Nghiêm khắc với nghệ sĩ quảng cáo bừa bãi

Việc kêu gọi giới nghệ sĩ phải có ý thức trách nhiệm khi tham gia quảng cáo sản phẩm vẫn đang gặp khó khăn, bởi thu nhập quá cao khiến nhiều người bất chấp

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) vừa có tờ trình về đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật

Nghệ sĩ Việt làm quảng cáo trên mạng xã hội (*): Tận dụng quyền năng khán giả

Tại một cuộc họp với Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM về vấn đề này cách đây không lâu, nhạc sĩ - NSƯT Thế Hiển cho biết: "Đi đâu tôi cũng nghe người dân than phiền nghệ sĩ A, nghệ sĩ B lên mạng xã hội than mình đang bệnh, kêu gọi mua sản phẩm đặc trị. Người dân cả tin nghe theo lời thần tượng rồi tá hỏa khi biết sản phẩm không như quảng cáo".

Dư luận bức xúc về việc mức xử phạt với các nghệ sĩ tham gia quảng cáo "bẩn" vẫn còn "giơ cao đánh khẽ". Do mức phạt quá nhẹ sau khi vi phạm nên nhiều người vẫn ngang nhiên quảng cáo "bừa" - từ thuốc trị bệnh, giảm cân đến mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... - dày đặc trên mạng xã hội. Nhiều người dân đề nghị cần phải công bố hình ảnh, lời xin lỗi và có hình thức xử lý nghiêm khắc hơn để răn đe tình trạng "trăm hoa đua nở" của các nghệ sĩ tham gia quảng cáo bừa bãi.

Theo NSƯT Lê Thiện, nghệ sĩ là người của công chúng. Việc quảng cáo sản phẩm sai lệch gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực, làm suy giảm uy tín, hình ảnh của giới nghệ sĩ. "Theo tôi, phải sớm chấn chỉnh thực trạng này. Không thể để hình ảnh nghệ sĩ bị ta thán như hiện nay, vì họ là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa" - NSƯT Lê Thiện nhấn mạnh.

Nghiêm khắc với nghệ sĩ quảng cáo bừa bãi - Ảnh 2.

Nhiều nghệ sĩ quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm, gây bất bình với người tiêu dùng. Ảnh: TƯ LIỆU

Giữ hình ảnh đẹp của nghệ sĩ

NSƯT Lê Nguyên Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP HCM, cho rằng việc Bộ VH-TT-DL đề xuất nghệ sĩ phải thẩm định sản phẩm trước khi quảng cáo cho thấy quyết tâm mạnh mẽ từ phía cơ quan chức năng trong việc kiểm soát hoạt động quảng cáo của nghệ sĩ trên không gian mạng.

"Đề xuất của Bộ VH-TT-DL nếu được chấp thuận sẽ tạo hành lang pháp lý góp phần ngăn chặn sự xâm nhập của hàng hóa kém chất lượng vào thị trường. Quan trọng hơn, việc này sẽ góp phần giữ được hình ảnh nghệ sĩ trong mắt người dân" - NSƯT Lê Nguyên Đạt nhận định.

Dư luận cho rằng đề xuất của Bộ VH-TT-DL sẽ khiến nghệ sĩ phải thận trọng hơn, có trách nhiệm hơn trong việc giới thiệu sản phẩm. Nói về đề xuất này, PGS-TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng cần có thêm cơ chế để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong việc thẩm định sản phẩm. Cơ quan thẩm định phải không bị ảnh hưởng bởi áp lực từ các bên liên quan hoặc vì lợi ích cá nhân.

Ở một góc nhìn khác, những người trong cuộc cho rằng hiện nay, nhiều nghệ sĩ có kênh mạng xã hội riêng, có thể tự quảng bá sản phẩm nên rất cần sự kết hợp giữa các cơ quan quản lý. Ngoài ra, cần nghiên cứu thiết lập các hộp thư để người tiêu dùng tố giác việc lợi dụng hình thức "tâm sự với khán giả" rồi chêm vào đó quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

NSND Trần Minh Ngọc trăn trở về tình trạng lạm dụng các danh xưng như "nhà thuốc gia truyền", "danh y", "thần y"… khi quảng cáo sản phẩm chữa bệnh trên mạng xã hội. "Đây là điều không thể chấp nhận được. Mong rằng lần này, việc chấn chỉnh quảng cáo bát nháo sẽ khả thi, trả lại hình ảnh trong sáng của nghệ sĩ cho công chúng" - NSND Trần Minh Ngọc bày tỏ.

Nghệ sĩ Tú Trinh cho rằng một số nghệ sĩ đã quá dễ dãi khi tham gia quảng cáo “trời ơi”, làm ảnh hưởng đến hình ảnh đẹp của cả giới. “Nghệ sĩ phải có lòng tự trọng. Là những người mang đến cái đẹp cho cuộc sống, trước hết họ phải sống tử tế” - nghệ sĩ Tú Trinh nhìn nhận.