Sáng 19-6, tại Nhà sáng tác Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, trại sáng tác sân khấu năm 2023 do Hội Sân khấu TP HCM tổ chức đã khai mạc với sự tham gia của 16 tác giả.
16 tác giả đã "trình làng" 16 kịch bản, xoay quanh nhiều đề tài về cuộc sống đương đại, lịch sử, kịch dành cho thiếu nhi...
Các tác giả sân khấu tham gia trại sáng tác kịch bản tại Đà Lạt
16 kịch bản gồm: "Con câm"(Trần Đăng Nhân), "Vạt tình" (Đặng Thanh Nga), "Ánh lửa đêm xuân" (Trần Thị Hồng Yến), "Chạm vào đam mê" (Phượng Vỹ), "Vương hậu" (Bích Ngân), "Mát mặt anh hùng" (Nguyễn Thanh Bình), "Thuyền về bến cũ"(Đức Hiền), "Vịt chạy đồng" (Trần Mỹ Trang), "Bước ra từ bóng tối" (Mỹ Dung), "Âm vọng hoàng thành"(Phạm Tân), "Gặp lại cố nhân" (Đăng Minh), "Đồng chí" (Lê Thu Hạnh), "Biết bao nhiêu tình" (Trần Kim Khôi), "Điệp vụ xuất quỹ nhập thần" (Nguyễn Kháng Chiến), "Nơi gặp của tình yêu" (Vương Huyền Cơ), "Cuộc sống không là những con số" (Thanh Hiệp)…
Các tác giả tham gia Trại sáng tác kịch bản sân khấu do Hội Sân khấu TP HCM tổ chức
Các tác giả đọc kịch bản trước khi đến trại, dành thời gian để góp ý, tranh luận, làm sáng tỏ hơn chủ đề tư tưởng của từng kịch bản.
Những câu chuyện kịch khá hấp dẫn đã tạo không khí đối thoại để khuyến khích những thay đổi trong cấu trúc, không gian, tình huống xung đột, tính cách nhân vật…
Các tác giả làm việc tại trại sáng tác kịch bản sân khấu năm 2023
Đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, kỳ vọng qua những ngày tham gia trại, sẽ có nhiều kịch bản được dàn dựng thành vở diễn hay, được công chúng đón nhận.
Nhiều tác giả tham gia trại sáng tác nhìn nhận hiện nay, sân khấu đang thiếu kịch bản hay. Việc tham gia trại và được góp ý, "gia cố" của nhiều người sẽ giúp các tác giả có những kịch bản mang tính đột phá.
Trên thực tế, qua mỗi trại sáng tác, đội ngũ tác giả sân khấu TP HCM mong muốn sáng tạo nhiều kịch bản hay, bám sát đời sống đương đại. Sàn diễn không thể chỉ bám vào việc tái dựng kịch bản cũ, mà cần tạo ra những kịch bản mới, có tính vấn đề, tiếp cận những diễn biến liên tục của cuộc sống, nhất là phải có sự dấn thân khi sáng tác kịch bản dựa vào chất liệu có thật từ đời sống.