ông Sơn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Sơn, quá trình tổ chức lại việc bán vé tham quan, chính quyền thành phố nhận được nhiều sự đồng tình từ chuyên gia, người dân, doanh nghiệp du lịch lớn. Các chuyên gia cảnh báo nếu cứ tiếp tục miễn phí, không tổ chức bài bản mà cứ để Hội An bị xem như một điểm đến rẻ tiền thì đến một lúc nào đó du khách thế giới sẽ quay lưng lại với Hội An. Lúc đó, người dân, những chủ nhân di sản sẽ là người thiệt thòi trước tiên.

Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, khẳng định quan điểm của sở là ủng hộ việc bán vé đối với du khách đến tham quan khu phố cổ Hội An nhằm tạo nguồn kinh phí để trùng tu, tôn tạo phố cổ và các hoạt động liên quan. "Tuy nhiên, việc bán vé phải bảo đảm theo đúng quy định, tổ chức khoa học để tránh gây phiền hà cho người dân sinh sống, kinh doanh và những người thực hiện nhiệm vụ tại di sản này. Hội An cần đẩy mạnh truyền thông, công khai, minh bạch về phương án để cộng đồng nhân dân, du khách và doanh nghiệp nắm rõ, đồng thuận và ủng hộ" - ông Hồng góp ý. 

Chuyên gia du lịch NGUYỄN ĐỨC CHÍ:

Không thể miễn phí hết được!

Nhiều hướng dẫn viên dẫn các đoàn khách đi tour Hội An lâu nay, nhất là hướng dẫn viên dẫn khách quốc tế, đều đã mua vé đoàn vào phố cổ từ năm 2012. Nếu muốn áp dụng đại trà với tất cả du khách đến phố cổ, có thể thu tượng trưng trong khoảng 20.000 - 40.000 đồng, áp dụng chung với mọi khách trong và ngoài nước. Đồng thời, tăng các dịch vụ giá trị gia tăng tại chỗ trong khu phố cổ để có thêm nguồn thu.

Xem cảnh Hội An bị ngập lụt hằng năm sẽ thấy điểm đến này cần nhiều tiền để trùng tu, không thể miễn phí hết được, kinh phí nhà nước cũng có hạn. Do đó, du khách bay từ các nơi tới Hội An chi phí không nhỏ, nếu giá vé vào phố cổ khoảng 20.000 - 40.000 đồng/lượt sẽ không quá mắc và khách dễ chấp nhận hơn.

Ông TRẦN THẾ DŨNG, Phó Giám đốc Công ty Thế Hệ Trẻ:

Phải tái đầu tư hiệu quả

Tôi có thời gian sống ở Canada. Ở nước này, di sản thiên nhiên Công viên Quốc gia Banff (tỉnh bang Alberta), kể cả một số vườn quốc gia cũng thu phí để lấy kinh phí bảo tồn, đầu tư cơ sở hạ tầng hoặc cải thiện chất lượng nhà vệ sinh công cộng…

Nếu chỉ lấy từ nguồn ngân sách sẽ không đủ, do vậy Hội An thu phí không hẳn là không hợp lý. Quan trọng là phải tái đầu tư hiệu quả từ nguồn phí thu được để bảo đảm chất lượng dịch vụ du lịch cho du khách.

Th.Phương ghi

Nhiều nước linh hoạt thu phí tham quan di sản

Theo World Heritage Site - website hướng dẫn tham quan các di sản thế giới của UNESCO - trên thế giới có 87 di sản được miễn phí tham quan toàn bộ hoặc một phần, nhưng chiếm phần lớn hơn vẫn là các di sản có thu phí, mức phí tùy thuộc vào tầm vóc của di sản. Ví dụ, người tham quan phải trả 120 USD để vào quần đảo Galapagos (Ecuador), 250 USD để thăm Vườn Quốc gia Komodo của Indonesia, 126 USD cho chuyến đi trong ngày ở thành phố 2.000 tuổi Petra của Jordan. Một số di sản chọn thu phí một phần, như đến Vườn Quốc gia hang Mammoth (Mỹ) được miễn phí nhưng nếu muốn chiêm ngưỡng các hang thì phải trả phí; khu di tích thế kỷ XVII - XVIII Maritime Greenwich ở Anh miễn phí khi vào công viên, bảo tàng và các tòa nhà hoàng gia nhưng thu phí nếu tham quan đài thiên văn - cột mốc cho kinh tuyến số 0 của thế giới.

Mặc dù mức thu phí khá cao nhưng tại 107 di sản trên thế giới, người dân địa phương được thụ hưởng nhiều ưu đãi. Ví dụ để vào pháo đài Agra thì công dân Ấn Độ chỉ tốn 40 INR (11.500 đồng), trong khi du khách các quốc gia SAARS (Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á ) tốn gấp đôi, khách nước ngoài khác tốn gần 550 INR (gần 160.000 đồng). Người dân Campuchia đến thăm Angkor được miễn phí nhưng khách nước ngoài tốn 37 USD. Người Ecuador đến quần đảo Galapagos chỉ tốn 6 USD, tức bằng 1/20 mức phí so với người nước ngoài.

Nepal, một trong những quốc gia nhiều di sản nhất thế giới, cũng áp dụng mức phí linh hoạt tại 22 địa điểm, hầu hết miễn phí cho người Nepal hoặc lấy mức giá tượng trưng.

Th.An