![]() |
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cưỡi ngựa trong trận tuyết rơi ở núi Paektu. Hình ảnh do Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố vào ngày 16/10/2019. Ảnh: KCNA. |
Hội đồng điều hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vừa chính thức đưa Paektu vào danh sách Công viên địa chất toàn cầu, đánh dấu lần đầu tiên Triều Tiên có một di sản thiên nhiên đạt chuẩn quốc tế.
Quyết định này được công bố trong cuộc họp vào tháng 2, ghi nhận “di sản thiên nhiên và văn hóa ấn tượng” của khu vực - nơi có các vụ phun trào núi lửa lịch sử, thung lũng băng hà và cao nguyên đá đồ sộ, theo CNN.
Ẩn mình giữa những dãy núi phía bắc bán đảo Triều Tiên, vượt qua các trạm kiểm soát quân sự và con đường đất đá gập ghềnh, núi Paektu (còn gọi là Changbaishan theo tên tiếng Trung) hiện lên như một biểu tượng hùng vĩ của quốc gia được mệnh danh bí ẩn nhất thế giới.
Với độ cao hơn 2.700 m và miệng núi lửa sâu thẳm, Paektu không chỉ là đỉnh núi cao nhất bán đảo Triều Tiên, mà còn là nơi giao thoa giữa thiên nhiên kỳ vĩ, truyền thuyết dân tộc và chính trị hiện đại.
Theo truyền thuyết, Paektu là nơi khai sinh Dangun - người lập nên vương quốc đầu tiên của người Triều Tiên. Trong lịch sử hiện đại, ngọn núi này tiếp tục được triều đại Kim gắn liền với sự ra đời và huyền thoại của gia tộc cầm quyền. Nhà sáng lập Kim Il Sung được cho là từng ẩn náu tại đây trong thời kỳ kháng Nhật. Con trai ông, Kim Jong Il, theo tuyên truyền nhà nước, sinh ra ngay gần đỉnh núi trong một cabin gỗ.
Quang cảnh núi Paektu nhìn từ phía Triều Tiên, chụp vào tháng 6/2017. Ảnh: Justin Robertson/CNN.
Từ góc độ khoa học, Paektu là một núi lửa dạng tầng đang hoạt động, từng phun trào mạnh vào hơn 1.000 năm trước (năm 946 CN). Đây là một trong những vụ phun trào núi lửa mạnh nhất trong lịch sử.
UNESCO mô tả các công viên địa chất toàn cầu là "những khu vực địa lý thống nhất, nơi các địa điểm và cảnh quan có tầm quan trọng về địa chất quốc tế được bảo tồn và phát triển bền vững thông qua giáo dục và du lịch".
Theo tổ chức này, hiện có hơn 200 công viên địa chất tại 49 quốc gia. Di sản núi lửa, các thung lũng được hình thành do xói mòn băng hà và đồng bằng đá của Paektu như một phần tạo nên ý nghĩa toàn cầu của nơi này.
Năm ngoái, phía Trung Quốc của ngọn núi đã được công nhận với tên Changbaishan. Dù Triều Tiên nộp đơn trước (từ 2019), nhưng đại dịch Covid-19 đã khiến quá trình thanh tra thực địa bị trì hoãn.
![]() |
Phóng viên quốc tế cấp cao của CNN Will Ripley, Phó chủ tịch cấp cao, Tổng biên tập Ellana Lee, nhà sản xuất Tim Schwarz và phóng viên ảnh Justin Robertson (từ trái sang phải), tại địa điểm hồ Chon trên đỉnh núi Paektu, tháng 6/2017. Ảnh: Justin Robertson/CNN. |
Với danh hiệu mới, Bình Nhưỡng có thể định hướng Paektu trở thành điểm đến du lịch địa chất, thu hút du khách bằng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cùng huyền thoại được thêu dệt qua hàng thế hệ.
Đối với người dân Triều Tiên, Paektu không đơn thuần là một điểm đến. Đó là nơi lưu giữ ký ức dân tộc, truyền thống anh hùng và là biểu tượng không thể thay thế trong bản sắc văn hóa.
Cuộc sống ở vùng chân núi, dù nghèo nàn và biệt lập, vẫn toát lên lòng tự hào lặng lẽ nơi những con người tin rằng họ đang sống dưới bóng của ngọn núi thiêng.
UNESCO đã mang lại cho Paektu sự công nhận toàn cầu. Nhưng với Bình Nhưỡng, điều đó còn là cơ hội để kể lại câu chuyện của họ – một câu chuyện vừa hùng vĩ. Hiện tại, ngọn núi vẫn đứng vững, sườn núi phủ đầy mây và những câu chuyện của nó được truyền qua nhiều thế hệ.
Du lịch là để tận hưởng hay sống ảo?
Theo TS Đặng Hoàng Giang - tác giả cuốn sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường - việc chạy theo những gì được cho là đẹp theo tiêu chuẩn số đông đang phá vỡ sự nguyên sơ, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên.
Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu nội dung buổi chia sẻ của tác giả Đặng Hoàng Giang về quan điểm du lịch đang khiến con người quên đi việc tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên.
> Đọc tiếp: Hệ luỵ của du lịch 'sống ảo'